62,6% người cao tuổi không có lương hưu hoặc trợ cấp

Tốc độ già hóa dân số của Việt Nam thuộc nhóm những nước nhanh nhất thế giới, và điều này đặt ra thách thức vô cùng lớn, đặc biệt trong bối cảnh có tới 62% người cao tuổi ở Việt Nam vẫn chưa có lương hưu hoặc chưa được nhận trợ cấp xã hội.
62,6%  người cao tuổi không có lương hưu hoặc trợ cấp

Lo cho tuổi về hưu

Bà Liễu ở La Khê, Hà Đông, Hà Nội, mặc dù đã trên 70 tuổi nhưng hàng ngày vẫn phải dậy từ 4 giờ sáng để ra chợ đầu mối lấy rau về chợ Hoa Đỏ, Hà Đông bán. Bà Liễu kể có ba người con nhưng đều làm công nhân, họ nuôi bản thân và gia đình còn khó nói chi tới nuôi thêm bà. Hơn nữa, con cái làm tại các khu công nghiệp nên sáng đi sớm, chiều tối về muộn nên cũng hiếm khi sang thăm nom bà.

“Tôi không có một khoản thu nhập nào khác ngoài bán rau cả”, bà Liễu nói, “nếu sắp tới không còn sức khỏe không biết tôi sẽ sống bằng gì”.

Những người như bà Liễu không phải hiếm. Theo thống kê của Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện cả nước có khoảng 11,2 triệu người cao tuổi nhưng tới 62,6% trong số đó không có lương hưu hoặc hưởng trợ cấp từ nhà nước.

Hiện tại đã có gần 20% người cao tuổi sống dưới mức nghèo, hơn một phần ba trong số họ vẫn đang phải làm việc, chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp và phi chính thức với thu nhập không ổn định và thấp.

Trong khi đó, tốc độ già hóa dân số của Việt Nam thuộc hàng cao nhất thế giới. Theo bà Ritsu Nacken, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hiệp quốc tại Việt Nam, nếu như các nước phát triển như châu Âu hay Nhật Bản mất 30-40 năm để đến chỗ dân số già thì Việt Nam chỉ mất 15 năm.

Cụ thể, năm 2014, tỷ lệ người cao tuổi trong dân số Việt Nam đạt con số 10,5% nhưng con số này sẽ tăng lên 23% vào năm 2040. Tình trạng già hóa dân số quá nhanh đặt ra nhiều thách thức đối với Việt Nam khi hiện tại đã có gần 20% người cao tuổi sống dưới mức nghèo, hơn một phần ba trong số họ vẫn đang phải làm việc, chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp và phi chính thức với thu nhập không ổn định và thấp.

Bên cạnh đó, cũng theo bà Nacken, cuộc suy thoái kinh tế gần đây ảnh hưởng tới người già nặng nề hơn khi họ không có cơ hội phục hồi như những nhóm tuổi khác. Thống kê cho thấy, trong giai đoạn 2010-2012, thu nhập đã tăng lên ở hầu hết các nhóm tuổi ở Việt Nam, trừ những người già từ 65-80 tuổi.

Liệu còn có thể phụ thuộc con cái?

Một cuộc điều tra về tình trạng già hóa dân số diễn ra tại một số nước khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, do Viện Lão hóa toàn cầu và Công ty Prudential thực hiện năm 2014 cho thấy cả người đã nghỉ hưu và người lao động hiện tại đều có nỗi “lo lắng nghiêm trọng” đối với tương lai hưu trí của họ.

Ông Richard Jackson, Chủ tịch Viện Lão hóa toàn cầu, cho hay 80% người cao tuổi Việt Nam đang sống với con cái; 86% người nghỉ hưu hiện tại đang trong tình trạng tàn tật hoặc cần được trợ giúp trong cuộc sống hàng ngày và đang được con đẻ hoặc con dâu/con rể chăm sóc. Có tới 98% người lao động hiện tại mong muốn được chăm sóc như vậy khi nghỉ hưu nếu họ ở trong hoàn cảnh tương tự.

Tỷ lệ này cao hơn rất nhiều so với các nước khác, cho thấy trụ cột an sinh xã hội thông qua hỗ trợ gia đình, con cái của Việt Nam rất vững chắc. Tuy nhiên, cuộc điều tra cũng cho thấy những người hiện đang nghỉ hưu vẫn rất lo lắng về vấn đề đảm bảo các chế độ hưu trí cho họ.

Trong số những người nghỉ hưu được hưởng trợ cấp nhà nước, 80% lo lắng về việc Chính phủ sẽ giảm mức trợ cấp, tỷ lệ này cao hơn so với các nước khác, trừ Philippines. “Điều này cho thấy tâm lý bất an nếu người nghỉ hưu phụ thuộc chủ yếu vào các chương trình hỗ trợ Chính phủ và phụ thuộc vào sự hỗ trợ của gia đình”, ông Richard Jackson nhấn mạnh.

Xem xét ở phạm vi tổng thể hơn, một tỷ lệ rất lớn những người nghỉ hưu hiện nay lo lắng về việc tiêu hết tiền tiết kiệm (82%), trở thành gánh nặng cho con cái (92%), trở nên nghèo và không có đủ tiền (92%) và có bệnh tật khi về già hoặc không có ai chăm sóc (93%).

Bên cạnh đó, kinh nghiệm từ một số quốc gia khác trong khu vực Đông Á cho thấy một mạng lưới hỗ trợ cho người cao tuổi từ gia đình mạnh mẽ nhất cũng có thể bị phân rã do quá trình phát triển và hiện đại hóa nhanh chóng. Cụ thể, vào năm 1990, tỷ lệ người cao tuổi ở Hàn Quốc sống với con cái là 80% nhưng hiện nay chỉ là 23%. Đối với những người đang làm việc, chỉ 12% kỳ vọng rằng sẽ ở với con cái mình khi về hưu.

Thực tế, đa phần người được hỏi đều cho rằng con cái “phải luôn luôn tôn kính cha mẹ” và “nên hỗ trợ cha mẹ bằng mọi cách mà họ có thể”. Tuy nhiên, khi được hỏi những câu trực tiếp hơn như “Theo ông bà, ai sẽ là người có trách nhiệm cao nhất trong việc cung cấp tài chính/thu nhập cho người nghỉ hưu?”. Chỉ 10% những người được phỏng vấn trả lời “con cái hoặc những thành viên khác trong gia đình”.

“Điều này có thể có nghĩa rằng mạng lưới hỗ trợ từ gia đình dường như không vững chắc như chúng ta thường nghĩ”, ông Richard Jackson nhấn mạnh.

Chính phủ nên gánh vác trách nhiệm hưu trí?

Nếu gia đình không phải là nơi có trách nhiệm cao nhất trong việc cung cấp trợ cấp hưu trí thì ai sẽ đảm trách? Cuộc điều tra cho thấy, có tới 62% (tỷ lệ 3/1) nghiêng về ý kiến Chính phủ nên chịu trách nhiệm về việc trợ cấp hưu trí và 22% cho rằng cá nhân người nghỉ hưu nên gánh trách nhiệm này.

Những người trẻ cũng có chung quan điểm với người cao tuổi khi cho rằng trách nhiệm trợ cấp về hưu trí là của Chính phủ. Hơn nữa, mức thu nhập và trình độ học vấn càng cao thì tỷ lệ ý kiến cho rằng Chính phủ nên chịu trách nhiệm với vấn đề hưu trí càng tăng lên và tỷ lệ người cho rằng cá nhân người nghỉ hưu nên có trách nhiệm càng giảm xuống. “Điều này hoàn toàn trái ngược tại hầu hết các nước khác. Cả hai thực tế trên đều thể hiện quan điểm của người Việt Nam mong muốn Chính phủ có trách nhiệm trợ cấp hưu trí một cách lâu dài”, ông Richard Jackson phân tích.

Mặc dù vậy, đa số người được phỏng vấn đều đồng ý cải cách bằng việc khuyến khích người lao động tiết kiệm hơn để dự phòng cho tương lai sau khi nghỉ hưu (chiếm 89%) hoặc đồng ý với sáng kiến “yêu cầu người lao động phải làm như vậy” (88%). Đây là một dấu hiệu tốt vì hầu hết người lao động đều cần phải tiết kiệm nhiều hơn nếu họ muốn đảm bảo cuộc sống khi về già.

Ông Richard Jackson phân tích, mặc dù phần lớn người Việt Nam vẫn hy vọng sẽ dựa vào Chính phủ và gia đình khi về hưu nhưng dường như họ hiểu được rằng khi xã hội phát triển và hiện đại hóa cùng với thực trạng dân số đang già hóa, việc dựa quá nhiều vào trợ cấp hoặc dựa vào hỗ trợ từ gia đình ẩn chứa rất nhiều rủi ro.

Bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cho rằng Nhà nước cần phải khuyến khích các hình thức tiết kiệm, tham gia các quỹ hưu trí, mua sản phẩm bảo hiểm nhân thọ. Đồng thời với đó là mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và tự nguyện, đặc biệt là nhóm đối tượng 62,6% người cao tuổi chưa có bất kỳ một hình thức bảo hiểm hưu trí nào.

Theo TBKTSG