4 xu hướng công nghệ thống trị thị trường TV trong tương lai

Những xu hướng xuất hiện trong thời gian gần đây như OLED, HDR… được cho là sẽ thống trị trên các mẫu TV của tương lai.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Công nghệ TV phát triển ngày càng nhanh, vòng đời thiết bị cũng rút ngắn lại. Nhà sản xuất cạnh tranh bằng cách bổ sung những tính năng mới vào sản phẩm của mình. Tuy nhiên, nếu không đáp ứng được nhu cầu thực sự của người dùng, thiết bị chỉ nổi lên một thời gian ngắn rồi biến mất khỏi thị trường.

Dưới đây là những xu hướng được nhận định sẽ phát triển ổn định trong thời gian tới, theo đánh giá của nhiều trang công nghệ nước ngoài.

OLED

TV OLED dần khẳng định vị thế của mình, đồng thời cho thấy đây là xu hướng tương lai. Tại CES 2016, OLED được đánh giá là một trong những hướng phát triển của làng công nghệ sắp tới.

OLED là từ viết tắt của Organic Light-Emiting Diode, hay đi-ốt hữu cơ phát quang. Trong khi LCD và Plasma đều cần đến đèn nền, các điểm ảnh của OLED có thể tự phát sáng khi có dòng điện. Nhờ cơ chế đó, TV OLED vừa tiết kiệm điện vừa mang đến chất lượng hình ảnh tốt.

Sớm nắm bắt xu hướng này, LG đã thống trị các bảng xếp hạng về chất lượng hình của TV trong năm 2015. Trong top 5 sản phẩm TV tốt nhất 2015 do CNET bình chọn, 3/5 thiết bị thuộc về LG và tất cả đều dùng tấm nền OLED.

Đến năm 2016, nhiều thương hiệu khác đã nhảy vào cuộc đua này. Tuy nhiên, CNET nhận định, sẽ mất nhiều thời gian để nhà sản xuất chuyển từ chuẩn LCD cũ sang OLED.

Trong bối cảnh đó, những nhà sản xuất giàu kinh nghiệm, nắm bắt tốt kỹ thuật sẽ vươn lên bằng chất lượng và giá thành hợp lý.

TV OLED được các trang công nghệ nước ngoài đánh giá cao.
TV OLED được các trang công nghệ nước ngoài đánh giá cao.

Ultra HD

TV Ultra-HD (UHD) đang tấn công mạnh vào thị trường và chuyển dần sang phân khúc giá tốt hơn sau thời gian chỉ thuộc về nhóm cao cấp. TV UHD cho số pixel/inch cao gấp 4 lần Full HD, tạo ra độ tương phản cao hơn các loại màn hình trước đây.

Đây được coi là bước tiến mới về độ nét của thiết bị. Công nghệ Ultra HD Premium tạo mức sáng thấp hơn trên màn hình OLED so với LCD do tính chất đặc trưng của chuẩn này. Tuy vậy, màn hình OLED cho màu đen sâu hơn, khiến các cảnh tối có độ chi tiết cao hơn.

HDR

HDR (High Dynamic Range: dải tương phản động mở rộng) là công nghệ cung cấp hình ảnh bằng cách kết hợp ba bức ảnh có các yếu tố thiếu sáng, thừa sáng và trung bình, làm nổi bật hơn ở phạm vi màu sắc. Trên TV, HDR cũng theo đuổi mục tiêu đó.

TV HDR sẽ cung cấp một mức độ về sự tương phản cao hơn giữa hình ảnh sáng và tối trên màn hình nhằm mang đến trải nghiệm thực tế hơn. Nhiều trang công nghệ đánh giá, HDR là sự thay đổi đáng kể trong công nghệ TV, đáp ứng chất lượng hình ảnh bên cạnh độ nét.

Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo người dùng nên thận trọng, bởi không phải màn hình HDR nào cũng cho chất lượng tương đương.

Hiện tại, chỉ số ít thiết bị có chất lượng hình ảnh HDR đạt chuẩn, dựa vào công nghệ UHD cao cấp. Trong đó, TV OLED được đánh giá cao hơn sản phẩm LCD, bởi chúng tạo được màu đen sâu hơn, kéo theo dải màu rộng hơn. Từ đó, yêu cầu về độ sáng dành cho TV OLED cũng thấp hơn.

Quantum dot

TV OLED được đánh giá là công nghệ màn hình tốt nhất trong nhiều năm nhờ vào màu đen hoàn hảo, dải màu rộng cũng như viền mỏng. Nhiều thương hiệu đang cố gắng cạnh tranh bằng cách sử dụng công nghệ mới mang tên quantum dot.

Về cơ bản, tấm nền LCD không thể tạo ra màu đơn sắc chính xác ở mỗi pixel nên mỗi màu đa sắc pha trộn từ các màu này cũng sẽ bị bệt, lệch tông. Vì vậy, nhà sản xuất thêm vào những chấm quantum dot để tạo màu chính xác hơn.

Công nghệ này đang cải tiến mạnh mẽ. Ở một số bản thử nghiệm, nó cho màu sắc gần bằng màn hình OLED.

Tuy vậy, điểm trừ lớn là chưa có nhiều sản phẩm thực sự khai thác hết khả năng của công nghệ này. Hơn nữa, thiết bị sở hữu công nghệ mới có giá khá đắt.

Do đó, dù mang nhiều hứa hẹn, Digital Trends vẫn không đánh giá cao khả năng bùng nổ của quantum dot trong tương lai gần. Hiện tại, “OLED vẫn chiếm trọn mọi kỳ vọng thay đổi tương lai ngành TV”, Digital Trends nhận định.

Theo Zing