Xăng, điện đẩy chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 tăng vọt

Với việc giá xăng được điều chỉnh tăng vào ngày 20/5 và thời tiết nắng nóng nên nhu cầu dùng điện tăng, khiến chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 tăng 0,35% so với tháng 5, tăng 1% so với cùng kỳ năm trước.
CPI tháng 6 cả nước ở mức tăng 0,35% so với tháng trước và tăng 1% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh minh họa
CPI tháng 6 cả nước ở mức tăng 0,35% so với tháng trước và tăng 1% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh minh họa

Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 cho thấy sự tăng vọt so với các tháng trước.

Cụ thể, CPI tháng 6 cả nước ở mức tăng 0,35% so với tháng trước và tăng 1% so với cùng kỳ năm trước, tăng 0,55% so với tháng 12 năm trước. Như vậy, CPI 6 tháng đầu năm tăng 0,68% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong 11 nhóm hàng hoá và dịch vụ chính có 8 nhóm tăng gồm đồ uống và thuốc lá tăng 0,24%; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,17%; Nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,3%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,12%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,38%; giao thông tăng 3,54%; Văn hoá, giải trí và du lịch tăng 0,26% và hàng hoá và dịch vụ khác tăng 0,12%.

Bên cạnh những nhóm trên, trong tháng 6, chỉ số giá nhóm giáo dục đã không tăng. Riêng chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,03%; Bưu chính viễn thông giảm 0,03%.

Lý giải CPI tháng 6 năm 2015 tăng mạnh, đại diện Tổng cục Thống kê cho biết, với việc giá xăng được điều chỉnh tăng vào ngày 20/5 và thời tiết nắng nóng nên nhu cầu dùng điện tăng, đã khiến chỉ số giá tiêu dùng tăng.

Theo đó, giá xăng được điều chỉnh tăng vào ngày 20/5 với mức tăng 1.200đ/lít (tăng 6,2%); giá dầu Diezel được điều chỉnh hai đợt ngày 21/5 và ngày 4/6 tăng 640 đ/lít (tăng 3,9%). Theo chu kỳ tính CPI giá xăng dầu tăng góp phần tăng CPI chung của tháng 6 khoảng 0,3%.

Cùng với đó, giá dịch vụ y tế TP.HCM được điều chỉnh tăng từ ngày 1/6/2015 làm cho chỉ số giá dịch vụ y tế cả nước tăng 0,43% so với tháng trước, góp phần làm CPI cả nước tăng khoảng 0,02%. Ngoài ra, thời tiết nắng nóng nên nhu cầu dùng điện tăng lên làm cho chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 1,52%, góp phần làm CPI cả nước tăng khoảng 0,04%.

Tháng 6 là thời điểm học sinh nghỉ hè nên nhu cầu du lịch tăng, chỉ số giá nhóm du lịch trọn gói tăng 1,12% so với tháng trước.

Bên cạnh đó, có các yếu tố khác khiến CPI giảm như giá các mặt hàng lương thực giảm do nguồn cung dồi dào; Giá gas trong nước điều chỉnh giảm vào ngày 1/6/2015 (giảm 14.000 đồng/bình 12 kg) làm cho chỉ số giá gas giảm 2,27% so với tháng 5/2015; Thêm vào đó giá dầu hỏa trong nước được điều chỉnh giảm vào ngày 21/5 và ngày 4/6 (giảm 440đ/lít).

Liên quan đến những đánh giá về diễn biến giá tiêu dùng tháng 6 vừa qua , đại diện Tổng cục thống kê cũng cho biết, mặt hàng lương thực đã có nhiều biến động, khi tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam trong những tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn giảm cả về lượng và giá.

Tính đến hết tháng 5/2015 cả nước đã xuất khẩu được khoảng 2 triệu tấn gạo giảm 11% so với cùng kỳ. Giá xuất khẩu liên tục rớt giá một phần do tác động của việc bán tháo gạo tồn kho của Thái Lan và lượng gạo xuất khẩu cảu Ấn Độ, Pakistan tăng khá cao. Vì vậy, để có hợp đồng xuất khẩu gạo, giá xuất khẩu gạo của Việt Nam phải chào giá thấp hơn các nhà thầu khác đặc biệt là Thái Lan.

Bên cạnh đó, việc xuất khẩu gạo theo đường tiểu ngạch cho Trung Quốc cũng gặp nhiều khó khăn do các thương nhân Trung Quốc lợi dụng tình hình liên tục ép giá, từ đó giá xuất khẩu giảm. Trong nước, vụ hè thu đã đến kỳ thu hoạch với năng suất khá cao ước trên 6,2 tấn/ha, nên lượng gạo trong nước càng dồi dào đã tác động đến giá bán buôn, giá bán lẻ trong nước giảm.

Theo số liệu của Tổng cục thống kê, tại thị trường miền Bắc, giá gạo tẻ thường ở mức 10.000 – 11.200 đồng/kg, tại thị trường miền Nam giá gạo tẻ thường 11.800 – 12.300 đồng/kg, gạo tẻ ngon từ 15.000 – 16.000 đồng/kg, gạo nếp thường là 18.000 – 19.500 đồng/kg.

Mặc dù không năm trong rổ tính chỉ số CPI, nhưng số liệu của Tổng cục thống kê cũng cho thấy, trong tháng 6, chỉ số giá vàng đã giảm 0,08% và chỉ số giá đô la Mỹ tăng 0,62%.

Theo đó, trong tháng 6, giá vàng trong nước biến động theo giá vàng thế giới, những ngày đầu tháng giá vàng giảm nhẹ. Giá vàng giảm chủ yếu do đồng USD tăng giá.

Trong khi đó, đối với thị trường New York, đồng USD đã tăng giá do lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng mạnh. Trong nước do giá vàng giảm, lãi suất ngân hàng cũng giảm nên tâm lý người dân sẽ mua đô la để thay thế vàng làm tỷ giá của đồng USD tăng 0,62% so với tháng trước.

Theo: VnMedia