10 năm sau thảm hoạ Fukushima: Hạt nhân hóa hay không?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tiến sỹ Terry F. Buss, Học viện Hành chính Quốc gia Mỹ, đưa ra nhận định với VietTimes về chính sách năng lượng tái tạo của thế giới, trong lúc "bóng ma" thảm họa hạt nhân ở Nhật Bản vẫn chưa dứt.
Vấn đề Fukushima của Nhật Bản rất được quan tâm vì Nhật Bản là nạn nhân của thảm họa hạt nhân tồi tệ thứ hai trong lịch sử. Ảnh: ClimateAction.
Vấn đề Fukushima của Nhật Bản rất được quan tâm vì Nhật Bản là nạn nhân của thảm họa hạt nhân tồi tệ thứ hai trong lịch sử. Ảnh: ClimateAction.

Ngày 11/3/2021 đánh dấu 10 năm thảm hoạ kép động đất-sóng thần phá hủy nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ở Nhật Bản.

Gần 165.000 người đã phải di dời, 43.000 người vẫn chưa được trở về nhà. Khoảng 16.000 người thiệt mạng vì sóng thần và một điều thật đau xót là 4.000 người khác tự tử, hiện vẫn còn 2.500 người mất tích. Kỳ diệu thay, chỉ có 1 trường hợp tử vong liên quan đến phóng xạ.

Mặc dù việc tưởng nhớ các nạn nhân thảm họa là điều quan trọng, nhưng còn một điều quan trọng nữa là rút ra các bài học kinh nghiệm, đánh giá sự chuẩn bị cho các thảm họa có thể xảy ra trong tương lai và hiểu rõ những đổi mới đã được thực hiện để cải thiện các lò phản ứng hạt nhân – tất cả cho một mục đích là để các nạn nhân không bị thiệt mạng hoặc đau đớn vô ích.

Diễn biến mới nhất liên quan đến điện hạt nhân: Tổng thống Joe Biden đã đưa biến đổi khí hậu và giảm thiểu phát thải carbon trở thành trọng tâm chính sách của chính quyền mới. Ông ấy cũng tái gia nhập Hiệp định Khí hậu Paris – động thái này dường như đã mang lại cho Hiệp định một hơi thở mới.

Nhiều chính phủ, các nhóm vận động, các nhà bảo vệ môi trường và các nhà khoa học khắp thế giới đang muốn từ bỏ toàn bộ điện hạt nhân và thay thế bằng năng lượng tái tạo. Họ tin rằng năng lượng hạt nhân không an toàn, chi phí cao, hủy hoại môi trường và nên được thay thế bằng năng lượng tái tạo càng sớm càng tốt.

Đức, Đài Loan và Hàn Quốc đã đảo ngược chương trình lò phản ứng hạt nhân đang phát triển của họ ngay sau vụ Fukushima. Mỹ đã loại bỏ dần các nhà máy hạt nhân mới sau sự cố tại Đảo Three Mile năm 1979.

Nhưng nhiều quốc gia và tổ chức khác - bao gồm Ủy ban liên chính phủ của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu; Liên minh châu Âu; Diễn đàn Kinh tế Thế giới; và các nước, bao gồm cả Trung Quốc và Ấn Độ là các nước đang xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới; cùng với những người ủng hộ năng lượng hạt nhân – thì tin rằng các mục tiêu khí hậu toàn cầu về giảm thiểu phát thải carbon và ngăn chặn nhiệt độ tăng lên sẽ không thể đạt được nếu không có năng lượng hạt nhân.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản, ngoài số lượng người tử vong và sự tàn phá chưa từng có, chi phí khử nhiễm Fukushima tiêu tốn khoảng từ 470 tỉ - 660 tỉ USD. Ảnh: Time Magazine.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản, ngoài số lượng người tử vong và sự tàn phá chưa từng có, chi phí khử nhiễm Fukushima tiêu tốn khoảng từ 470 tỉ - 660 tỉ USD. Ảnh: Time Magazine.

Những người ủng hộ tin rằng các vụ tai nạn hạt nhân trước đây – Fukushima năm 2011 và Chernobyl năm 1986 - rất khó xảy ra trong nhà máy điện thế hệ mới nhất, chất thải hạt nhân có thể quản lý được, các nhà máy điện có thể được điều tiết hiệu quả và đặt ở những nơi an toàn, và với những đổi mới công nghệ ngày càng tăng, chi phí sẽ giảm.

Vậy bên nào sẽ chiến thắng trong cuộc tranh luận về điện hạt nhân?

Tất nhiên, vấn đề Fukushima của Nhật Bản rất được quan tâm vì Nhật Bản là nạn nhân của thảm họa hạt nhân tồi tệ thứ hai trong lịch sử, sau Chernobyl của Ukraine.

Vấn đề đặt ra hiện nay cho chính phủ Nhật Bản là phải quyết định: Đóng cửa vĩnh viễn, hiện đại hóa và mở cửa trở lại, hay xây dựng các lò phản ứng hạt nhân mới? Quyết định của Nhật Bản sẽ đưa ra tiên đoán cho hướng phát triển tương lai của điện hạt nhân.

Sụ phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân

Khoảng 10,3% tổng lượng điện toàn cầu được sản xuất tại các lò phản ứng hạt nhân. 70% sản lượng điện ở Pháp là điện hạt nhân; ở Đức là 40%; Vương quốc Anh: 20%; và Mỹ chỉ 10%. Những người phản đối năng lượng hạt nhân muốn giảm sản lượng điện hạt nhân xuống dưới mức 5% và sau đó tiến tới 0%.

Báo cáo Tình hình Công nghiệp Hạt nhân Thế giới cho thấy có 414 nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động ở 32 quốc gia, 51 nhà máy đang được xây dựng, 93 nhà máy đã bị ngừng xây dựng, 28 nhà máy bị đình chỉ dài hạn và 192 nhà máy đã bị đóng cửa.

Như vậy, năng lượng hạt nhân nhìn chung đang suy giảm trên phạm vi toàn cầu.

Tuy nhiên, Trung Quốc đang dẫn đầu trong việc xây dựng các lò phản ứng mới với 19 nhà máy; tiếp theo là Ấn Độ, Nga, Anh, Ả Rập Xê Út và 11 nước khác.

Trung bình, các lò phản ứng có tuổi đời 30 năm. Hầu hết được thiết kế để hoạt động trong 40 năm. Chính vì vậy, với các lò phản ứng đã xây dựng, thời gian cho các quốc gia không còn dài trước khi họ mất đi những lợi ích mà năng lượng hạt nhân mang lại. Các lò phản ứng của Hoa Kỳ có tuổi thọ trung bình 40 năm.

Điều này đặt ra một câu hỏi về an ninh điện hạt nhân: Liệu từ bỏ công nghệ hạt nhân có phải là một quyết định khôn ngoan hay không trong bối cảnh các đối thủ và địch thủ đang tăng cường phát triển?

Vấn đề an toàn hạt nhân

Số liệu thống kê cho thấy số vụ tai nạn lò phản ứng hạt nhân rất ít và hầu như đều ở quy mô nhỏ, ngoại trừ hai thảm hoạ Chernobyl và Fukushima.

Vụ nổ ở Chernobyl (Ukraine) năm 1986 đã làm bùng nổ cuộc tranh luận hạt nhân lên một quy mô lớn hơn bất kỳ sự kiện nào khác. Thảm họa đó là hậu quả của một sai sót trong thiết kế, lỗi của con người và việc ra quyết định yếu kém.

Theo báo cáo của Uỷ ban Khoa học Liên hợp quốc về Ảnh hưởng của Phóng xạ hạt nhân năm 2008, 54 người đã thiệt mạng do hậu quả trực tiếp của vụ nổ, bao gồm chấn thương và hội chứng phóng xạ cấp tính trong năm 1986-1987. Khoảng 4.000-9.000 người chết vì ung thư trong những năm tiếp theo.

Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl trang bị loại lò phản ứng được thiết kế đầu tiên ở Liên Xô cũ, thiết kế mang tính duy nhất, không dựa trên các vấn đề an toàn đang được áp dụng trên thế giới hiện nay.

Vụ nổ này đã làm lay chuyển niềm tin của cả thế giới vào sự an toàn của năng lượng hạt nhân, cứu cánh cho sự thiếu hụt năng lượng toàn cầu.

Thảm hoạ mang tên Fukushima Daiichi. Ảnh: Suffolk

Thảm hoạ mang tên Fukushima Daiichi. Ảnh: Suffolk

Tiếp đó, thảm hoạ mang tên Fukushima Daiichi trở thành một cái cớ nữa để những người phản đối năng lượng hạt nhân tin rằng đó là chiếc đinh cuối cùng được đóng lên chiếc quan tài của năng lượng hạt nhân.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản, ngoài số lượng người tử vong và sự tàn phá chưa từng có, chi phí khử nhiễm Fukushima tiêu tốn khoảng từ 470 tỷ - 660 tỷ USD. Thêm vào đó, 800 km vuông đất không thể tái sử dụng, ngoại trừ tận dụng để phát triển năng lượng tái tạo: điện mặt trời và điện gió.

Tuy nhiên, theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế của LHQ (IAEA), khi vụ nổ xảy ra, lò phản ứng hạt nhân đã ngừng hoạt động theo đúng như thiết kế. Thiệt hại, chết chóc và ô nhiễm đều là hậu quả của sóng thần.

IAEA và các nước thành viên đã thiết lập các giao thức và tiêu chuẩn an toàn, bao gồm giám sát quy định, nhằm ngăn chặn bất kỳ thảm họa nào trong tương lai liên quan đến các lò phản ứng.

Các lò phản ứng thế hệ mới nhất đều đảm bảo an toàn. Vì vậy, vấn đề thực sự mà các nước đang phải đối mặt là phải làm gì với các lò phản ứng cũ đang dùng các công nghệ cũ hơn. Một số lò phản ứng có thể được trang bị bổ sung trong khi những lò khác sẽ phải đóng cửa và thay thế.

Vấn đề thứ hai liên quan đến thiên tai và lò phản ứng. Việc lựa chọn vị trí cho lò phản ứng Daiichi, nhìn lại mới thấy là chưa được tính toán kỹ lưỡng – tuy nhiên nhìn nhận một việc sau khi xảy ra thì bao giờ cũng dễ hơn là dự đoán tương lai.

Những người phản đối điện hạt nhân lập luận rằng vì không ai có thể dự đoán được các đợt thiên tai chưa xảy ra nên không có nơi nào được coi là an toàn để đặt lò phản ứng hạt nhân. Những người ủng hộ điện hạt nhân phản bác lại: Nếu áp dụng logic này thì không ai nên sống ở California, Oregon và Washington - tất cả những nơi này đều nằm đến đường đứt gãy San Andreas khổng lồ và đều có sác xuất xảy ra thảm hoạ khiến mọi thứ chìm sâu vào đại dương.

IAEA đã đưa ra ra một hệ thống ước tính rủi ro. Trước đây, họ đã tính toán xác suất xảy ra thảm họa là 1/1000 để xác định vị trí xây dựng cho một lò phản ứng hạt nhân. Hiện giờ, hệ thống tính toán rủi ro đã nâng cấp khả năng dự báo lên xác suất 1/10.000. Kể cả có như vậy, ai dám chắc chắn về hiệu quả thực sự thế nào.

Lò phản ứng hạt nhân thu nhỏ

Công nghệ hạt nhân vẫn không ngừng phát triển, khiến nó trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết đối với những người ủng hộ năng lượng sạch và đối với các nhà đầu tư.

Lò phản ứng mô-đun nhỏ là một cải tiến gần đây nhất và hiện đã được triển khai. Lò phản ứng mô-đun nhỏ có diện tích nhỏ, chi phí tương đối thấp, có thể được đặt ở hầu hết mọi nơi và được coi là an toàn và bảo mật. Trung Quốc và Nga đã và đang sử dụng công nghệ này.

Nhà sáng lập Microsoft, Bill Gates – người đi đầu trong hoạt động môi trường toàn cầu- đang đầu tư rất nhiều vào các dự án Lò phản ứng mô-đun nhỏ.

Cân nhắc chi phí

Những người phản đối năng lượng hạt nhân cho rằng chi phí xây mới hoặc trang bị thêm cho các lò phản ứng hiện có là rất cao, vì vậy thay vào đó nên đầu tư vào năng lượng tái tạo. Tổng chi phí để xây dựng một nhà máy mới là trên dưới 31 tỷ đô la.

Sẽ là một phép đối chiếu bất cân xứng khi cho rằng: Nếu các nguồn năng lượng tái tạo không thể cung cấp đủ năng lượng cần thiết thì cần phải triển khai các nguồn cung cấp đắt tiền hơn, dù muốn hay không. Hoặc một cách khác là hãy ngừng tiêu thụ điện quá mức, đặc biệt là ở các nước đang phát triển.

Có điều không may là sự ủng hộ của người dân dành cho điện hạt nhân đang ngày càng suy giảm cộng với nỗi sợ hãi từ thảm hoả hạt nhân Chernobyl và Fukushima đã khiến việc sử dụng điện hạt nhân giảm dần ở nhiều nơi.

Kết quả là, trong những thập kỷ trước, khi chi phí xây dựng lò phản ứng hạt nhân còn rẻ thì số lượng lò lại bị cắt giảm. Một số người cho rằng quyết định từ bỏ điện hạt nhân cách đây 40 năm có lẽ là quyết định sai lầm.

Tuy nhiên, vấn đề là năng lượng tái tạo không thể cung cấp đủ nhu cầu điện năng ở nhiều quốc gia. Vì vậy, nếu không sử dụng năng lượng hạt nhân thì chỉ còn một nguồn bổ sung duy nhất là nhiên liệu hoá thạch.

Chất thải hạt nhân

Những người phản đối điện hạt nhân lo lắng về các vấn đề an toàn và môi trường liên quan quan đến việc phát sinh và lưu trữ chất thải hạt nhân. Theo Viện Năng lượng Hạt nhân, chất thải hạt nhân phát sinh trên toàn cầu từ những năm 1950 nếu gom lại thành một khối lập phương thì sẽ tương đương với một sân bóng đã có chiều cao 9.1 mét.

Hiện tại, vấn đề chính không phải là làm thế nào để lưu trữ chất thải hạt nhân, mà câu hỏi thực chất phải là “số chất thải này sẽ được lưu trữ ở sân sau của nước nào”. Vấn đề ở đây liên quan đến công bằng xã hội chứ không phải công nghệ.

Truyền thông và Vận động chính sách

Làm thế nào mà cuộc tranh luận về điện hạt nhân lại trở nên chia rẽ như vậy? Các phương tiện thông tin đại chúng đã đứng sau phe phản đối năng lượng hạt nhân. Tràn ngập trên mặt báo và truyền thông xã hội là các thông tin sai lệch, thông điệp tuyên truyền một phía và thông tin giả.

Những người phản đối năng lượng hạt nhân đã rất biết cách thu hút sự chú ý của báo giới. Phong trào Extinction Rebellion (tạm dịch: Nổi dậy chống huỷ diệt), nhà hoạt động môi trường thiếu niên Greta Thunberg và những người khác đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông với các cuộc biểu tình phản đối quy mô lớn, các sự kiện thu hút sự chú ý của công chúng và các hoạt động bất tuân dân sự.

Nói tóm lại, những người phản đối đã để lý trí bị chi phối bởi cảm xúc và sự cường điệu, cùng với các vấn đề đạo đức và công bằng xã hội.

Những người ủng hộ năng lượng hạt nhân, đặc biệt là các nhà khoa học, rất kiên định trong chủ trương chính sách của mình: Họ không phản đối, không bạo loạn hoặc không lấn lướt để thực hiện điều mình muốn. Họ chỉ quan tâm đến khía cạnh kỹ thuật, tính khả thi, tổn thất và lợi ích.

Nhìn chung, ngoài phạm trù chuyên môn, họ đã không làm gì nhiều để thuyết phục cho quan điểm của mình.

Để phức tạp hoá thêm vấn đề, những người phản đối năng lượng hạt nhân đã thành công trong việc gắn kết năng lượng hạt nhân với các vấn đề chống chiến tranh, chống vũ khí hạt nhân. Họ vẽ ra những điều đáng sợ về vũ khí hạt nhân và gắn chúng vào năng lượng hạt nhân.

Điều này đặc biệt đúng trong trường hợp của Nhật Bản – hai vụ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki trong Thế chiến thế thứ hai vẫn còn là vấn đề khiến thế giới chưa nguôi ngoai.

Việc có được các cuộc tranh luận có trách nhiệm về điện hạt nhân ngày càng trở nên xa vời.

Nhật Bản trước tình huống tiến thoái lưỡng nan

Sự cố hạt nhân mang tên Fukushima Daiichi đã không chỉ tàn phá một vùng ven biển của nước Nhật. Nó khiến chính phủ Nhật Bản phải suy nghĩ lại không chỉ về chiến lược điện hạt nhân mà còn cả về các chính sách về biến đổi khí hậu và an ninh quốc gia.

Trong cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973, chính quyền Tokyo đã nhận ra rằng nguồn cung cấp nhiên liệu hoá thạch của Nhật Bản đang phải phụ thuộc vào nhiều nước khác, và phần nhiều trong số các nước cung cấp không chỉ là đối thủ cạnh tranh mà còn là địch thủ tiềm năng. Năng lượng hạt nhân đã mang lại cho Nhật Bản sự độc lập mà họ hằng khao khát.

Thứ hai, Nhật Bản không sở hữu vũ khí hạt nhân nhưng nhận thức rất rõ khả năng bị đe doạ bởi các nước có sở hữu vũ khí hạt nhân. Công nghệ năng lượng hạt nhân, mà Nhật Bản đứng đầu về chuyên môn, đã mang lại cho nước này khả năng sản xuất vũ khí hạt nhân một cách nhanh chóng trong trường hợp họ buộc phải làm như vậy.

Một cô bé còn sống sót trên đống hoan tàn sau thảm hoạ hạt Fukkushima. Ảnh: Newsweek.

Một cô bé còn sống sót trên đống hoan tàn sau thảm hoạ hạt Fukkushima. Ảnh: Newsweek.

Nhật Bản có 54 lò phản ứng, 12 lò đã ngừng hoạt động vĩnh viễn, 24 lò đang tạm ngừng hoạt động để chờ có kết quả đánh giá an toàn và 18 lò đang hoạt động. Nhật Bản còn có 2 lò phản ứng đang được xây dựng và 1 lò nữa nằm trong kế hoạch xây dựng.

Rõ ràng, người Nhật tin rằng họ cần năng lượng hạt nhân để đạt được các mục tiêu phát thải, chưa kể đến việc để đảm bảo an ninh và độc lập năng lượng. Vẫn còn phải chờ xem Nhật Bản sẽ thực hiện các bước đi tiếp theo thế nào trong chương trình hạt nhân của mình.

Điện hạt nhân ở châu Á

Trong khi các nước phương Tây giảm quy mô các lò phản ứng hạt nhân, các nước châu Á lại đang mở rộng “hạm đội” của mình. Tính đến năm 2021, có 134 lò phản ứng đang hoạt động trong khu vực, 32 lò đang được xây dựng và 55 lò khác đang được lên kế hoạch.

Ngoài Nhật Bản thì Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Pakistan đang là những tác nhân tích cực trong sân chơi này.

Các quốc gia châu Á khác tỏ ra thận trọng hơn trong việc áp dụng công nghệ này chủ yếu vì những cân nhắc chi phí.

Trung Quốc và Nga đang triển khai nhiều động thái để trở thành những nhà cung cấp công nghệ hạt nhân toàn cầu, chống lại sự suy giảm của ngành công nghiệp này.

Hàm ý

Kể từ khi đại dịch COVID-19 diễn ra, mọi chính sách của các chính phủ đưa ra đều được yêu cầu phải dựa trên cơ sở khoa học. Nói như vậy, nhưng thực tế là mọi chính sách đều mang đặc trưng màu sắc chính trị.

Do đó, rất có thể nhiều quốc gia sẽ đưa ra những chính sách năng lượng hạt nhân không có lợi cho họ — có thể ngừng hoạt động hoặc có thể mở rộng hơn nữa — cũng chẳng vì lợi ích của cộng đồng toàn cầu.

Theo ông Michael Shellenberger, một nhà lãnh đạo trong phong trào vận động bảo vệ môi trường: Năm 2011, nếu Đức đầu tư 580 tỉ USD vào điện hạt nhân thay vì năng lượng tái tạo thì nước này đã có được 100% điện từ năng lượng hạt nhân không phát thải carbon.

Hiện tại, Đức đang không đạt được mục tiêu phát thải bằng không với năng lượng tái tạo và thậm chí đang phải mua khí đốt tự nhiên từ Nga.

Bởi vì các quốc gia đang theo đuổi các con đường khác nhau - hạt nhân và phi hạt nhân - để đạt tới mức phát thải carbon bằng không, thế giới được hưởng một đặc quyền: chờ xem cách tiếp cận nào là tốt nhất. Đó là một điều tích cực.

Trong khi đó: Bước đi thận trọng đối với hầu hết các quốc gia là phát huy năng lượng hạt nhân nếu họ có đủ khả năng phát triển và hy vọng rằng những đổi mới công nghệ trong tương lai sẽ giúp giảm chi phí và tăng cường ứng dụng.

Đồng thời, các quốc gia nên thực hiện đánh giá để cân nhắc xem việc loại bỏ hoàn toàn điện hạt nhân trong phạm vi dài hạn hoặc duy trì một số khả năng phát triển điện hạt nhân có lợi/hại như thế nào. Đó là câu hỏi về sự cân bằng hài hoà, không phải câu hỏi triệt tiêu theo cách hoặc năng lượng hạt nhân hoặc năng lượng tái tạo.

Thế giới cần một cuộc tranh luận nghiêm túc về những vấn đề này trước khi mọi chuyện trở nên quá muộn. (Việc xây dựng một nhà máy điện hạt nhân mất khoảng 6 năm)./.

(Chuyển ngữ: Đào Thuý)