Xuất hiện làn sóng doanh nghiệp khởi nghiệp Việt ‘tháo chạy’ sang Singapore

Đang có những doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực Internet, mở công ty tại Singapore để hưởng những lợi ích khác nhau từ quốc gia này.
Ảnh: Techinasia.
Ảnh: Techinasia.

Temasek – công ty đầu tư thuộc sở hữu chính phủ Singapore – hôm cuối tháng 5 phối hợp với Google tổ chức một sự kiện tại nước này, mời các công ty trong vùng trong đó có Việt Nam. Sự kiện có sự góp mặt của nhiều nhà đầu tư và các công ty khởi nghiệp thành công. CEO một công ty Internet tại Việt Nam có mặt trong sự kiện nói với ICTnews cho biết, ngoài ông thì còn khá nhiều lãnh đạo doanh nghiệp công nghệ Việt khác cũng được mời. Hầu hết các doanh nghiệp này đều có tiềm năng sở hữu hoặc đã sở hữu một công ty tại Singapore. Từ đây, một lượng lớn chất xám Việt và tiền thuế đã chảy vào Singapore thay vì Việt Nam.Singapore hiện là điểm đặt chi nhánh, văn phòng, công ty con của hầu hết công ty công nghệ toàn cầu như Facebook, Google, Apple… để điều phối toàn bộ thị trường Đông Nam Á, thậm chí là khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Quốc gia này, do chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tốt, thị trường minh bạch, không chỉ là bến đỗ của các ông lớn toàn cầu, mà còn là nơi để nhiều công ty khởi nghiệp khai sinh.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam nhanh chóng nhận ra lợi thế của việc đặt trụ sở tại Singapore và làn sóng dịch chuyển sang quốc gia này bắt đầu rộ lên từ hai năm nay. Rất nhiều bài viết về cách lập và duy trì công ty ở Singapore được chia sẻ trên mạng xã hội, đặc biệt trong các hội nhóm khởi nghiệp. Tất cả bài viết đều do những người Việt có kinh nghiệm mở công ty ở Singapore chia sẻ. Với lợi thế kinh doanh không biên giới, các công ty Internet là đối tượng dễ dàng thực hiện việc dịch chuyển sang đảo quốc sư tử nhất.

Ngoài các bài viết trên các nhóm khởi nghiệp, mới đây một sự kiện giới thiệu cách mở công ty tại Singapore cũng được tổ chức tối 8/7 tại TP.HCM. Sự kiện do tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp SHIELD phối hợp với Công ty Alpha Business Solutions (ABS) của Singapore thực hiện. Trong sự kiện, khá nhiều doanh nghiệp Việt quan tâm và có ý định mở công ty tại Singapore.

Ông Dzung Nguyen, Giám đốc quỹ đầu tư CyberAgent Ventures nói việc phát triển ngành dịch vụ và trí tuệ là chính sách quốc gia của Singapore. Trong đó có công nghệ thông tin, y tế, giáo dục, vận tải, tài chính là những minh chứng rõ nhất. Rõ ràng quốc gia này đang là một trung tâm (hub) thu hút nhân tài và công ty công nghệ của toàn khu vực.

Lý giải nguyên nhân các công ty Việt Nam dịch chuyển sang Singapore, giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh nội dung số tại Việt Nam cho biết, ở quốc gia này chính sách kinh doanh cởi mở, quản lý hiện đại, do đó các công ty được cạnh tranh lành mạnh với nhau. Đây là lý do Singapore hút các công ty lớn đổ về.

Ngược lại, chính sách quản lý của Việt Nam chưa theo kịp xu hướng kinh doanh mới trên Internet, thủ tục rườm rà và chính sách thuế chưa hợp lý.

Chẳng hạn các doanh nghiệp kinh doanh trên Internet thường nhận được tiền quảng cáo từ Google, khi đó phải xuất hóa đơn và bị trừ 10% thuế VAT. Sau đó, để tiếp cận đến khách hàng, các doanh nghiệp này phải dùng tiền để mua quảng cáo trên Google, họ phải trả thêm 10% phí nhà thầu, đó là chưa kể thuế thu nhập doanh nghiệp. Nếu doanh thu là 1 triệu USD thì doanh nghiệp mất 200.000 USD, tương đương 20% thuế VAT và nhà thầu.

Trong khi đó, các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ tại Việt Nam lại không phải đóng khoản phí này. Đây là “ưu đãi ngược”, khi các doanh nghiệp Việt đã nhỏ, yếu hơn doanh nghiệp quốc tế lại còn phải chịu ràng buộc bởi thuế, phí.

Hiện nay các công ty Internet như Google, Facebook đang đặt văn phòng tại Singapore và kinh doanh dịch vụ trên toàn khu vực, trong đó có Việt Nam, và hai doanh nghiệp này có thể chiếm 90% thị phần người dùng tại Việt Nam, doanh thu quảng cáo cũng có thể chiếm tỷ lệ đó. Tuy nhiên hiện hai ông lớn này vẫn chưa phải trả các khoản thuế, phí cho Việt Nam, ít nhất là 20% khoản phí kể trên. Việc các doanh nghiệp Việt chuyển sang Singapore và cung cấp dịch vụ ngược lại về Việt Nam cũng là cách “copy” lại mô hình này, giám đốc công ty nội dung số cho biết.

Trong lĩnh vực game, để phát hành một trò chơi tại Việt Nam phải xin giấy phép, duyệt kịch bản, trong khi các game nước ngoài khác kinh doanh tại Việt Nam lại không bị ràng buộc thủ tục này. Họ chỉ cần tải game lên các chợ ứng dụng là có thể phát hành toàn cầu.

Với chính sách ưu đãi doanh nghiệp của Singapore, như thủ tục mở công ty đơn giản, miễn giảm thuế trong các năm đầu tiên, hỗ trợ doanh nghiệp nước ngoài mở công ty ở sở tại, nền tảng chính sách hiện đại và cởi mở, nhiều doanh nghiệp Việt Nam bằng cách này hay cách khác đang thành lập công ty ở Singapore nhưng đội ngũ chủ chốt vẫn ở Việt Nam. Các công ty tại Singapore chỉ được dùng làm đại diện pháp nhân, với văn phòng rất nhỏ và nhân sự rất ít để tiết kiệm chi phí tối đa, mọi công việc khác thực tế đều do nhân sự tại Việt Nam đảm trách.

Xuất hiện làn sóng doanh nghiệp khởi nghiệp Việt ‘tháo chạy’ sang Singapore ảnh 1

Hub SG,một văn phòng làm việc chung tại Singapore - Ảnh: Huffingtonpost

Hiện nay, theo những người từng mở công ty tại đảo quốc sư tử, thủ tục mở công ty tại đây rất dễ dàng. Thậm chí có các công ty môi giới sẵn sàng đứng ra hỗ trợ toàn bộ thủ tục, với văn phòng “ảo” và nhân sự sở tại chỉ đứng tên cho có.

Cần hiểu rằng việc đặt công ty tại Singapore không phải để né thuế, vị giám đốc công ty Internet cho biết, vì làm việc ở quốc gia nào cũng phải chịu chính sách thuế từ quốc gia đó. Tuy nhiên, kinh doanh từ Singapore sẽ được hưởng nền tảng kinh doanh hiện đại, cởi mở, dễ dàng vươn rộng ra các thị trường lớn hơn; khi đó cơ hội mỗi công ty là như nhau. Dĩ nhiên, bên cạnh đó là việc luật pháp nghiêm ngặt, vấn đề sở hữu trí tuệ, chi phí nhân công cao… là những điều cần phải lưu ý khi kinh doanh tại Singapore.

Các doanh nghiệp kinh doanh trên mạng nói luật trong nước hiện vẫn quản lý theo các loại giấy phép, thường không theo kịp đà phát  triển của Internet. Các dịch vụ, sản phẩm mới ra mắt với tốc độ chóng mặt trên môi trường mạng, nếu mỗi dịch vụ phải được chờ cấp phép thì cơ hội kinh doanh qua đi. Còn nếu làm “chui” không giấy phép thì khi phát hiện có thể bị phạt. Đối với việc phạt hành chính thì các công ty vẫn chấp nhận, tuy nhiên khi Điều 292 Bộ luật hình sự đang được cho là hình sự hóa những vi phạm kinh doanh trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông thì càng làm lo lắng thêm cho cộng đồng kinh doanh trên Internet, có thể góp phần làm cho làn sóng “di tản” sang Singapore lan rộng.

Theo ICT News