100% mua sắm công phải thực hiện qua mạng từ năm 2025

VietTimes -- Sáng 8/8/2018 tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã tổ chức Diễn đàn Đấu thầu qua mạng Việt Nam 2018. Đấu thầu qua mạng (e-GP) tại Việt Nam được triển khai từ năm 2009, từ 2013 - 2015 mở rộng thí điểm trên phạm vi cả nước và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý; từ 2016 áp dụng chính thức trên phạm vi cả nước.
Giao lưu giữa các khách mời với đại biểu tham dự Diễn đàn Đấu thầu qua mạng Việt Nam 2018
Giao lưu giữa các khách mời với đại biểu tham dự Diễn đàn Đấu thầu qua mạng Việt Nam 2018

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng, đến nay đã có tới 23.000 bên mời thầu và 72.000 nhà thầu đăng ký trên Hệ thống, đến từ các tỉnh thành trên cả nước như Hà Nội, TPHCM, Hòa Bình, Sơn La. Tổng số lượng gói thầu thực hiện đấu thầu qua mạng trong năm 2017 đạt 8.200 gói, tăng hơn gấp đôi so với năm đầu tiên 2016. Tổng giá trị gói thầu đấu thầu qua mạng là 9.000 tỷ đồng.

Chỉ trong 7 tháng đầu năm 2018, số lượng gói thầu áp dụng đấu thầu qua mạng đã lên tới trên 9.000 gói, tăng hơn cả số lượng gói thầu điện tử trong cả năm 2017 là 8.200 gói, trong đó gói thầu có giá trị lớn nhất lên tới 194 tỷ đồng. Các gói thầu mua sắm hàng hóa chiếm số lượng nhiều nhất với trên 3.000 gói. Với đà tăng trưởng này, dự đoán số lượng gói thầu qua mạng trong cuối năm 2018 sẽ còn tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba so với năm 2017.

Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết, Chính phủ đặt ra lộ trình đẩy mạnh ứng dụng Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia để hướng tới mục tiêu đến năm 2025, 100% các thông tin trong quá trình lựa chọn nhà thầu, thực hiện hợp đồng và 100% hoạt động mua sắm thường xuyên được thực hiện thông qua Hệ thống. Tối thiểu 70% số lượng gói thầu trong phạm vi Luật đấu thầu phải thực hiện thông qua qua Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia http://muasamcong.mpi.gov.vn/. Ngoài ra số lượng gói thầu sau này sẽ không giới hạn gói thầu dưới 200 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, xây dựng hệ sinh thái cho đấu thầu qua mạng dựa trên 3 trụ cột: Thứ nhất là môi trường... khuôn khổ pháp lý, tạo ra cuộc chơi; Thứ hai là xây dựng công cụ để chơi; Thứ ba là mọi người trong môi trường đó nhận thức đầy đủ về cuộc chơi công cụ chơi.

Tuy nhiên, trở ngại cho vấn đề này là cần thay đổi nhận thức, chúng ta thảo luận những giá trị cốt lõi, lợi ích rõ ràng thế nhưng các bên lại không chịu tham gia. Nhiều thành phố lớn còn quan ngại, trong khi đó một tỉnh nhỏ như Sơn La đã làm tốt. Vì thế, phải thay đổi được nhận thức, có sự đồng thuận thì chúng ta mới tạo được hệ sinh thái.

Về việc thúc đẩy để đạt mục tiêu vào năm 2025, ông Nguyễn Đăng Trương cho biết, hiện nay chưa có chế tài cụ thể nếu các bộ ngành, địa phương chưa áp dụng hình thức đấu thầu qua mạng theo lộ trình. Tuy nhiên, Cục Quản lý Đấu thầu và Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ có động thái. Trên bàn Thủ tướng đã có danh sách các bộ ngành, địa phương chậm thực hiện và Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ công khai danh sách này, ông Trương nói.

Đặc biệt, những địa phương nào chỉ định thầu nhiều, tỷ lệ đấu thầu thấp đều bị công khai.