33.363 tỷ xây đường sắt vào cảng cửa ngõ Hải Phòng

Tuyến đường sắt dài khoảng 43,7 km kết nối cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng với hệ thống đường sắt quốc gia được đề xuất vay vốn ODA Nhật Bản
HIện, đường sắt quốc gia và tuyến Hà Nội - Hải Phòng đang chủ yếu sử dụng khổ đường 1m có từ hơn 100 năm qua.
HIện, đường sắt quốc gia và tuyến Hà Nội - Hải Phòng đang chủ yếu sử dụng khổ đường 1m có từ hơn 100 năm qua.

Theo đề xuất của Ban quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông vận tải), Dự án đường sắt vào cảng cửa ngõ quốc tế sẽ xây dựng mới tuyến đường sắt nối ray từ đường sắt quốc gia tuyến Hà Nội - Hải Phòng tới cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng và một tuyến nhánh vào khu cảng Đình Vũ, nhà máy DAP.

Cụ thể, chính tuyến của Dự án dài khoảng 35,7 km, bắt đầu từ ga Hùng Vương mở mới (tương đương với lý trình Km95+215 của tuyến đường sắt Hà Nội – Hải Phòng), đi xuyên qua khu công nghiệp Đình Vũ, vượt cửa biển Nam Triệu ra đảo Cát Hải và kết nối vào cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng.

Tuyến nhánh dài 7,78 km, dự kiến bắt đầu từ ga Nam Đình Vũ (Km23 +940) đi song song với chính tuyến đến Km 26 +337 tuyến rẽ trái chui qua cầu vượt đường bộ đi vào trong cảng Đình Vũ và khu công nghiệp Đình Vũ.

Các hạng mục chính của Dự án bao gồm: 16,56 km đường sắt, 26,9 km cầu, trong đó có cầu vượt biển Nam Triệu dài 6,7 km; xây dựng mới 7 ga cùng các công trình thông tin, tín hiệu….

Liên quan đến công nghệ, kỹ thuật cho Dự án, đối với phần tuyến chính, Ban quản lý dự án đường sắt đề xuất áp dụng khổ đường sắt 1000 mm cho đoạn từ Km0 – Km15+460 và sẽ cải tạo thành khổ 1435 mm trong giai đoạn 2; các đoạn còn lại sẽ xây dựng ngay khổ 1435 mm.

Được biết, khái toán tổng mức đầu tư của Dự án là 33.363 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 là 22.872 tỷ đồng và giai đoạn 2 là 10.490 tỷ đồng dự kiến sẽ kêu gọi vốn vay ODA Nhật Bản đề đầu tư. Thời gian dự kiến triển khai công trình này là từ năm  2016 đến năm 2030.

Sau khi được đưa vào khai thác, tuyến sẽ đảm nhận phần lớn khối lượng hàng hóa thông qua khu vực lên tới 30 triệu tấn/năm, giai đoạn 2020 và 95 triệu tấn/năm cho năm 2030.

                                                                               Theo Đầu tư