Bí Thư Thành Ủy Hà Nội Vương Đình Huệ:

189 nhân khẩu ở phường Trúc Bạch và 17 bác sĩ tại Bệnh viện Hồng Ngọc phải xét nghiệm virus SARS-CoV-2

VietTimes -- Sáng nay (7/3), tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 ở UBND TP. Hà Nội, ông Vương Đình Huệ - Bí Thư Thành ủy Hà Nội - đề nghị 189 nhân khẩu ở phường Trúc Bạch và 17 bác sĩ ở Bệnh viện Hồng Ngọc đều phải xét nghiệm virus SARS-CoV-2. 
Báo chí tham dự đưa tin về cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 ở UBND TP. Hà Nội. Ảnh: Minh Thúy
Báo chí tham dự đưa tin về cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 ở UBND TP. Hà Nội. Ảnh: Minh Thúy

Theo Bí Thư Thành Ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, tình hình dịch bệnh ở các quốc gia/vùng lãnh thổ đang rất phức tạp. Vì thế, "đề nghị mọi hoạt động phòng chống dịch phải quán triệt theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia. Đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 1 ca chính thức dương tính, 2 trường hợp nghi ngờ nhiễm là lái xe và bác của bệnh nhân, đang chờ kết quả xét nghiệm lần 2 từ Bộ Y tế. Khả năng nhiễm của họ rất cao", ông Huệ nói.

2 khu vực cần cách ly tại Hà Nội hiện nay là phường Trúc Bạch (189 người) và Bệnh viện Hồng Ngọc. Đây là 2 khu vực phát sinh dịch và liên quan trực tiếp đến việc phát sinh dịch.

"Càng vào thời điểm này, chúng ta không chủ quan, không lơ là, không hoang mang, lo lắng quá mức. Người dân phải tin tưởng vào khả năng kiểm soát dịch của Việt Nam. Đây là lúc thử thách bản lĩnh của chúng ta, từ cấp trung ương đến cơ sở. Hơn lúc nào hết, chúng ta phải sáng suốt, cẩn trọng, nâng mức độ cảnh báo dịch lên 1 cấp theo tinh thần của Bộ Y tế.

"Cách ly tại nhà thì thành cách ly tập trung, cách ly tập trung thì chuyển sang cách ly trong bệnh viện. Các đơn vị phải có trách nhiệm với sức khỏe của người dân và sự an toàn của thủ đô, đất nước" - Bí thư Thành Ủy phát biểu.

Ông Vương Đình Huệ đề xuất Hà Nội phải triển khai ngay việc điều tra dịch tễ những người tiếp xúc gần, tiếp với người tiếp xúc gần hành khách của chuyến bay. Mọi đối tượng đều phải xác minh, điều tra làm rõ từ thôn, tổ dân phố, phường xã.

Kinh nghiệm của Vĩnh Phúc cho thấy chỉ có công an mới nắm chắc được vấn đề này. Công an, cảnh sát khu vực đóng vai trò quan trọng trong phối hợp với chính quyền cơ sở để rà soát, chủ động phòng dịch bệnh. Nếu phát hiện sớm các ca nghi mắc bệnh vào bệnh viện, thì công tác phòng dịch sẽ đạt hiệu quả.

Mọi hành khách nhập cảnh vào Việt Nam đều phải khai báo y tế, không chỉ khai báo điểm đến, còn phải thông tin hành trình 14 ngày trước đó. Kiểm soát máy đo thận nhiệt, kiểm tra ở cửa khẩu. Vì vậy, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines điều tra các hành khách trên chuyến bay, những ai đã ngồi gần ghế của bệnh nhân thứ 17.

Bệnh này rất dễ lây, khó đề phòng, nó vô hình, không rõ biểu hiện cũng có thể bị lây. Vì thế, cần tiếp tục điều tra dịch tễ, người tiếp xúc với bệnh nhân, người tiếp xúc với người tiếp xúc gần,... Ông Huệ đề nghị 189 nhân khẩu ở phường Trúc Bạch và những người có liên quan ở Bệnh viện Hồng Ngọc đều  phải xét nghiệm.

Bí Thư Thành Ủy Hà Nội yêu cầu tạm dừng các hoạt động không cần thiết, các lễ hội, hội họp,... không chỉ ở Ba Đình mà còn các tỉnh, quận, huyện khác, để ngăn ngừa nguy cơ dịch lây lan, tập trung phòng chống dịch, tránh tình trạng chỉ tập trung xử lý trường hợp mới mắc, mà không xem xét các trường hợp khác ở các địa phương trên cả nước.

Bí Thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu các cấp học nghỉ thêm 1 tuần để phòng dịch COVID-19, kể cả học sinh học nghề, hay sinh viên, cũng tiếp tục cho nghỉ học đến ngày 15/3, đồng thời, các sở, ban, ngành tạm dừng đi công tác nước ngoài  để phòng dịch.  

Hiện, có nhiều thông tin không chính thống đang lan truyền trên mạng, gây hoang mang dư luận. Vì vậy, ông Huệ đề nghị Bộ công an xử lý nghiêm các tin giả.

Cùng với đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TP. Hà Nội phải có chế độ thông tin, cập nhật thường xuyên, báo cáo hàng giờ. UBND TP. Hà Nội phải báo cáo với các ngành để nắm chắc tình hình, người Việt Nam, người nước ngoài đi về từ bất kể nước nào.

Ngoài ra, củng cố lại đường dây nóng trực 24/24h, miễn phí khi người dân gọi đến. Người dân phải tự bảo vệ mình, bảo vệ gia đình, không lo lắng, không hoảng loạn.

Bí Thư Thành ủy Hà Nội đề nghị ngành công an xây dựng phương án kiểm soát, cách ly, đảm bảo an ninh trật tự, nhất là tại phường Trúc Bạch và Bệnh viện Hồng Ngọc.

Từ đó, phải có quy chế hoạt động, học tập kinh nghiệm của Vĩnh Phúc, có phương án tới từng hộ dân, "đi từng ngõ, gõ từng nhà", xử lý các tường hợp nghi ngờ; đề xuất thành lập các đoàn kiểm tra phòng chống dịch, đôn đốc, nhắc nhở. Tuyên truyền rộng rãi văn bản của thành ủy, kết luận của Ban Chỉ đạo cho người dân trên báo chí, truyền hình.

Để chủ động phòng dịch, các đơn vị cần chủ động đo thân nhiệt, khai báo y tế người nhập cảnh vào Việt Nam, kể cả người Việt Nam và người nước ngoài. Khai báo hành trình 14 ngày, điểm đến, điểm đi. Nếu không kiểm soát tốt, để lọt thì việc ứng phó sẽ gặp khó khăn.