11 câu hỏi vắn đáp nhanh về mạng 4G tại Việt Nam

Viettimes - Sau nhiều lần lỡ hẹn, Việt Nam đã chính thức khai trương thử nghiệm mạng 4G, đây là dịch vụ được kì vọng và mong chờ từ rất lâu. 11 điều sau đây ai cũng nên biết về bước tiến mới của công nghệ này.
Tốc độ 4G vừa khai trương đạt download 336.30Mbps và upload là 39.41Mbps
Tốc độ 4G vừa khai trương đạt download 336.30Mbps và upload là 39.41Mbps

1. 4G có nghĩa là gì?

Cũng giống như các thuật ngữ 2G hay 3G, 4G chỉ là một từ viết tắt của cụm từ "fourth generation" (thế hệ thứ 4) để thuận tiện cho các chương trình marketing của các nhà mạng. 

Thông thường, mạng 4G được ưu tiên phát triển vì mạng này sẽ có tốc độ nhanh hơn mạng 3G đến 10 lần. 4G có thể sử dụng 2 công nghệ là Wimax và Long Term Evolution (LTE). Các nhà mạng Việt Nam ưu tiên sử dụng công nghệ thứ 2, Long Term Evolution (LTE).

2. Hiện nay đã có mạng 4G chưa?

Câu trả lời là “Rồi!”. 4G đã được triển khai thử nghiệm từ 18/1 tại TP.Hồ Chí Minh và Phú Quốc với tốc độ mạng 4G LTE của VinaPhone được công bố là download đạt 336.30Mbps và upload là 39.41Mbps.

3. Tốc độ của 4G so với 3G thế nào?

VinaPhone công bố tốc độ 4G vừa khai trương đạt download 336.30Mbps và upload là 39.41Mbps. Trong khi hầu hết các mạng 3G hiện tại đều chỉ có tốc độ từ 400 kilobit/s cho đến 1,5 Mbps.

Còn các nhà cung cấp dịch vụ sử dụng công nghệ WiMax thường quảng cáo mạng của họ có tốc độ tải xuống (download) từ 2Mbps đến 6Mbps và đỉnh điểm nhất có thể lên tới 10Mbps hoặc cao hơn chút nữa.

4. Vì sao cần 4G?

Mạng 4G với tốc độ cao hơn hẳn sẽ giúp cho tốc độ truyền tải của dữ liệu trên các hệ thống mạng tăng lên đáng kể và đưa các dịch vụ cao cấp như sử dụng ứng dụng di động, trên video trực tiếp trên mạng, hội nghị truyền hình hay chơi game trực tuyến… sẽ bùng nổ thực sự.

11 câu hỏi vắn đáp nhanh về mạng 4G tại Việt Nam ảnh 1

5. Người ta dự đoán 4G sẽ thay thế đường truyền Internet cố định?

Đúng, điểm “lợi hại” nhất của mạng 4G là nó có thể thay thế một cách hoàn hảo các đường truyền Internet cố định (kể cả đường truyền cáp quang) với tốc độ không thua kém, vùng phủ sóng rộng lớn hơn và có tính di động rất cao.

6. Cước phí của 4G so với 3G thế nào?

Giá của dịch vụ dữ liệu 4G sẽ không tăng so với 3G ở cùng một mức dung lượng sử dụng, thậm chí người dùng còn được hưởng nhiều gói ưu đãi hấp dẫn khi sử dụng dịch vụ 4G trong giai đoạn thử nghiệm hiện nay của VinaPhone.

7. Có thể dùng điện thoại 3G hay USB 3G để kết nối 4G không?

Câu trả lời là không vì 2 công nghệ này sử dụng các dải băng tần khác nhau.

8. 4G có hỗ trợ gọi điện thoại không?

Đến thời điểm hiện tại thì chưa và nếu người dùng 4G muốn “alo” với bạn bè chỉ có giải pháp duy nhất là sử dụng các dịch vụ gọi điện thoại qua Internet như Skype, Viber hoặc các dịch vụ tương tự.

9. Có mẫu điện thoại di động 4G nào giá mềm không?

Có, thực tế, chỉ với khoảng 2 - 4 triệu đồng, người dùng cũng có thể sử dụng 4G, mà không cần tới các smartphone cao cấp. Trong đó phải kể đến Asus Zenfone 2 Laser 5.0, Lenovo A7000, Samsung Galaxy J2, Meizu M2,…

10. Có thể sử dụng 4G trên điện thoại trong khi đang di chuyển không?

Bạn dùng 3G và chưa hài lòng với dịch vụ mạng khi cần di chuyển? 4G là đáp số đúng cho bạn, vì đó mới thực sự là mạng băng rộng di động đúng nghĩa.

11. Có thể sử dụng 4G ở những nơi khác nhau với một chiếc di động roaming không?

Tất nhiên là có với điều kiện nhà mạng của 2 nơi phải sử dụng chung chuẩn công nghệ. Nếu thuê bao của bạn thuộc về nhà mạng 4G dùng chuẩn LTE bạn sẽ không thể sử dụng dịch vụ của nhà mạng dùng chuẩn WiMax.

Anh Lê (tham khảo PCW)