5 cường quốc hạt nhân ra tuyên bố chung ngăn chặn chiến tranh hạt nhân: tốt hay xấu?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ngày 3/1/2022, trong một động thái hiếm thấy, 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã cùng nhau ra tuyên bố chung bày tỏ quyết tâm ngăn chặn chiến tranh và phổ biến vũ khí hạt nhân.
Ngày 3/1, 5 cường quốc hạt nhân, 5 nước Ủy viên Thường trực HĐBA Liên Hợp Quốc đã ra tuyên bood chung về ngăn chặn chiến tranh hạt nhân (Ảnh: Xinhua).
Ngày 3/1, 5 cường quốc hạt nhân, 5 nước Ủy viên Thường trực HĐBA Liên Hợp Quốc đã ra tuyên bood chung về ngăn chặn chiến tranh hạt nhân (Ảnh: Xinhua).

5 cường quốc hạt nhân Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh đã cùng cam kết trong một tuyên bố chung đưa ra hôm thứ Hai (3/1): “Chúng tôi tin tưởng chắc chắn rằng cần phải ngăn chặn hơn nữa việc phổ biến vũ khí hạt nhân. Chúng tôi xác nhận, chiến tranh hạt nhân sẽ không có ai thắng và không thể tiến hành". Tên đầy đủ của bản tuyên bố này là “Tuyên bố chung về ngăn chặn chiến tranh hạt nhân và tránh chạy đua vũ trang."

Hãng tin Pháp AFP nhận xét rằng tuyên bố chung do 5 cường quốc hạt nhân cũng là 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đưa ra là điều rất hiếm thấy. Tuyên bố này được đưa ra trước Hội nghị rà soát Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân sẽ được tổ chức trong năm nay. Hội nghị này sẽ do Pháp điều phối tổ chức. Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) được ký năm 1968 nhằm mục đích cấm mở rộng vũ khí hạt nhân trên thế giới.

Theo văn bản tuyên bố bằng tiếng Anh do Nhà Trắng đưa ra, 5 cường quốc hàng đầu thế giới đã gạt bỏ những bất đồng gây nên căng thẳng giữa Trung Quốc, Nga và các nước phương Tây, nêu rõ: "Tránh xảy ra chiến tranh giữa các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân và giảm thiểu rủi ro chiến lược là trách nhiệm hàng đầu của chúng ta".

Vào thời điểm hiện nay, nguy cơ chiến tranh hạt nhân đang có nguy cơ trở thành hiện thực (Ảnh: Dwnews).

Vào thời điểm hiện nay, nguy cơ chiến tranh hạt nhân đang có nguy cơ trở thành hiện thực (Ảnh: Dwnews).

Tuyên bố chung viết: "Do việc sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ gây ra những hậu quả sâu rộng, chúng tôi cũng nhắc lại rằng chừng nào vũ khí hạt nhân vẫn còn tồn tại, chúng chỉ nên được sử dụng cho mục đích phòng thủ, răn đe xâm lược và ngăn chặn chiến tranh."

5 cường quốc cũng nêu rõ trong tuyên bố: "Chúng tôi sẵn sàng duy trì và tăng cường hơn nữa các biện pháp của các quốc gia để ngăn chặn việc sử dụng vũ khí hạt nhân trái phép hoặc ngoài ý muốn."

Reuters đưa tin phiên bản tiếng Nga của tuyên bố chung có đoạn: "Chúng tôi khẳng định rằng sẽ không có người chiến thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân; chiến tranh hạt nhân không bao giờ được bắt đầu."

Nga đã đưa ra một kiến ​​nghị cho tuyên bố này. Điện Kremlin cho biết họ hoan nghênh việc ký kết tuyên bố chung 5 nước và hy vọng rằng động thái này sẽ giúp làm dịu căng thẳng trên toàn cầu. Bộ Ngoại giao Nga nói trong một tuyên bố: "Chúng tôi hy vọng rằng trong bối cảnh nghiêm trọng hiện nay của tình hình an ninh quốc tế, việc đồng ý đưa ra một tuyên bố chính trị chung như vậy có thể giúp làm dịu tình hình căng thẳng quốc tế."

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với RIA Novosti rằng Moscow vẫn cho rằng việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh giữa các cường quốc hạt nhân là "rất cần thiết."

Văn bản Tuyên bố chung bằng tiếng Trung Quốc công bố trên trang Web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc có đoạn: “Chúng tôi mong muốn duy trì và tăng cường hơn nữa các biện pháp của mỗi quốc gia để ngăn chặn việc sử dụng trái phép hoặc vô tình vũ khí hạt nhân. Chúng tôi nhắc lại rằng tuyên bố trước đây của chúng tôi về việc không nhắm mục tiêu vẫn còn hiệu lực và chúng tôi nhắc lại rằng chúng tôi sẽ không nhắm vũ khí hạt nhân vào nhau hoặc vào bất kỳ quốc gia nào khác.

Trung tuần tháng 12, Nga đã báo động lực lượng hạt nhân chiến lược do vấn đề Ukraine ngày càng nóng lên (Ảnh: Dwnews).

Trung tuần tháng 12, Nga đã báo động lực lượng hạt nhân chiến lược do vấn đề Ukraine ngày càng nóng lên (Ảnh: Dwnews).

Chúng tôi nhấn mạnh mong muốn nỗ lực với tất cả các quốc gia để tạo ra một môi trường an toàn có lợi hơn cho việc thúc đẩy giải trừ quân bị. Mục tiêu cuối cùng là xây dựng một thế giới không có vũ khí hạt nhân trên nguyên tắc an ninh của tất cả các quốc gia đều không bị tổn hại. Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm các phương pháp ngoại giao song phương và đa phương để tránh đối đầu quân sự, tăng cường sự ổn định và khả năng dự kiến, tăng cường hiểu biết và tin cậy lẫn nhau; đồng thời ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang vô ích và gây nguy hiểm cho tất cả các bên. Chúng tôi quyết tâm tiến hành cuộc đối thoại mang tính xây dựng dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và thừa nhận các mối quan tâm và lợi ích an ninh của nhau.”

Trung Quốc cho rằng bản tuyên bố chung này có thể giúp tăng cường sự tin cậy lẫn nhau giữa 5 cường quốc hạt nhân. Hôm thứ Hai (3/1), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mã Triều Húc (Ma Zhaoxu) đã trả lời phỏng vấn của giới truyền thông, nói rằng đây là lần đầu tiên các nhà lãnh đạo của 5 nước lớn đưa ra một tuyên bố chung về vấn đề vũ khí hạt nhân, thể hiện nguyện vọng chính trị ngăn chặn chiến tranh hạt nhân của 5 nước, và cũng đưa ra tiếng nói chung về giữ gìn sự ổn định chiến lược toàn cầu, giảm thiểu nguy cơ xung đột hạt nhân.

Chính phủ Pháp cũng tuyên bố sẽ tiếp tục thúc đẩy việc kiểm soát vũ khí hạt nhân song phương và đa phương.

Ngày 3/1 theo giờ địa phương, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã tuyên bố thông qua người phát ngôn, hoan nghênh tuyên bố chung của lãnh đạo 5 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân về ngăn chặn chiến tranh hạt nhân và tránh chạy đua vũ trang.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hoan nghênh tuyên bố chung của lãnh đạo 5 quốc gia Ủy viên Thường trực HĐBA LHQ (Ảnh: Sina).

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hoan nghênh tuyên bố chung của lãnh đạo 5 quốc gia Ủy viên Thường trực HĐBA LHQ (Ảnh: Sina).

Trong tuyên bố của mình, ông Guterres ca ngợi 5 quốc gia có vũ khí hạt nhân vì họ thừa nhận sự cần thiết phải tuân thủ các thỏa thuận và cam kết không phổ biến vũ khí, giải trừ vũ khí và kiểm soát vũ khí song phương và đa phương, bao gồm cả cam kết thực hiện nghĩa vụ giải trừ hạt nhân theo Hiệp ước phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).

Tổng thư ký Guterres nói, điều khiến ông được cổ vũ là các quốc gia có vũ khí hạt nhân đã cam kết thực hiện các biện pháp ngăn chặn chiến tranh hạt nhân, phù hợp với lời kêu gọi của ông về đối thoại và hợp tác vì mục tiêu này lâu dài. Ông mong muốn tìm hiểu thêm về chi tiết của các biện pháp ​​trong tương lai.

Ông Guterres nhắc lại rằng cách duy nhất để loại bỏ tất cả các nguy cơ hạt nhân là hủy bỏ tất cả vũ khí hạt nhân. Ông nhắc lại ý muốn hợp tác với các quốc gia có vũ khí hạt nhân và tất cả các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc để đạt được mục tiêu này càng sớm càng tốt.

Tuyên bố chung được đưa ra vào thời điểm các cường quốc trên thế giới có hy vọng đạt được đồng thuận về việc nối lại thỏa thuận hạt nhân với Iran. Thỏa thuận gây tranh cãi này đã được ký kết vào năm 2015 nhưng có nguy cơ tan vỡ do sự rút lui của Mỹ vào năm 2018.

Hiệp ước phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), có hiệu lực từ năm 1970, ban đầu dự kiến ​​tổ chức một hội nghị xem xét lại vào ngày 4/1/2022, nhưng đã bị hoãn lại cho đến cuối năm nay do đại dịch COVID-19 và 5 cường quốc hàng đầu có vũ khí hạt nhân đã đưa ra tuyên bố chung vào thời điểm này.

Do quân đội Nga gần đây tập trung đông tại biên giới với Ukraine, khiến các giới lo lắng rằng Điện Kremlin sẽ tấn công quốc gia láng giềng thân phương Tây này, thậm chí lo ngại về nguy cơ một cuộc xung đột hạt nhân ở châu Âu.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình cũng khiến các bên lo lắng, lo ngại cuộc đối đầu căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc có thể làm bùng nổ xung đột, đặc biệt là vì Đài Loan.

Giới quan sát quốc tế cho rằng, bản tuyên bố chung này là món quà năm mới tuyệt vời của 5 cường quốc hạt nhân dành cho người dân trên thế giới. Mặc dù hiệu lực ràng buộc thực tế của các tuyên bố chung tương tự là rất hạn chế, cũng không thể làm giảm bớt xung đột, mâu thuẫn giữa 5 cường quốc, đặc biệt là xung đột lợi ích có tính cơ cấu giữa phương Tây mà đại diện là Mỹ với Trung Quốc và Nga, các điểm nóng trên thế giới (như Ukraine và Đài Loan) vẫn tiếp tục tăng nhiệt; nhưng tuyên bố chung này ít nhất cho thấy rằng 5 cường quốc hạt nhân vẫn giữ được sự tỉnh táo của quốc gia và thận trọng về quân sự trước những mối đe dọa chung mà loài người phải đối mặt như chiến tranh hạt nhân và phổ biến vũ khí hạt nhân. Đây có thể được coi là phòng tuyến an toàn dù mong manh được xây dựng cho thế giới đầy biến động này, dù sao đây cũng là một điều tốt.

Tuyên bố chung cho thấy bất kể xung đột quốc tế diễn biến như thế nào hay tình hình khu vực căng thẳng ra sao, ít nhất là ở cấp độ tâm lý quốc gia, 5 cường quốc hạt nhân không muốn gây chiến tranh hạt nhân hoặc tham gia phổ biến hạt nhân, họ cũng sẵn sàng cùng nhau gánh vác trách nhiệm quốc tế dưới hình thức một tuyên bố chung.

Trong những năm gần đây, với sự tiến bộ của công nghệ hạt nhân và sự thay đổi của hình thức chiến tranh hiện đại, các cường quốc hạt nhân năm châu đang tích cực thu nhỏ vũ khí hạt nhân và chuẩn bị cho việc thực chiến khi không thể tiến hành một cuộc chiến tranh hạt nhân. Đặc biệt, ba quốc gia có ý thức khủng hoảng mạnh hơn là Mỹ, Nga, Trung Quốc đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực này. Tuyên bố chung này cho thấy dù là một cuộc chiến tranh hạt nhân quy mô nhỏ, 5 cường quốc cũng không có ý định mạo hiểm phát động nó.

Triều Tiên là một trong những quốc gia mới sở hữu vũ khí hạt nhân (Ảnh: KCNA)

Triều Tiên là một trong những quốc gia mới sở hữu vũ khí hạt nhân (Ảnh: KCNA)

Một mặt, 5 cường quốc đã nói rõ rằng họ không sẵn sàng và sẽ không "mang hạt nhân" vào các cuộc xung đột, để ngăn chặn tình hình vượt quá tầm kiểm soát gây họa cho chính họ và thậm chí toàn bộ loài người. Đây có thể được coi là một tuyến an ninh cơ bản cho các cuộc xung đột khu vực, sẽ không làm xung đột khu vực mất kiểm soát gây nên thảm họa cho loài người.

Nhưng mặt khác, do nguyên nhân sâu xa dẫn đến xung đột vẫn chưa được loại bỏ, thậm chí còn tiếp tục ngày càng sâu sắc và trầm trọng hơn, nên sau khi loại bỏ "nỗi lo hạt nhân", các cường quốc chắc chắn sẽ tiếp tục buông tay về chính trị, kinh tế và chiến tranh quy ước; tiếp tục tham gia nhiều hơn vào các cuộc xung đột.

Do đó, xung đột khu vực sẽ không những không giảm bớt nhờ tuyên bố chống chiến tranh hạt nhân của 5 cường quốc hạt nhân, mà sẽ trở nên gay gắt hơn. Nguy cơ chiến tranh ủy nhiệm không những không giảm mà còn trở nên nguy hiểm hơn, thậm chí sẽ không thể loại trừ khả năng một số thành viên có thể trực tiếp bị sa vào vũng lầy chiến tranh.