7 bóng ma Halloween khiến những gã khổng lồ công nghệ khiếp vía (Kỳ 1)

VietTimes – Halloween là lễ hội truyền thống của người phương Tây tổ chức thường niên vào 31/10, mang màu sắc tâm linh kỳ bí. Tuy nhiên, giới công nghệ có những cơn ác mộng còn rùng rợn hơn cả bóng ma ngày lễ Halloween, đến từ hệ sinh thái thiết bị và sự gia tăng không ngừng của cộng đồng người sử dụng.

Facebook sợ… cộng đồng người dùng Facebook

Điều đáng sợ nhất đối với Facebook chính là cộng đồng người dùng Facebook.

Ảnh: Thedailybeast
 Ảnh: Thedailybeast

Thời gian qua, Facebook đã phải đối mặt với làn sóng phẫn nộ từ dư luận, trở thành tâm điểm chỉ trích tại các buổi tọa đàm về quyền riêng tư. Ban lãnh đạo Facebook đã đánh giá thấp vai trò quản trị nền tảng. Lợi nhuận khiến mạng xã hội với hơn 2 tỷ người dùng đi theo hướng rất khác so với mục tiêu phát triển ban đầu của CEO Mark Zuckerberg.

Năm 2016 là thời điểm nạn “fake news” (tin giả) tràn lan. Tin tức giả về các vụ nổ súng, tự sát tập thể, bắt nạt… lan truyền nhanh chóng. Mặc cho nỗ lực kiểm soát các nội dung đăng tải, Facebook vẫn không thể ngăn chặn “fake news” hoành hành. Chúng vẫn tồn tại hàng giờ liền, thậm chí nhiều ngày trước khi bị gỡ. Đó là chưa kể tới các nội dung độc hại, khiêu dâm vẫn xuất hiện trên mạng xã hội.

Bê bối Cambridge Analytica mà Facebook phải đối mặt là một phần của nạn “fake news”. Dựa trên thông tin cá nhân của người dùng, công ty phân tích dữ liệu Anh đã sử dụng các đoạn quảng cáo chính trị để thay đổi kết quả nhiều cuộc bầu cử trong năm 2016, bao gồm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và chưng cầu ý dân về kế hoạch Brexit.

Kể từ đó, Facebook đã phải thuê hàng ngàn nhân viên kiểm duyệt nội dung để vô hiệu hóa tài khoản đăng tin xấu độc. Công ty cho biết đã xóa bỏ được 837 tin tức giả mạo trong Q1/2018, 583 triệu tài khoản giả mạo “trong vài phút” và 24 triệu hình ảnh khiêu dâm, bạo lực.

Nhưng Facebook cũng lên tiếng thừa nhận công nghệ chưa đủ hiệu quả để ngăn sự cố xảy ra trên mạng xã hội. Cụ thể, bộ lọc chỉ xác định được 38% (tương đương 2,5 triệu) bài đăng phản cảm trong Q1/2018. Đội ngũ kiểm duyệt vẫn phải làm việc thủ công, một phần dựa vào báo cáo vi phạm từ người dùng.

Ảnh: Metro
 Ảnh: Metro

Với vị thế của mạng xã hội phổ biến nhất thế giới, con số chỉ chiếm tỷ lệ khá nhỏ. Nhưng theo nghiên cứu của eMarketer, công ty đang đánh mất lượng lớn đối tượng người dùng từ 12-17 tuổi. Dự đoán trong năm 2018 có khoảng 2 triệu thanh thiếu niên Mỹ (dưới 24 tuổi) ngừng sử dụng Facebook. Về căn bản, sự suy giảm sẽ kéo tụt đà tăng trưởng của Facebook, khiến công ty khó dữ chân đối tác quảng cáo.

Mặt khác, sự cố rò rỉ dữ liệu liên miên trên Facebook đã làm xói mòn niềm tin từ phía người dùng. Thật khó để tin tưởng nền tảng không thể chịu trách nhiệm về khả năng bảo mật thông tin. Điều này sẽ giết chết tiềm năng trong lĩnh vực thanh toán số trên nền tảng.

Facebook có thể phục hồi niềm tin từ phía người dùng hay không là vấn đề của tương lai. Còn hiện tại, nhiều người vẫn đang cân nhắc về việc xóa hoặc (ít nhất) hạn chế sử dụng mạng xã hội nổi tiếng này.

Google và… cơn ác mộng quảng cáo trên Google Search

Sau 20 năm ra mắt, quảng cáo trên Google Search đã trở thành điều đáng sợ nhất đối với Google.

Ảnh: Google
 Ảnh: Google

Theo báo cáo tài chính của Alphabet, việc người dùng thay đổi cách thức tìm kiếm sản phẩm đã tác động tới hoạt động kinh doanh cốt lõi của công ty, bán quảng cáo trên Google Search. Cổ phiếu của Alphabet đã sụt giảm mạnh trong tuần trước, khi đối tác quảng cáo yêu cầu giảm giá thành còn công ty phải chi trả thêm một khoản phí để phổ biến công cụ tìm kiếm của mình (9 tỷ USD cho Apple).

Theo Bloomberg, mặc dù số lượng lần click chuột vào quảng cáo trên Google tăng 60% nhưng giá đề xuất với đối tác lại giảm 28%. Các nhà phân tích nhận định đây là mức giảm kỷ lục trong vòng 3 năm qua. Và khi “mảnh đất” quảng cáo trên thiết bị di động hẹp hơn so với trên PC thì tổn thất doanh thu của Google có thể sẽ tiếp diễn.

Đáng buồn hơn khi báo cáo tài chính của Google công bố cùng lúc với Amazon. Công ty bán lẻ hàng đầu nước Mỹ tuyên bố sự tăng trưởng tới 3 chữ số so với quý trước, bao gồm danh mục quảng cáo. Do nhiều đối tác cho rằng nền tảng của Amazon có khả năng tương thích cao và thanh toán đơn giản với chỉ một cú click chuột. eMarketer cũng cho rằng doanh thu từ mảng quảng cáo kỹ thuật số của Amazon sẽ tăng từ hơn 2% lên thành 3,5% vào cùng kỳ năm 2019.

Ảnh: Ad Age
 Ảnh: Ad Age

Như đã giải thích phía trên, doanh thu quảng cáo trên Google Search sụt giảm do sự phát triển của các thị trường tập trung, trở thành điểm đến quen thuộc khi người dùng muốn tìm một mặt hàng cụ thể. Ví dụ, nếu muốn tìm một chiếc TV mới, họ sẽ truy cập thẳng vào Amazon hoặc BestBuy, chứ không qua Google.

Tất nhiên, Google đã nhận ra vấn đề này và đang nỗ lực để chống lại các mối đe dọa tới hoạt động kinh doanh cốt lõi. Ví dụ, công ty mã hóa thông tin người dùng để đăng nhập dễ dàng hơn trên các website của đối tác.

Mặc dù, Amazon hiện đang chiếm 50% thị trường thương mại trực tuyến tại Mỹ, nhưng miếng bánh quảng cáo còn rất lớn. Theo thống kê của Cục điều tra dân số Mỹ, 90% doanh số bán lẻ vẫn đến từ các cửa hàng. Để duy trì sự tăng trưởng, Google phải tìm ra cách để người dùng quay lại tìm kiếm sản phẩm trên Google Search. Tuy nhiên, đó chính là câu hỏi mà ban lãnh đạo công ty cần Google Assistant trợ giúp ngay lúc này.

Apple sợ… chu kỳ nâng cấp iPhone

Người dùng iPhone đã góp phần giúp Apple cán mốc công ty đại chúng nghìn tỷ USD đầu tiên, nhưng tần suất nâng cấp iPhone của họ ngày một ít đi.

Ảnh: Apple
 Ảnh: Apple

Theo ước tính của một số nhà phân tích, chu kỳ nâng cấp iPhone hiện nay đã kéo dài từ 21 lên 31 tháng, và sẽ sớm trở thành 33 tháng. Đồng nghĩa với việc người dùng phổ thông sẽ sử dụng iPhone trong vòng gần 3 năm, kể từ khi mua khỏi Apple Store.

Một phần bởi sự tăng giá chung của thị trường smartphone, đặc biệt là iPhone. Kể từ năm ngoái, người dùng đã phải chi tới hơn 1.000 USD để sở hữu phiên bản iPhone cao cấp nhất (iPhone X 256 GB: 1.500 USD; iPhone Xs Max 256 GB: 1.250 USD).

Chu kỳ nâng cấp iPhone chững lại cũng bởi các phiên bản iPhone ra mắt về sau ngày càng ít thay đổi về thiết kế.  Trong khi, phiên bản hệ điều hành iOS 12 đem tới nhiều cải tiến về hiệu năng khiến người dùng càng càng có lý do để trì hoãn nâng cấp iPhone.

Thực tế, không phải ai cũng muốn đầu tư cho chiếc iPhone đắt tiền chỉ vì muốn chụp ảnh đẹp hơn. Đối với nhiều người, sự khác biệt chưa đủ sức thuyết phục, kể cả khi Apple đã trang bị tính năng nhận diện khuôn mặt FaceID cho tất cả mẫu iPhone năm 2018.

“Táo khuyết” tin rằng iPhone Xr sẽ là chìa khóa giải quyết vấn đề này. Xr khuyến khích người dùng đổi iPhone nhờ thiết kế mới và giá thành rẻ. Các nhà phân tích đã kỳ vọng iPhone Xr sẽ dẫn đầu danh sách sản phẩm bán chạy của Apple trong năm 2018.

Ảnh: Silicon
 Ảnh: Silicon

Apple cũng đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực quảng cáo để thúc đẩy nhu cầu của thị trường, đặc biệt khi kỳ nghỉ Giáng sinh đang tới. Nhưng kỳ vọng tín hiệu khả quan đã bị dập tắt bởi doanh số bán hàng thấp hơn dự đoán, đơn giản vì nhiều người vừa mua iPhone 8 (800 USD) và iPhone X (1.000 USD) cách đây chưa đầy 1 năm.

Tuần qua, tờ Wall Street Journal đã đăng tải báo cáo của nhà mạng Verizon về tỷ lệ nâng cấp iPhone thấp kỷ lục, và dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong tháng 12.

Việc người dùng thay đổi thói quen nâng cấp thiết bị không chỉ ảnh hưởng tới Apple, mà còn tác động tới tất cả nhà sản xuất smartphone. Hệ quả là doanh số smartphone đã giảm 2% so với quý trước.

Nhưng Apple có lẽ là công ty chịu thiệt hại nặng nề nhất. Chu kỳ nâng cấp kéo dài khiến công ty đánh mất thị phần ở thị trường lớn Trung Quốc, vào tay các nhà sản xuất địa phương. Thương hiệu Apple đã tụt xuống vị trí thứ 3 trong danh sách các nhà sản xuất smartphone hàng đầu thế giới. Đó chính là lý do cho những chuyến công tác tới Bắc Kinh gần đây của CEO Tim Cook, cũng như chính sách đa dạng hóa phân khúc iPhone (sản phẩm đem về doanh thu lớn nhất) trong năm nay.

Nghịch lý này vẫn đang ám ảnh Apple. Người dùng thích iPhone, họ mua iPhone và sử dụng chúng càng lâu càng tốt.

Theo PYMNTS