3 quốc gia siết chặt kiểm soát xuất khẩu, Trung Quốc đối mặt với áp lực nặng nề

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Năm 2023, Trung Quốc đối mặt với áp lực tiếp tục gia tăng trong lĩnh vực sản xuất linh kiện bán dẫn tiên tiến khi Mỹ, Nhật Bản, Hà Lan thỏa thuận siết chặt các quy định kiểm soát xuất khẩu thiết bị, công nghệ.
Trung Quốc đối mặt với áp lực nặng nề khi Mỹ, Nhật Bản, Hà Lan siết chặt kiểm soát xuất khẩu. Ảnh Shutterstock/SCMP
Trung Quốc đối mặt với áp lực nặng nề khi Mỹ, Nhật Bản, Hà Lan siết chặt kiểm soát xuất khẩu. Ảnh Shutterstock/SCMP

Trong dịp Tết Nguyên đán, Mỹ, Nhật Bản và Hà Lan đã đồng thuận thắt chặt khả năng tiếp cận của Trung Quốc với những thiết bị và công nghệ sản xuất chip, tiếp tục đòn tấn công mới vào tham vọng phát triển sản xuất linh kiện bán dẫn tiên tiến của Bắc Kinh

Ngay sau đó, chính quyền tổng thống Joe Biden xem xét cân nhắc cắt đứt nhà sản xuất thiết bị viễn thông Huawei Technologies Co khỏi tất cả các nhà cung cấp tại Mỹ, nhiều năm sau khi công ty điện thoại thông minh nổi tiếng có trụ sở tại Thâm Quyến bị Washington đưa vào danh sách đen thương mại, tiếp tục hạn chế quyền tiếp cận nguồn cung cấp chip tiên tiến thế giới.

Những động thái này cho thấy rõ nét một số trong 10 rủi ro hàng đầu đối với Trung Quốc năm 2023, theo một bản báo cáo gần đây của Trung tâm Chiến lược và An ninh Quốc tế (CISS), tổ chức nghiên cứu tại Đại học Thanh Hoa danh tiếng của Bắc Kinh, cảnh báo về những hành động gây áp lực tiếp theo của Washington.

Bản báo cáo của CISS cho biết: “Mỹ sẽ tận dụng tối đa sự khác biệt về ý thức hệ và những lo ngại về an ninh để thuyết phục hoặc buộc các đồng minh áp đặt những biện pháp kiểm soát xuất khẩu linh kiện bán dẫn chặt chẽ hơn đối với Trung Quốc”. Những biện pháp kiểm soát xuất khẩu có thể mở rộng sang những lĩnh vực khác như công nghệ sinh học, nhiên liệu sạch, hệ thống năng lượng hạt nhân và chăm sóc sức khỏe.

ASML Holding thống trị thị trường toàn cầu về thiết bị sản xuất chip nhờ hệ thống in thạch bản cực tím cực kỳ tiên tiến của mình. Ảnh: Shutterstock

ASML Holding thống trị thị trường toàn cầu về thiết bị sản xuất chip nhờ hệ thống in thạch bản cực tím cực kỳ tiên tiến của mình. Ảnh: Shutterstock

Cho đến nay Washington, Tokyo và Amsterdam chưa chính thức công bố chi tiết về thỏa thuận kiểm soát xuất khẩu chung, nhưng các chuyên gia cho rằng, một số thiết bị, được gọi là hệ thống in khắc tia cực tím sâu nhúng ArF (DUV) của ASML Holding sẽ bị giới hạn xuất khẩu cho Trung Quốc. Những máy công cụ này sử dụng công nghệ laser khắc cơ bản một mạch được thiết kế sẵn lên tấm wafer, cho phép xử lý in thạch bản trong phạm vi từ 45 nanomet đến 7 nm.

ASML thống trị thị trường toàn cầu về thiết bị sản xuất chip, chiếm 90% thị phần cung cấp máy cực tím siêu tiên tiến, thực tế đã ngừng xuất khẩu sang Trung Quốc từ năm 2019.

Mỹ cũng đang nỗ lực hạn chế hơn nữa doanh số bán thiết bị sản xuất chip của các nhà cung cấp hệ thống in thạch bản tia cực tím sâu (DUV) Nhật Bản cho Trung Quốc như hãng Nikon và Canon, hoặc công ty Tokyo Electron, hoạt động trong phân khúc khác của thị trường thiết bị sản xuất chip như các công cụ khắc và phủ tiên tiến.

Các nhà phân tích tại công ty tư vấn Anbound tại Bắc Kinh trong một bài viết cho biết: “Hoạt động trấn áp sản xuất linh kiện bán dẫn đánh vào điểm yếu nhất trong công nghệ linh kiện bán dẫn của Trung Quốc. Cơ chế bóp nghẹt ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc của Mỹ sẽ còn siết chặt hơn nữa sau thỏa thuận giữa ba quốc gia này.”

Kết quả của thỏa thuận giữa 3 quốc gia sẽ trở thành một khó khăn rất lớn cho sự phát triển ngành chip Trung Quốc. Mo Dakang, nhà tư vấn tại Anbound cho biết: “Các nút quy trình công nghệ sản xuất trong ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc có thể bị đẩy lùi từ 14-nm xuống 45-nm.”

Ngày 28/1, ASML trong một thông cáo báo chí cho biết, sẽ mất một thời gian để các chính phủ liên quan hoàn thiện luật kiểm soát xuất khẩu thắt chặt và đưa vào thực thi bộ luật này.

Công ty Hà Lan giải thích: “Trong khi các quy định pháp lý đang được hoàn thiện, ASML sẽ tiếp tục hợp tác với các cơ quan chức năng để thảo luận về tác động tiềm ẩn của những quy định được đề xuất nào nhằm đảm bảo những tác động đối với chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu được đánh giá đúng mức. Trước khi các quy định có hiệu lực pháp lý, hoạt động kinh doanh của ASML trên toàn cầu vẫn tiếp tục.”

Theo Arisa Liu, nhà nghiên cứu chất bán dẫn cao cấp tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Đài Loan, sẽ xuất hiện những vấn đề liên quan khác cần phải xem xét kỹ lưỡng.

Bà Liu cho biết: “Doanh số bán thiết bị bán dẫn của Nhật Bản và Hà Lan sang Trung Quốc không đáng kể. Cách Mỹ bồi thường cho các công ty bị ảnh hưởng như thế nào sẽ là chìa khóa quyết định liệu thỏa thuận này có thể được thực hiện và kéo dài hay không.”

Đối mặt với tình huống chịu áp lực nặng nề từ phía Mỹ, các công ty bán dẫn Trung Quốc đã cố gắng đa dạng hóa chuỗi cung ứng thông qua nỗ lực tăng cường hợp tác với các nhà cung cấp ở đại lục, Nhật Bản và châu Âu, nhưng chiến lược đa dạng hóa nguồn cung thất bại khi Washington mở rộng sang hạn chế khả năng tiếp cận những công nghệ sản xuất chip tiên tiến.

Tháng 10/2022, chính quyền ông Joe Biden mở rộng các quy định hạn chế thương mại nhằm ngăn chặn khả năng Trung Quốc sản xuất chất bán dẫn tiên tiến nội địa hoặc mua chip tiên tiến từ nước ngoài để phát triển các năng lực quân sự tiên tiến và trí tuệ nhân tạo.

Những quy định kiểm soát xuất khẩu đơn phương do Mỹ công bố tháng 10/2022 đặt giới hạn cho quy trình sản xuất chip logic của Trung Quốc ở cấp 14nm, DRAM ở quy trình 18nm và chip 3D NAND ở quy trình 128 lớp.

Bắc Kinh không có quá nhiều lựa chọn để đáp trả những hạn chế công nghệ của Mỹ. Trung Quốc không thể trả đũa các công ty Mỹ như Apple, Tesla hay Intel vì quốc gia này cần công nghệ tiên tiến, các cơ sở sản xuất tạo việc làm, phát triển kinh doanh và sự hỗ trợ doanh nghiệp nước ngoài ở Washington. Dan Wang, nhà phân tích của công ty nghiên cứu Gavekal cho biết trong trong một bản phân tích tháng 1/2022.

Trung Quốc chỉ có thể đáp trả “bằng những khoản trợ cấp và hỗ trợ cho các ngành công nghiệp địa phương, chứ không phải trả đũa”, ông Wang nói.

Phản ứng mạnh mẽ nhất của Trung Quốc cho đến nay là quyết định của Bắc Kinh vào tháng 12 gửi đơn khiếu nại lên cơ quan giải quyết tranh chấp của Tổ chức Thương mại Thế giới chống lại những quy định hạn chế xuất khẩu của Mỹ mà Bộ Thương mại mô tả là “một thực tế điển hình của chủ nghĩa bảo hộ thương mại”.

Trong khi đó, Mỹ đã đưa ra chính sách giữ các đồng minh kinh tế trong vùng ảnh hưởng. Sáng kiến Mỹ - Ấn Độ về Công nghệ Quan trọng và Mới nổi, được khởi động vào tháng 5/2022 được Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan giới thiệu vào ngày 1/2 như một công cụ tiếp theo nhằm tăng cường liên kết quân sự, công nghệ và chuỗi cung ứng giữa hai quốc gia, ngăn chặn các công ty Trung Quốc, đang hoạt động trên lãnh thổ Ấn Độ.

Seoul hiện vẫn chưa gia nhập Liên minh Chip 4 do Washington đứng đầu nhưng các nhà phân tích cho biết, dòng chảy thương mại linh kiện bán dẫn giữa Trung Quốc và Hàn Quốc tiếp tục chịu áp lực từ Mỹ. Theo một quan chức chính phủ Hàn Quốc, làm việc trong lĩnh vực này, việc bảo vệ lợi ích của những công ty Hàn Quốc tại Trung Quốc vẫn là ưu tiên hàng đầu của Seoul vì hàng tỷ USD mà các doanh nghiệp Hàn Quốc đã đầu tư vào các nhà máy ở đại lục.

Thierry Breton, ủy viên thị trường nội bộ Liên minh châu Âu, trong bài phát biểu vào tháng 1/2023 đã tuyên bố ủng hộ những quy định hạn chế chip của Mỹ đối với Trung Quốc. Ông nói “Chúng ta không thể cho phép Trung Quốc tiếp cận những công nghệ tiên tiến nhất.”

Đầu tháng 1, chính quyền Joe Biden tấn công Ma Cao bằng những biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới, được áp đặt trước đó đối với những lô hàng chip và thiết bị sản xuất chip tiên tiến đến Bắc Kinh, ngăn chặn nguy cơ công nghệ này có thể bị chuyển hướng từ khu vực này sang Trung Quốc.

Theo South China Morning Post