3 việc Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khuyên giới CNTT nên làm

VietTimes – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng giới CNTT cần phải "xông vào làm", không ngại những vấn đề mới, vì có làm thì mới vỡ ra nhiều điều và mới thấy mình có thể làm được. 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng mới đây đã có buổi gặp gỡ với đại diện 15 Hội và Hiệp hội chuyên ngành CNTT. Tại sự kiện này, Phó Thủ tướng đã chia sẻ góc nhìn của mình về ngành công nghệ cũng như đưa ra những lời khuyên cho giới CNTT về hướng đi trong thời gian tới.

Phát biểu tại sự kiện, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận xét rằng cuộc gặp gỡ lần này có quy mô lớn khi tập hợp được giới làm công nghệ của 15 hiệp hội. Sự kiện này cũng trùng với thời điểm Thủ tướng Chính phủ ký ban hành "Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia”.

“Rất hiếm khi các hội và hiệp hội ngành CNTT cùng nhau tổ chức một sự kiện như lần này”, Phó Thủ tướng nói.

Đây là dịp mà Phó Thủ tướng được gặp lại nhiều gương mặt quen thuộc trong ngành CNTT trước đây đã từng làm việc khi ông còn giữ chức Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông (từ năm 2005 đến 2007).

Phó Thủ tướng chia sẻ rằng thế hệ của ông lúc còn trẻ, khi đứng trước các bậc lão thành thì cũng đã mạnh dạn nêu ý kiến về các vấn đề CNTT, nhưng không ai dám đề cập đến những công nghệ lõi, tốt bằng hoặc tốt hơn thế giới. Nhưng giới trẻ thời nay đã mạnh dạn đi vào công nghệ lõi, làm ra các sản phẩm với triết lý ban đầu là phải tốt, tốt bằng hoặc tốt hơn các nước phát triển.

"Thế hệ hồi xưa chỉ dám nói đến việc tiếp nhận công nghệ thôi, chưa mấy ai dám nói Việt Nam sáng tạo ra công nghệ. Thế hệ bây giờ đã nghĩ ra cách làm riêng của mình, đó là điều đáng mừng", ông nói.

Phó Thủ tướng nhận xét rằng chúng ta đã nói rất nhiều về Chuyển đổi số, về Cách mạng Công nghiệp 4.0. Việc bàn luận về các thuật ngữ, làm mới các khái niệm là điều bình thường, nhưng với những người quản lý điều hành thì điều quan trọng nhất hồn cốt của nó là gì. Cuối cùng thì vẫn phải là tăng cường ứng dụng và phát triển CNTT, đưa nó vào mọi mặt của đời sống.

Từ đó, có 3 việc mà Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã lưu ý giới CNTT nước nhà:

Thứ nhất, giới CNTT cần phải mạnh dạn, dám xông vào làm ở những dự án, những lĩnh vực mới. Khi bắt tay vào làm rồi thì sẽ vỡ ra nhiều điều, sẽ biết việc gì cần làm tiếp theo. Nếu mạnh dạn thì sẽ làm được.

Phó Thủ tướng đã lấy ví dụ về thời gian chống dịch Covid-19 vừa qua. Ngay khi Việt Nam chưa có ca bệnh nào Phó Thủ tướng đã gọi điện cho Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu Bộ trưởng xây dựng một hệ thống thông tin kết nối giữa 20 bệnh viện để các bác sĩ đầu ngành có thể hội chẩn bất kỳ lúc nào.

"Tại vì mình lường trước khi dịch bệnh nó vào, mà nếu chúng ta để bệnh nhân ở khắp nơi mà bác sĩ không đủ giỏi thì bệnh nhân sẽ nặng lên và chết. Muốn hạn chế thì phải dùng CNTT để kết nối, cùng hội chẩn. Nhờ sự kết nối đó, đến giờ phút này, mọi người cứ nói đến phác đồ điều trị này nọ, nhưng các bệnh nhân nặng cứu được, một phần là nhờ hệ thống kết nối thông tin. Tức là chúng ta thấy là chúng ta phải làm. Đầu tiên xác định là phải làm.

Ban đầu chúng tôi cũng chưa hình dùng được hệ thống đó như thế nào. Tôi nói với anh Hùng (Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng -  PV) cứ làm đi, cuộc hội chẩn đầu tiên nó sẽ ra thứ anh em yêu cầu. Cách làm của mình là không ngại, cứ xông vào làm, làm rồi tự nhiên nó sẽ ra cái để hoàn thiện. Làm xong nó ra rất nhiều thứ để làm tiếp. Như các bạn đã thấy, nếu chúng ta mạnh dạn thì chúng ta sẽ làm được. Chúng ta hoàn thiện sản phẩm của mình thì chúng ta không đi sau các nước nữa", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ.

"Đối với việc chuyển đổi số thì tôi nghĩ rằng cái quan trọng nhất của chúng ta bây giờ là chúng ta phải cho mọi người thấy là có thể làm được. Tôi không lo lắng về tiền nong hoặc pháp lý như các bạn từng nêu ra, vì thực tế vừa qua có những thứ nếu chúng ta cứ xông vào làm thì cũng gỡ ra được", Phó Thủ tướng nói.

Thứ hai, theo Phó Thủ tướng, Bộ Thông tin Truyền thông và giới công nghệ cần phải tìm những cách làm mới, qua đó Hội Tin học và các hội liên quan có thể hợp tác với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng một bộ chỉ số đánh giá ứng dụng CNTT mới. "Trước đây chúng ta đã có các chỉ số như ICT Index, v.v... nhưng bây giờ nên có một thước đo mới. Thước đo này không nên dựa nhiều vào số văn bản phát hành, số cuộc họp hay kế hoạch chiến lược". Phó Thủ tướng gợi ý tham khảo cách làm của các tổ chức quốc tế khi họ làm trên mạng. Đây là điều chúng ta có thể làm nhanh và nên làm nhanh. 

Phó Thủ tướng dẫn ví dụ về Dịch vụ hành chính công trực tuyến. Cứ mỗi năm trước đây mỗi bộ, ngành, địa phương lại cố gắng tăng được một vài phần trăm điểm dịch vụ. Phó Thủ tướng cho rằng cần tìm cách làm mới để đẩy nhanh hơn nữa quá trình ứng dụng CNTT.

"Khi tôi về Bộ Y tế, 5 năm trước đó làm được 90 quy trình, 60 dịch vụ, còn hơn 200 quy trình chưa làm xong. Đề án đưa ra thì cũng định 5 năm sau mới cơ bản làm hết. Tôi nói anh em làm 6 tháng hết sạch bong. Tới đây mình tìm ra cách làm, đưa ra cách làm mới. Tôi có lòng tin có thể làm được", Phó Thủ tướng nói.

Thứ ba, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, cần tăng cường lan tỏa tri thức thường thức về CNTT trong toàn xã hội. "Ở đây có Hội Tự động hóa, Hội Vũ trụ có những kiến thức tưởng như cao siêu nhưng thực ra người dân cũng cần biết. Mình cùng nhau lan tỏa những tri thức thường thức ra xã hội", Phó Thủ tướng góp ý.

Về "Chương trình Chuyển đổi Số quốc gia" do Bộ Thông tin Truyền thông xây dựng mà Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt, Phó Thủ tướng nói rằng có thể thấy phạm vi chương trình bao trùm từ khối Chính phủ, kinh tế (cộng đồng doanh nghiệp) cho đến xã hội (người dân). Các lĩnh vực có sự tập trung và phân công rõ ràng. Có 8 lĩnh vực được xác định trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia là y tế, giáo dục, tài chính ngân hàng, nông nghiệp, giao thông, năng lượng, môi trường, văn hóa.

Một quan điểm có tính xuyên suốt khi thực hiện Chương trình Chuyển đổi số, đó là lấy người dân làm trung tâm. "Suy cho cùng Chính phủ điện tử hay Chuyển đổi số thì cũng để quản lý xã hội và phục vụ nhân dân. Doanh nghiệp phát triển thì cũng cần có khách hàng, cần có thị trường, cũng là nhằm đưa sản phẩm dịch vụ đến người dân. Bản thân người dân cũng cần chuyển đổi. Từ đó mới dẫn đến những việc như Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng từng nói là 'làm từ dưới làm lên' (chuyển đổi số bắt đầu từ phục vụ người dân rồi lên tới các cấp cao hơn - PV).

"Mục đích cuối cùng của một chính phủ, một chế độ là xã hội ổn định, kinh tế phát triển và sau đó quay lại phục vụ nhân dân. Nhưng quan trọng hơn là người dân được chăm sóc cả về vật chất lẫn tinh thần, người dân được giáo dục thụ hưởng văn hóa văn minh, được phát triển giá trị của mình và quay lại cống hiến cho xã hội", Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng Chính phủ cần phải thấy mình cần chuyển đổi, vì không chuyển đổi thì thua trong cạnh tranh quốc tế. Chính phủ phải muốn chuyển đổi vì chuyển đổi sẽ hiệu quả hơn, đất nước phát triển nhanh hơn, xã hội ổn định hơn và đặc biệt là phục vụ nhân dân tốt hơn, phát huy được quyền làm chủ của nhân dân.

Phó Thủ tướng cho rằng giới CNTT cũng cần nhìn thẳng vào những thứ còn yếu: "Cái yếu đầu tiên là tính công nghiệp. Anh muốn chuyển đổi số phải nhìn vào cái đó. Cái thứ hai là tính hợp tác yếu. 15 hội ngồi đây chỉ gặp nhau thôi chứ đã hợp tác với nhau trong từng chương trình cụ thể chưa? Cái yếu thứ ba trong quá trình xây dựng đề án chúng tôi đã nhận ra. Đó là thiếu tính kiên trì chiến lược. Đối với các kế hoạch chiến lược mà cần có bước đường đi dài thường chúng ta mới bắt đầu thì rất hăng, sau một hồi thấy kết quả không như mong muốn thì mất đi tính kiên trì chiến lược. Chúng ta phải có định hướng khoa học từng bước một, nhưng phải kiên trì. Có những việc thấy ngay kết quả thì dễ phấn khởi nhưng có những việc hoặc không thấy ngay kết quả hoặc trong lúc làm thất bại cục bộ thì vẫn phải kiên trì".

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn cộng đồng doanh nghiệp CNTT tiếp tục gắn kết với nhau, cùng đồng hành với Bộ TT&TT giải quyết các "bài toán" lớn. "Có những bài toán tạo ra việc làm cho cả trăm doanh nghiệp, cả nghìn doanh nghiệp mà không phụ thuộc vào nguồn ngân sách chính phủ. Chỉ cần mình đặt được ra đầu bài anh em sẽ làm", ông nói.

Phó Thủ tướng tin rằng 15 Hiệp hội với sự kết nối cùng Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học Công nghệ, chắc chắn ngành CNTT sẽ có những bước chuyển nhanh.