5 hệ thống pháo phản lực nguy hiểm nhất thế giới: Tầm quan trọng thể hiện ở chiến trường Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Kể từ Thế chiến II, pháo phản lực đã cung cấp cho các bên một phương tiện hữu hiệu để thực hiện các đòn tấn công tầm xa, vượt trội so với tầm với của bất kỳ loại súng đạn nào khác.
Những hệ thống pháo phản lực được xem là nguy hiểm nhất thế giới (Ảnh: MW)
Những hệ thống pháo phản lực được xem là nguy hiểm nhất thế giới (Ảnh: MW)

Ngày nay, pháo phản lực giúp quân đội các nước có lựa chọn tấn công với chi phí thấp, tầm bắn thấp hơn so với tên lửa hành trình hoặc tên lửa đạn đạo.

Các hệ thống pháo phản lực vẫn đóng vai trò quan trọng trong nhiều cuộc xung đột, gần đây nhất là cuộc chiến ở Syria và giờ là cuộc xung đột Nga-Ukraine. Trong cuộc chiến mà Nga phát động ở Ukraine, người ta đã được chứng kiến những cuộc đọ pháo hết sức căng thẳng diễn ra gần như thường nhật, trong khi các cuộc không kích lại hạn chế hơn.

Các khoản đầu tư vào pháo phản lực rất đa dạng, trong đó một số quân đội các nước xem chúng như hệ thống vũ khí hữu dụng hoặc bù đắp cho những điểm yếu của họ ở các lĩnh vực khác, trong khi số khác lại coi chúng là những hệ thống mang tính chiến lược do đặc điểm địa lý. Nhờ vào những lợi thế cụ thể mà pháo phản lực đang đóng vai trò quan trọng trong một số điểm nóng trên thế giới, và hiện có 5 hệ thống trong số đó được giới chuyên gia đánh giá là mạnh mẽ nhất.

PHL-16 trong một cuộc diễu binh (Ảnh: MW)

PHL-16 trong một cuộc diễu binh (Ảnh: MW)

PHL-16 – Trung Quốc

Được biên chế vào năm 2019, PHL-16 đã giúp Trung Quốc chiếm vị trí dẫn đầu về lĩnh vực pháo phản lực. Hệ thống này có thể sử dụng các loại đạn rocket 750mm, 370mm và 300mm, với tầm bắn khoảng 500km. Nó được lắp đặt trên hệ thống phóng di động 8x8, mỗi chiếc 6 ống phóng cùng một vài phương tiện nạp đạn.

Mặc dù lực lượng mặt đất có mức độ ưu tiên đầu tư khá thấp, nhưng PHL-16 sau khi biên chế lại nhận được sự quan tâm đặc biệt, trong khi mẫu pháo tự hành hàng đầu của Trung Quốc, PLZ-05A/PLZ-52 mang lại những lợi thế đáng kể so với những mẫu đối thủ của nước ngoài. Bởi vậy mà lực lượng mặt đất của Trung Quốc sẽ hưởng lợi thế về tầm xa nhờ vào cả hai loại pháo này, dù cho họ có phải đối mặt với kẻ địch như thế nào.

Được Giám đốc châu Á của hãng Defense Priorities Lyle Goldstein đánh giá như một hệ thống vũ khí “làm thay đổi cuộc chơi,” PHL-16 được cho là sẽ vô cùng hữu dụng trong các cuộc xung đột có thể xảy ra trên eo biển Đài Loan, bán đảo Triều Tiên, hay khu vực biên giới có tranh chấp với Ấn Độ. Hệ thống này đặt mọi nơi ở Đài Loan vào tầm bắn của nó khi được đặt ở đại lục, bởi vậy cho Trung Quốc lựa chọn bắn phá các mục tiêu một cách tiết kiệm chi phí, không cần dùng tới tên lửa hành trình hay tên lửa đạn đạo.

KN-25 trong một cuộc thử nghiệm (Ảnh: MW)

KN-25 trong một cuộc thử nghiệm (Ảnh: MW)

KN-25 – Triều Tiên

KN-25 đã giúp Triều Tiên củng cố vị thế dẫn đầu của họ trước những địch thủ tiềm tàng xét về khả năng pháo phản lực, nhờ vào tầm bắn 400km, cho phép nó bắn phá các mục tiêu nằm sâu bên trong lãnh thổ Hàn Quốc. Tầm bắn của KN-25 thậm chí còn xa hơn cả một số loại tên lửa đạn đạo như Hwasong-5 và KN-02.

Vụ Khảo cứu Quốc hội Mỹ từng nhắc tới nó như một hệ thống “xóa nhòa ranh giới giữa rocket và tên lửa.” Hệ thống này được biên chế cùng với các lớp tên lửa đạn đạo chiến lược mới của Triều Tiên như KN-23, và là điểm nhấn cho thấy Triều Tiên tiếp tục theo đuổi sức mạnh tên lửa và pháo. KN-25 sử dụng loại pháo cỡ 600mm, một điểm trừ nếu so với PHL-16 của Trung Quốc bởi PHL-16 có thể sử dụng nhiều loại đạn có kích cỡ khác nhau.

Hệ thống pháo của Triều Tiên có bắn 3 phát mỗi phút, và các ống phóng của nó được cho là có thể phóng cả tên lửa hành trình.

Hình ảnh hệ thống KN-09 của Triều Tiên khai hỏa (Ảnh: MW)

Hình ảnh hệ thống KN-09 của Triều Tiên khai hỏa (Ảnh: MW)

KN-09 – Triều Tiên

Được cho là biên chế vào năm 2014, KN-09 của Triều Tiên đã giữ danh hiệu hệ thống pháo phản lực có tầm bắn xa nhất thế giới trong vòng một thập kỷ, trong đó tình báo Hàn Quốc cho rằng nó có thể tấn công mục tiêu từ khoảng cách 200km. Vào thời điểm bấy giờ, nó có tầm bắn gấp hơn 2 lần so với các hệ thống pháo của Hàn Quốc và Mỹ.

Hệ thống pháo này sử dụng đạn cỡ 300mm. Sự ra đời của nó đã giúp tăng cường sức mạnh pháo phản lực, là thế hệ pháo tiếp nối các hệ thống cũ M1985/M1991 có từ thời Chiến tranh Lạnh vốn có tầm bắn chỉ bằng 1/3 KN-09 và bị coi là bất lợi khi cạnh tranh với các hệ thống của Mỹ và Hàn Quốc.

KN-09 đã được cải thiện đáng kể kể từ lần đầu được trông thấy, trong đó tăng 50% số lượng ống phóng và nhiều chỉnh sửa khác trong bộ khung vận chuyển. Ngoài ra, KN-09 được cải tiến bằng hệ thống dẫn đường vệ tinh, với những đặc tính dẫn đường gần giống với hệ thống M31 của Mỹ, chứ không giống như các hệ thống của Trung Quốc hay Nga. KN-09 được xem là sự thay thế cấp thấp hơn so với KN-25, giúp Triều Tiên có thêm lựa chọn tấn công với chi phí thấp, trong khi vẫn đủ để khóa các mục tiêu trên lãnh thổ Hàn Quốc, bao gồm các căn cứ quân sự của Mỹ.

Hệ thống pháo 9A53-S Tornado-S của Nga (Ảnh: MW)

Hệ thống pháo 9A53-S Tornado-S của Nga (Ảnh: MW)

9A53-S Tornado-S

Được biên chế vào năm 2016 và 3 năm sau được đặt hàng cho quân đội Nga, hệ thống 9A53-S Tornado-S hiện được Nga triển khai trên chiến trường Ukraine nhưng với số lượng hạn chế, bởi vậy mà khả năng “thay đổi cục diện” của nó cũng bị giảm khi chỉ có khoảng hơn 20 hệ thống đang hoạt động.

Mặc dù chỉ có tầm bắn khoảng 120k, nhưng có thông tin về một loại đạn mới sẽ giúp nó đạt tầm bắn 200km trong tương lai. Không rõ liệu cuộc chiến ở Ukraine có khiến Nga đẩy nhanh quá trình phát triển và sản xuất Tornado-S hay không, nhưng đó là một khả năng.

Tornado-S của Nga nổi danh là nhờ khả năng phóng được nhiều loại đạn khác nhau, bao gồm đạn chùm, đạn phân mảnh, đạn HEAT và đáng chú ý nhất là đạn nhiệt áp – với khả năng độc nhất trong việc vô hiệu hóa các cứ điểm kiên cố. Tuy nhiên, loại đạn mới giúp nó có tầm bắn 200km có được sức sát thương như vậy hay không thì chưa rõ.

Hệ thống M270 (Ảnh: MW)

Hệ thống M270 (Ảnh: MW)

M270 sử dụng đạn ER GMLRS

Hệ thống pháo có từ thời Chiến tranh Lạnh M270 hiện đang phục vụ trong quân đội Mỹ, bấy lâu nay vẫn bị coi là có tầm bắn rất hạn chế, nhưng điểm yếu này dự kiến sẽ được cải thiện đáng kể nhờ một loại đạn mới được phát triển.

Đạn Hệ thống tên lửa phóng đa năng có Điều khiển tầm xa tăng cường (ER GMLRS) bắt đầu được thử nghiệm bay vào tháng 3/2021 và cung cấp tầm bắn khoảng 150km. Loại đạn này sử dụng động cơ lớn hơn, có thiết kế khung mới và dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất trong năm 2023. Vụ thử nghiệm vào tháng 3/2021 cho thấy nó chỉ đạt tầm bắn 80km, vậy nên tầm bắn 150km sẽ là một mục tiêu còn xa.

Kể cả khi hoàn thiện, đạn ER GMLRS cũng chỉ cung cấp cho M270 tầm bắn chỉ bằng 1/3 so với tầm bắn của PHL-16 của Trung Quốc, và chỉ bằng 37,5% tầm bắn của KN-25 của Triều Tiên. Nhưng nó vẫn là một sự thiện đáng kể đối với một hệ thống pháo của phương Tây, vốn bị tụt hậu đáng kể. Do tập trung vào sức mạnh trên không, ít quan tâm tới phát triển pháo, nên phương Tây đang bị các bên bỏ xa xét về hệ thống rocket và pháo.

Theo Military Watch