62% dân số thế giới gặp các bệnh về tiêu hoá nhưng nhiều người Việt Nam chưa coi trọng vấn đề này

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – 40% dân số thế giới bị các vấn đề mãn tính về đường tiêu hóa; 62% dân số gặp phải các vấn đề về sức khỏe tiêu hóa như đau dạ dày, khó tiêu… Ở Việt Nam, bệnh về đường tiêu hóa đứng top đầu các bệnh nội khoa.
TTND.GS.TS Lê Danh Tuyên - Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia
TTND.GS.TS Lê Danh Tuyên - Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia

Tuy nhiên, ở Việt Nam, vấn đề sức khỏe hệ tiêu hóa chưa được người dân chú trọng. Một nghiên cứu cho thấy, số người mắc bệnh về tiêu hóa chiếm khoảng 10% dân số. Vì thế, nhân Ngày Sức khỏe Tiêu hóa Thế giới 29/5, Báo Sức khỏe & Đời sống và Viện Dinh dưỡng Quốc gia phối hợp phát động chương trình truyền thông hưởng ứng ngày sức khỏe tiêu hóa thế giới 2022 với chủ đề “Khoẻ tiêu hoá - khoẻ hơn mỗi ngày”.

Tại buổi họp báo về chương trình, TTND.GS.TS Lê Danh Tuyên - Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia – cho biết, mỗi người, trong cả cuộc đời sử dụng hết khoảng 144 tấn lương thực và thực phẩm, đều qua đường tiêu hoá. Những con số trên cho thấy tầm quan trọng của sức khoẻ tiêu hoá, thế nhưng, nhiều người vẫn coi thường hệ tiêu hoá khi sử dụng rượu, bia, ăn uống không kiểm soát... Không chỉ giúp tiêu hóa thức ăn tạo năng lượng cho cơ thể, hệ thống tiêu hóa còn đóng vai trò rất quan trọng hỗ trợ chức năng miễn dịch, bởi 70% hệ miễn dịch biểu mô của chúng ta nằm ở hệ tiêu hóa. Do đó có thể nói, tiêu hóa khỏe đồng nghĩa với hệ miễn dịch khỏe mạnh, là chìa khóa phòng tránh bệnh tật.

Đại diện các đơn vị phối hợp tổ chức chương trình “Khoẻ tiêu hoá - khoẻ hơn mỗi ngày”.

Đại diện các đơn vị phối hợp tổ chức chương trình

“Khoẻ tiêu hoá - khoẻ hơn mỗi ngày”.

“Trước thực trạng về dinh dưỡng và sức khỏe tiêu hóa hiện nay, việc truyền thông để giúp nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng về vai trò của dinh dưỡng và tiêu hóa đối với sức khỏe tổng thể là rất cần thiết. Dinh dưỡng đúng và đủ, giúp chăm sóc hệ tiêu hóa khỏe mạnh, từ đó tăng cường sức đề kháng, nâng cao miễn dịch, giúp phòng tránh bệnh tật – đó chính là ý nghĩa chương trình truyền thông hưởng ứng Ngày Sức khỏe Tiêu hóa”- ông Tuyên nhấn mạnh.

Theo nhà báo Trần Tuấn Linh - Tổng Biên tập Báo Sức khoẻ & Đời sống - sự xuất hiện của đại dịch COVID-19 trong hơn hai năm qua đã cho thấy chưa bao giờ việc chăm sóc sức khỏe lại quan trọng đến vậy đối với mỗi chúng ta. Những người có sức khoẻ tốt khi mắc COVID-19 chỉ vài ngày là khỏi, ngược lại, những người sức khoẻ kém sẽ mắc lâu và điều trị khó khăn.

Nhà báo Trần Tuấn Linh - Tổng Biên tập Báo Sức khoẻ & Đời sống
Nhà báo Trần Tuấn Linh - Tổng Biên tập Báo Sức khoẻ & Đời sống

Nhà báo Trần Tuấn Linh cho biết thêm: Chương trình truyền thông hưởng ứng Ngày Sức khỏe Tiêu hóa thế giới 2022 diễn ra trong suốt tháng 5/2022. Các hoạt động nhằm nâng cao ý thức chăm sóc sức khỏe tiêu hóa của cộng đồng, giúp người dân có nhận thức đúng về ý nghĩa của tiêu hoá đối với sức khoẻ, các giải pháp dinh dưỡng lành mạnh, tăng cường đề kháng, xây dựng thói quen tốt để chăm sóc hệ tiêu hoá khoẻ mạnh tự nhiên.

Các hoạt động sẽ được thực hiện vừa mang tính khoa học vừa gần gũi, có tính tương tác cao như: Tọa đàm khoa học trực tuyến với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành về dinh dưỡng và tiêu hóa trong và ngoài nước, loạt bài viết khoa học chuyên đề về chăm sóc sức khỏe hệ tiêu hóa với nhiều hình thức thể hiện sinh động, mới mẻ...

Đặc biệt, hướng đến giới trẻ, GenZ, chương trình còn các các hình thức mới như “Thử thách Tiktok”, nội dung sáng tạo trên Facebook, hình thức Hỏi&Đáp tương tác trên Instagram, chuỗi video clips trên Youtube… để mang thông điệp “Khỏe tiêu hóa, khỏe hơn mỗi ngày” đến gần với người trẻ với các hashtag #KhoeTieuHoa_KhoeHonMoiNgay và #Ngaytieuhoathegioi.

Từ năm 2004, Tổ chức Tiêu hóa Thế giới (WGO) phối hợp với Quỹ WGO (WGOF) đã chọn ngày 29/5 là Ngày Sức khỏe Tiêu hóa Thế giới với mục đích nâng cao nhận thức chung của cộng đồng về vai trò của hệ tiêu hóa đối với sức khỏe, cũng như cách phòng ngừa, chẩn đoán, quản lý và điều trị các bệnh và/ hoặc tình trạng rối loạn tiêu hóa.