10 mẹo chụp ảnh bằng smartphone phục vụ “sống ảo” mùa du lịch (P1)

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Dịp lễ 30/4 – 1/5 đang đến gần, nhiều người muốn lưu lại khoảnh khắc đẹp bên bạn bè và người thân. Sau đây là 10 bí kíp của các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp bạn không thể bỏ lỡ.

1. Làm sạch ống kính

Ảnh minh họa: redbooth

Ảnh minh họa: redbooth

Trước khi chụp một bức ảnh, bạn cần đảm bảo thiết bị đang ở trạng thái sẵn sàng. Theo các nhiếp ảnh gia, quy tắc đầu tiên là làm sạch ống kính camera điện thoại trước khi chụp ảnh. Đây là điều quan trọng đầu tiên giúp bạn có bức hình ưng ý.

Tuy nhiên, công đoạn này cũng cần được chú ý. Nhiều người có thói quen dùng quần hoặc áo đang mặc để lau camera. Hành động này có thể gây tổn hại đến thiết bị. Việc sử dụng các chất liệu thô ráp như jean, giấy ăn khô… có thể gây ra những vết xước nhỏ, làm hại đến chất lượng ống kính theo thời gian. Nếu bạn muốn hạn chế trầy xước, hãy sử dụng chất liệu mềm hơn - như vải sợi nhỏ - để làm sạch ống kính máy ảnh trước khi sử dụng.

2. Sắp xếp bố cục ảnh hợp lý bằng tính năng có sẵn trên điện thoại

Ảnh minh họa: photoblog.com
Ảnh minh họa: photoblog.com

Một bức ảnh nghệ thuật thường đòi hỏi sự sáng tạo của người chụp khi sắp xếp các yếu tố trong khung hình. Nếu không hiểu rõ về các quy tắc sắp xếp bố cục ảnh, bạn có thể nhờ sự trợ giúp của các công cụ trong phần cài đặt để tạo khung hình và bố cục ảnh mong muốn.

Trong cài đặt máy ảnh, chọn công cụ “Đường lưới” (Grid Lines) để hiển thị giao diện chia ô khi chụp ảnh. Nhờ đó, bạn có thể phân chia bố cục cho đối tượng cũng như căn chỉnh tỷ lệ cho bức ảnh.

3. Hạn chế sử dụng tính năng zoom kỹ thuật số

Ảnh minh họa: forevervacation.com
Ảnh minh họa: forevervacation.com

Zoom (thu phóng ảnh) là tính năng thường được sử dụng khi muốn thu lại hình ảnh của vật thể ở xa. Tuy nhiên, đối với những dòng máy thông thường chỉ hỗ trợ zoom kỹ thuật số, các nhiếp ảnh gia khuyên bạn không nên dùng.

Zoom kỹ thuật số thực chất là sự cắt xén hình ảnh để vật thể trông lớn hơn. Tuy nhiên, đi kèm với đó là chất lượng độ phân giải bị giảm đáng kể, khiến ảnh bị nhiễu hạt. Thay vào đó, bạn có thể sử dụng ống kính tele trên điện thoại hoặc dùng zoom quang học (nếu có).

Bên cạnh đó, nhiều dòng máy hiện nay đã khắc phục nhược điểm của zoom kỹ thuật số bằng các phương pháp như dùng cảm biến độ phân giải siêu cao, ghép điểm ảnh hoặc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI).

Tuy nhiên, khi sở hữu những dòng máy có chất lượng zoom đủ tốt, bạn vẫn cần lưu ý giữ điện thoại ở trạng thái tĩnh và đủ sáng. Chỉ cần một rung động nhỏ cũng có thể khiến bức ảnh mất nét.

4. Đảm bảo đủ ánh sáng

Ảnh minh họa: TIME
Ảnh minh họa: TIME

Một bức ảnh đủ sáng sẽ cho chất lượng cao và sắc nét hơn so với chế độ chụp thiếu sáng.

Trong bất kỳ trường hợp nào, hãy cố gắng tìm đủ nguồn sáng để cung cấp khi chụp. Bạn có thể sử dụng đèn trong nhà, thậm chí một ánh nến nếu muốn bức ảnh trở nên nghệ thuật hơn. Trong trường hợp không thể tìm nguồn sáng thay thế, bạn có thể dùng đèn LED trên điện thoại để chụp ảnh.

Tuy nhiên, ánh sáng flash của đèn LED trên điện thoại thường không “được lòng” mọi người. Thay vào đó, ánh sáng tự nhiên vẫn được ưa chuộng hơn, cho bạn bức ảnh chân thực và sống động hơn nhiều. Vì vậy, các nhiếp ảnh gia khuyến khích bạn nên tận dụng các nguồn sáng ngoài trời.

5. Lưu ý cài đặt khi lưu trữ đám mây

Ảnh minh họa: iOS Mode
Ảnh minh họa: iOS Mode

Các dịch vụ lưu trữ đám mây - như Google Photos hoặc iCloud - có thể là một cách hữu hiệu để lưu trữ ảnh mà không phải lo lắng về dung lượng bộ nhớ trên thiết bị. Tuy nhiên, hãy kiểm tra cài đặt của tiện ích này trước khi đồng bộ ảnh. Có hai tùy chọn là “sao lưu ảnh độ phân giải cao” và “sao lưu ảnh kích thước nhỏ”.

Nếu muốn tăng dung lượng lưu trữ trên cloud, bạn phải hy sinh chất lượng hình ảnh bằng cách sao lưu ảnh có độ phân giải thấp. Nếu bạn muốn giữ nguyên chất lượng hình ảnh, tùy chọn “sao lưu ảnh độ phân giải cao” sẽ lưu trữ ảnh ở định dạng ban đầu. Tuy nhiên, hình thức này thường làm hết dung lượng nhanh, bạn có thể phải trả phí để mua thêm dung lượng.

(còn tiếp)

Theo Tạp chí TIME