3 tỷ phú giàu nhất đất Thái đang toan tính gì ở Việt Nam?

Ba người/gia đình giàu nhất Thái Lan theo xếp hạng của Forbes – Gia đình Chirathivat, Dhanin Chearavanont và Charoen Sirivadhanabhakdi - đều đã và đang dành sự quan tâm rất lớn đối với thị trường Việt Nam.
Từ trái qua: Dhanin Chearavanont (#2), Tos Chirathivat (#1), Charoen Sirivadhanabhakdi (3).
Từ trái qua: Dhanin Chearavanont (#2), Tos Chirathivat (#1), Charoen Sirivadhanabhakdi (3).

Trong làn sóng đầu tư mạnh mẽ của các doanh nghiệp Đông Nam Á vào Việt Nam, các tập đoàn của Thái Lan đang nổi lên như là những cái tên sáng giá nhất.

Thông qua cả đầu tư trực tiếp và gián tiếp, người Thái đã xây dựng, mua lại hoặc có cổ phần đáng kể tại rất nhiều doanh nghiệp lớn. Một số cái tên tiêu biểu có thể kể đến như C.P Việt Nam, Red Bull, Prime Group, Nhựa Tiền Phong, Nhựa Bình Minh và những cái tên mới nhất như Metro Việt Nam hay hệ thống điện máy Nguyễn Kim.

Danh sách này chắc chắn sẽ còn nối dài để đón đầu hội nhập AFTA sẽ diễn ra vào năm 2018.

Có một sự trùng hợp khá thú vị là 3 người/gia đình giàu nhất Thái Lan theo xếp hạng của Forbes – Gia đình Chirathivat, Dhanin Chearavanont và Charoen Sirivadhanabhakdi - đều đã và đang dành sự quan tâm rất lớn đối với thị trường Việt Nam.

Tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi (ThaiBev/BJC/TCC Holdings)

Ông chủ của ThaiBev đang tiến hành rất nhiều động thái để nâng cao sự hiện diện tại thị trường Việt Nam, từ mua thêm cổ phần của Vinamilk, mua lại Metro Cash & Carry Việt Nam cho đến ý định trở thành cổ đông chiến lược của Sabeco.

Một số bất động sản có giá trị tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh như Khách sạn Melia Hà Nội, tòa nhà Fraser Suite (Tây Hồ, Hà Nội) và tòa nhà Melinh Centre Point đều thuộc sở hữu của các công ty dưới trướng ông Charoen Sirivadhanabhakdi.

Người Thái đang chiếm lĩnh môt số thị trường quan trọng của Việt Nam
Người Thái đang chiếm lĩnh môt số thị trường quan trọng của Việt Nam

Thương vụ Berli Jucker (BJC) mua lại Metro Việt Nam trị giá 655 triệu Euro đã gặp phải khó khăn khi cổ đông thiểu số của BJC đã phủ quyết phương án này. Tuy vậy, tỷ phú Charoen vẫn quyết không từ bỏ thương vụ.

Theo Bangkok Post, tỷ phú Charonen muốn mua Metro Việt Nam để tạo dựng một hệ thống bán lẻ vững chắc nhằm phân phối các sản phẩm mà ông đang kinh doanh.

Vị tỷ phú 75 tuổi hiện nắm trong tay nhiều doanh nghiệp lớn trong các lĩnh vực đồ uống, bất động sản, thương mại, bảo hiểm… Các doanh nghiệp tiêu biểu mà tỷ phú này sở hữu có thể kể đến gồm ThaiBev, Fraser&Neave (F&N), TCC Holdings, Berkli Jucker.

ThaiBev là doanh nghiệp đồ uống lớn nhất Thái Lan với thương hiệu Chang Beer. Đầu tháng 11, theo Wall Street Journal, ThaiBev đã đặt vấn đề với các cơ quan chức năng về việc mua cổ phần của Sabeco. Tuy vậy chưa thông tin cụ thể nào được công bố cho đến nay.

Tỷ phú Dhanin Chearavanont (C.P Group)

Đầu tư vào Việt Nam từ cách đây hơn 20 năm, C.P Việt Nam - đơn vị thành viên của C.P Group – hiện là công ty nông nghiệp lớn nhất dải đất hình chữ S. Doanh thu năm 2013 của C.P Việt Nam đạt hơn 1,8 tỷ USD với 2 nguồn thu chính là thức ăn chăn nuôi và chăn nuôi gia súc, gia cầm, chế biến thực phẩm.

Nhằm hoàn thiện chuỗi giá trị 3F (Feed – Thức ăn/ Farm – Chăn nuôi/ Food – Thực phẩm), C.P Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển hệ thống bán lẻ thực phẩm trên toàn quốc.

Nông nghiệp/Thực phẩm chỉ là một trong số rất nhiều mảng kinh doanh của C.P Group, trải rộng từ Bán lẻ, Viễn thông, Truyền hình cho đến Bất động sản, Sản xuất xe máy… Các đơn vị thành viên chủ chốt của C.P gồm có C.P Foods, C.P All (quản lý chuỗi cửa hàng 7-Eleven Thái Lan) và True Corporation.

Theo Wikipedia, doanh thu cả hệ thống C.P Group năm 2013 ước khoảng 46,5 tỷ USD.

Gia đình Charithivat (Central Group)

Central Group là một trong những tập đoàn tư nhân lớn nhất Thái Lan, hoạt động trên rất nhiều lĩnh vực như bất động sản, khách sạn, bán lẻ... với những thương hiệu như Central Plaza, Robinson Department Store, Power Buy…

Nhà sáng lập kiêm chủ tịch tập đoàn Central Group là ông Tiang Chirathivat , người có tới 3 người vợ và 25 người con. Sau khi ông Tiang qua đời vào năm 1968, những người con trai của ông Tiang lần lượt nắm giữ vị trí này cho đến tận ngày nay. Con cả của Tiang, Samrit giữ ghế chủ tịch từ năm 1968 đến năm 1989, tiếp theo đó là người con thứ hai Wanchai, là chủ tịch từ năm 1989 đến năm 2002. Một người con khác của ông Tiang, Sudhichai vừa trở thành chủ tịch mới nhất của Central Group vào tháng 11 vừa qua sau nhiều năm giữ vai trò CEO tập đoàn.

Central Group hiện diện khá muộn ở Việt Nam nhưng cũng kịp để lại dấu ấn thông qua việc mua lại 49% cổ phần của hệ thống điện máy Nguyễn Kim.

Thương vụ được thực hiện thông qua Power Buy, hệ thống điện máy lớn nhất Thái Lan. Giá trị của thương vụ này chưa được công bố.

Trước đó, vào đầu năm 2014, đơn vị thành viên của Central là Robinson Department Store đã khai trương 2 siêu thị bán lẻ tại Royal City và Crescent Mall.

Robinson Department Store từng thương thảo mua lại một chuỗi siêu thị lớn tại Hà Nội nhưng thương vụ này đã không thành công. Chuỗi siêu thị trên sau đó đã được bán lại cho một doanh nghiệp lớn trong nước.

Theo Tri Thức Trẻ