59 tên lửa Tomahawk Mỹ tấn công Syria: Hậu họa khó lường

VietTime -- Cuộc không kích của Mỹ đã khiến Nga, Syria và Iran tức giận, và điều này làm phương hại tới triển vọng hợp tác trong liên minh chống khủng bố toàn cầu, và có thể nhóm khủng bố IS sẽ là bên duy nhất vui mừng trước cuộc tấn công tên lửa này, ChinaUsfocus nhận định.  
Khu trục hạm Mỹ phóng tên lửa Tomahawk
Khu trục hạm Mỹ phóng tên lửa Tomahawk

Theo lệnh tổng thống Mỹ Donald Trump, vào đêm 6 rạng ngày 7/4, hải quân Mỹ đã phóng 59 quả tên lửa hành trình Tomahawk vào căn cứ không quân Shayrat ở Syria. Cuộc không kích này được coi là sự trừng phạt đối với chính phủ Syria về vụ tấn công bằng vũ khí hóa học mà Mỹ cáo buộc là do chính quyền Assad thực hiện vào ngày 4/4 ở tỉnh Idlib. Tuy nhiên, trang ChinaUsfocus lại cho rằng cuộc không kích có thể là một đòn đánh cùng thắng hoặc cùng mất trên cả mặt trận trong nước lẫn quốc tế đối với ông Trump.

Trước hết, đây có thể là một đòn cùng thắng vì những lý do sau:

Thứ nhất, trên mặt trận trong nước, cuộc không kích này có thể giúp ông Trump thoát khỏi những cáo buộc về mối quan hệ gắn bó bất thường với Nga. Ông Trump không chỉ bị gán cho những cáo buộc cho rằng Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống và giúp ông thắng cử, mà hiện nay cơ quan tình báo trung ương Mỹ cũng đang điều tra những lời cáo buộc liên quan đến vụ tấn công mạng trong cuộc bầu cử do Nga thực hiện.

Hơn nữa, cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump, ông Michael Flynn, đã buộc phải từ chức chỉ sau hơn một tháng nhậm chức vì không tiết lộ các cuộc điện đàm với đại sứ Nga. Đây là điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử chính trị nước Mỹ, đặc biệt là kể từ khi vị trí cố vấn an ninh quốc gia được thiết lập từ sau Thế chiến II.

Cuộc không kích đã thể hiện sự đối đầu trực tiếp với Nga, nước ủng hộ tổng thống Syria Bashar al-Assad. Do đó, hành động của ông Trump có thể làm dịu những sức ép trong nước đối với ông, làm giảm nguy cơ Đảng Dân chủ công kích ông Trump và chính quyền của ông về vấn đề nước Nga.

Thứ hai, trên mặt trận quốc tế, hành động này giúp định hình và đánh bóng hình ảnh cũng như uy tín của ông Trump - “một nhân vật cứng rắn”, đồng thời hành động này cũng giúp thể hiện vị thế lãnh đạo toàn cầu của Mỹ trong các hệ thống giá trị, đạo đức và sức mạnh quân sự.

Ông Trump đã bắn một mũi tên trúng nhiều đích với đòn tấn công tên lửa nhằm vào Syria
Theo ChinaUsfocus, ông Trump đã bắn một mũi tên trúng nhiều đích với đòn tấn công tên lửa nhằm vào Syria

Sau hơn hai tháng kể từ ngày nhậm chức, ông Trump đã phải vật lộn đối phó với sự phản kháng và phản đối trong nước trước các sắc lệnh của ông, từ việc cấm người di cư từ các nước Hồi giáo đến sử dụng quyền hành pháp bãi bỏ chính sách Obamacare. Do đó ông Trump rất cần một sự đột phá trong lĩnh vực ngoại giao.

Kể từ cuối tháng 3/2017, chính quyền ông Trump đã liên tục đe dọa nhà lãnh đạo Kim Jong-un bằng bạo lực về chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, nhưng Mỹ không dám đưa ra một động thái nguy hiểm vì sự phức tạp trên bán đảo Triều Tiên và tình hình an ninh ở Đông Bắc Á. Vì vậy, cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học hồi đầu tháng 4 đã tạo ra một cơ hội chưa từng có cho ông Trump và Lầu Năm Góc.

ChinaUsfocus cho rằng cuộc tấn công này là một bài học cho tổng thống Assad, đồng thời cũng giúp đạt được những thắng lợi sau.

Thứ nhất là thể hiện sự khác biệt giữa chính quyền ông Trump với chính quyền Obama. Vào năm 2013, khi Syria vượt qua lằn ranh đỏ, sử dụng vũ khí hóa học nhằm vào người dân, ông Obama đã chọn cách rút lui và đàm phán. Tuy nhiên chính quyền ông Trump lại rất quyết tâm và ngay lập tức thực hiện hành động quân sự để đáp trả lại cuộc tấn công mà nước này cáo buộc do chính phủ Syria thực hiện.

Căn cứ không quân Syria bị Mỹ tập kích tên lửa sáng 7/4
Căn cứ không quân Syria bị Mỹ tập kích tên lửa sáng 7/4
Vụ tấn công căn cứ không quân Syria là một nước cờ mà tổng thống Trump đã phải cân nhắc rất kỹ về những hệ lụy sau đó
Vụ tấn công căn cứ không quân Syria là một nước cờ mà tổng thống Trump đã phải cân nhắc rất kỹ về những hệ lụy sau đó

Thứ hai, cuộc không kích này giúp xây dựng vị thế lãnh đạo toàn cầu của ông Trump và nước Mỹ bằng cách đánh dấu sự trở lại của nước Mỹ ở Trung Đông và thậm chí là đối đầu với Nga. Trong tiếng vỗ tay reo hò của các đồng minh của Mỹ như Ả-rập Xê-út và Israel ở Trung Đông, Thổ Nhĩ Kỳ, nước từng liên minh với Nga trong nỗ lực chống khủng bố, cũng thể hiện sự ủng hộ của họ đối với các cuộc không kích của Mỹ đối với Syria, và điều này có thể chỉ ra rằng Nga đã bắt đầu mất đồng minh trong liên minh chống khủng bố ở Trung Đông.

Tuy nhiên, giống như hai mặt của một đồng tiền, cuộc không kích của Mỹ vào Syria cũng gây ra những thiệt hại cho ông Trump. Hậu quả của cuộc tấn công gây ra đối với ông Trump trên cả mặt trận trong nước và ngoài nước thể hiện qua những điều sau đây:

Thứ nhất, trên chính trường trong nước, quyết định tấn công của ông Trump vào Syria mà không cần sự thông qua của quốc hội đã khiến các thành viên Đảng Dân chủ tức giận. Thượng nghị sĩ Rand Paul cho rằng cuộc tấn công này không được quốc hội phê chuẩn, do đó đây là hành vi vi phạm hiến pháp Mỹ. Ông Rand Paul cũng cho rằng bất kỳ hành động quân sự nào cũng phải nhận được sự chấp thuận từ quốc hội. Ngoài ra nhiều học giả Mỹ cũng lên án cuộc không kích và công chúng cũng đã biểu tình bên ngoài Nhà Trắng, phản đối việc Mỹ tấn công quân sự vào Syria và lên án cuộc không kích là hành động hiếu chiến, xâm lược một nước nhỏ yếu.

Thứ hai, trên mặt trận quốc tế, các cuộc điều tra về tính xác thực của lời cáo buộc của Mỹ mới chỉ bắt đầu, vẫn chưa rõ liện chính phủ Syria hay phe phiến quân đã thực hiện cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học. Trong bối cảnh đó, không được sự cho phép của Liên hợp quốc mà Mỹ đã sử dụng bạo lực một cách thô bạo. Điều này thể hiện sự bốc đồng và thiếu tinh tế của đội ngũ ông Trump trong lĩnh vực ngoại giao, ChinaUsfocus nhận xét.

Hành động này cũng có thấy chính quyền ông Trump chưa thảo luận kỹ càng trước khi đưa ra hành động, và cũng không đánh giá thật cẩn thận hệ quả của hành động này. Tệ hơn nữa, 59 quả tên lửa Tomahawk không chỉ tàn phá căn cứ không quân Shayrat mà còn phá hoại mọi triển vọng hợp tác chống khủng bố IS của Mỹ và Nga.

Trong suốt chiến dịch tranh cử và sau khi thắng cử, ông Trump liên tục nhấn mạnh rằng một trong những ưu tiên hàng đầu của ông trong chính sách đối ngoại Mỹ là diệt trừ phiến quân khủng bố IS, đồng thời ông cũng thể hiện sự sẵn sàng hợp tác với Nga để đạt được mục tiêu đó. Thực tế, trong hơn một năm rưỡi ở Syria, Nga đã hợp tác chặt chẽ với Syria, Iran và Iraq trong cuộc chiến chống các nhóm khủng bố như IS và đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng.

Cuộc không kích của Mỹ đã khiến Nga, Syria và Iran tức giận, và điều này làm phương hại tới triển vọng hợp tác trong liên minh chống khủng bố toàn cầu, và có thể nhóm khủng bố IS sẽ là bên duy nhất vui mừng trước cuộc tấn công tên lửa này.