Vụ việc ở Đồng Tâm: Nhà nước và nhân dân “cùng thắng“

"Giải tỏa những mâu thuẫn, xung đột khi còn chưa đến mức căng thẳng hoặc đối đầu. Một chính quyền làm được như thế, mới chứng tỏ được là có năng lực và sáng suốt". Đó là ý kiến của GS.TSKH Phan Xuân Sơn - Viện Chính trị học (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) sau vụ việc xảy ra tại Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội.
GS.TSKH Phan Xuân Sơn
GS.TSKH Phan Xuân Sơn

"Điểm nóng" không phải tự nhiên mà có

Thưa GS, không chỉ vụ việc ở Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội, thời gian qua nhiều nơi xảy ra điểm nóng, theo ông đâu là nguyên nhân?

- Nguyên nhân các “điểm nóng” nói chung có nhiều loại: Khách quan, chủ quan, bên trong, bên ngoài, sâu xa, trực tiếp… Chúng ta chỉ nói đến nguyên nhân trực tiếp dẫn đến “điểm nóng” ở xã Đồng Tâm, huyện  Mỹ Đức, Hà Nội vừa rồi.

Các “điểm nóng” không phải tự nhiên mà có. “Điểm nóng” nghĩa là xung đột ở giai đoạn cao, trước đó nó đã đi qua giai đoạn ngầm, giai đoạn công khai (bộc lộ ra bên ngoài), giai đoạn căng thẳng, giai đoạn đối đầu, giai đoạn cao hơn nữa là giai đoạn không tương dung. Ở giai đoạn cuối này, người ta đấu tranh với nhau “một mất, một còn”.

Bản chất của mâu thuẫn, xung đột dẫn đến “điểm nóng” xuất hiện ngay ở giai đoạn ngầm. Ở giai đoạn này, sự bất bình, bức xúc diễn ra chậm, có khi kéo dài rất lâu nhưng khó phát hiện, thậm chí phát hiện ra, nhưng người có trách nhiệm cho là không quan trọng, không kịp thời để giải tỏa. Việc không phát hiện ra, hoặc phát hiện ra mà không xử lý, chủ yếu là do năng lực của người quản lý. Nói cách khác do năng lực của chính quyền các cấp mà trực tiếp là cấp cơ sở yếu kém.

Chẳng hạn như vụ việc ở Đồng Tâm, cơ sở pháp lý và thực trạng quản lý đất đai thuộc dự án Quốc phòng (xây dựng sân bay Miếu Môn) đã đặt ra từ lâu. Nhưng chính quyền, nhất là chính quyền ở cơ sở đã không phát hiện ra những mâu thuẫn đó, hoặc biết mà không giải quyết ngay. Thậm chí, nếu có khó khăn, vấn đề vượt quá thẩm quyền giải quyết, thì phải báo cáo lên cấp huyện, cấp thành phố giải quyết…

Cuối cùng, mâu thuẫn, sự bức xúc, bất bình càng ngày càng tích tụ lại, đến lúc có cơ hội (nguyên cớ) là bùng lên thành xung đột công khai, căng thẳng, thành “điểm nóng”. Đó là khi Viettel vào triển khai dự án, buộc người dân phải ra khỏi khu đất, mà trước đó, bằng cách nào đó, người ta đã canh tác, sinh sống.

Thế là người dân có hành vi chống đối, dẫn tới việc cơ quan công an khởi tố vụ án, bắt giữ 4 người dân để điều tra. Từ cái cớ đó, người dân Đồng Tâm phản ứng tập thể, “rào làng”, chống người thi hành công vụ, bắt giam cả cảnh sát cơ động. Sự việc thành “điểm nóng” từ ngày 15 .4 đến 22 .4 mới được giải tỏa.

Có nhiều vụ việc khi xảy ra căng thẳng, chính quyền cơ sở không được người dân tin tưởng đối thoại, họ muốn tìm cấp cao hơn để giải quyết, GS có suy nghĩ gì về vấn đề này?

- Qua nhiều năm nghiên cứu về xử lý các điểm nóng chính trị -xã hội ở nước ta, từ “điểm nóng” Thái Bình (năm 1997), Tây Nguyên (2001, 2004), Tiên Lãng 2012… chúng tôi thấy rằng, hệ thống chính quyền cấp cơ sở là mắt xích yếu nhất của hệ thống chính quyền bốn cấp ở nước ta. Cấp cơ sở là cấp trực tiếp gắn với người dân, người dân có tin tưởng vào Đảng và Nhà nước hay không là thông qua hành vi của chính quyền cơ sở.

Mặc dù quan trọng như vậy nhưng ở cấp cơ sở, trình độ quản lý của đội ngũ cán bộ lãnh đạo rất thấp, không đồng đều giữa các vùng miền. Nhiều cán bộ chưa được đào tạo đủ mức cần thiết, bài bản. Một số địa phương đã cố gắng để chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở nhưng số này còn ít.

Trong khi đó những diễn biến về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước càng ngày càng đa dạng, phức tạp từ vấn đề nông nghiệp - nông dân - nông thôn, đến vấn đề  công nghiệp hóa, đô thị hóa; vấn đề dân tộc, tôn giáo, ô nhiễm môi trường... những vấn đề đó đều động chạm đến cấp cơ sở.

Trong hệ thống thứ bậc bốn cấp chính quyền của nước ta, chính quyền cơ sở được coi là cái “phễu” phải giải quyết tất cả những chỉ thị, mệnh lệnh dồn xuống từ cấp trên. Các chỉ thị mệnh lệnh, nghị quyết… không chỉ nhiều mà còn có những chỉ thị không rõ ràng, chồng chéo, thậm chí mâu thuẫn, xung đột nhau. Việc thực hiện pháp luật lại chưa nghiêm… nhất là những vấn đề liên quan đến đất đai.

Đất đai tuy bất động, không sinh thêm, nhưng những biến động liên quan đến đất đai hiện là nhiều nhất và phức tạp nhất, ở quy mô quốc gia cũng như địa phương và cơ sở. Trong khi pháp luật, chính sách đất đai của chúng ta vẫn còn những bất cập, chưa đáp ứng với yêu cầu của sự phát triển kinh tế - xã hội nhanh chóng của đất nước. Vì vậy, rất dễ hiểu, hiện nay có 70% điểm nóng chính trị-xã hội liên quan đến vấn đề đất đai.

Mặt khác, ở nhiều địa phương, cơ sở, đội ngũ cán bộ bộc lộ sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống; quan liêu, tham nhũng, xa rời quần chúng, trục lợi, lợi dụng những vướng mắc, những kẽ hở trong cơ chế chính sách để vơ vét cho cá nhân…làm cho hình ảnh của người cán bộ, hình ảnh chính quyền xấu đi trong mắt nhân dân, gây mất niềm tin của nhân dân.

Khi người dân đã không còn tin tưởng vào chính quyền, họ cũng làm đủ thứ khiến cho tình hình trầm trọng thêm. Trong nhiều điểm nóng, khi có những căng thẳng, bức xúc, xung đột xảy ra, chính quyền nhiều cơ sở thường ở trong tình trạng bê bối, tê liệt. Khi đó, người dân muốn tìm đến cấp cao hơn để giải quyết. Chính vì thế mà dẫn đến tình trạng khiếu kiện vượt cấp. Hiện tượng này, không chỉ diễn ra ở Đồng Tâm, Mỹ Đức.

Nguyên tắc Nhà nước và nhân dân "cùng thắng"

Vụ việc xảy ra ở Đồng Tâm không phải lần đầu, để tránh xảy ra điểm nóng, điều quan trọng nhất cần rút kinh nghiệm là gì, thưa GS?

- Xung đột xã hội dù muốn hay không, cũng không thể tránh khỏi trong quá trình vận động, phát triển của xã hội. Chúng có cả mặt tích cực và mặt tiêu cực. Để xung đột phát triển lên các giai đoạn càng cao thì tính tiêu cực càng nhiều, càng gây nhiều thiệt hại cho Nhà nước và xã hội. Quản lý, giải tỏa xung đột xã hội chính là để hạn chế mặt tiêu cực của xung đột.

Các mâu thuẫn như kiểu ở Đồng Tâm ban đầu như phần chìm của tảng băng, nó ẩn sâu dưới các hiện tượng khác trong đời sống xã hội. Một chính quyền có năng lực là sớm phát hiện ra những mâu thuẫn nằm trong tảng băng chìm đó. Phải thấy được trong phạm vi trách nhiệm quản lý của mình có những vấn đề gì đang đặt ra, phải phát hiện, dự báo được sự vận động của các mâu thuẫn, các bất đồng về tư tưởng, quan điểm, lợi ích trong các quan hệ xã hội.

Cần có các biện pháp, quản lý, giải tỏa xung đột ngay khi chúng còn ở giai đoạn ngầm, chưa căng thẳng. Cần giải quyết nhanh chóng những vấn đề đặt ra thuộc thẩm quyền của mình, công khai với người dân về lộ trình giải quyết những vấn đề chưa giải quyết ngay được.

Những vấn đề vượt quá thẩm quyền phải kiến nghị cấp trên để giải quyết. Những mâu thuẫn nào thuộc chủ trương, chính sách thì đề nghị các cơ quan Đảng, Chính phủ điều chỉnh, sửa đổi hoặc bãi bỏ…

Trong nguyên tắc xử lý xung đột chúng ta phải thấy, nếu những mâu thuẫn thù địch, như các hoạt động của các thế lực thù địch, có âm mưu xâm lược, chống Nhà nước, bạo loạn, lật đổ… thì chính quyền phải kiên quyết phản công, cứng rắn, sử dụng mọi lực lượng kể cả lực lượng vũ trang để thực hiện kịch bản “ta thắng – địch thua”.

Còn những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, nội bộ quốc gia, như quản lý yếu kém, mâu thuẫn giữa người làm công và chủ doanh nghiệp, tranh chấp giữa các nhóm dân cư, các nhóm xã hội... thì chúng ta phải xử lý theo nguyên tắc Nhà nước và nhân dân "cùng thắng”.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung với người dân xã Đồng Tâm. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung với người dân xã Đồng Tâm. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

 Chính quyền “thắng”, tức là giữ gìn được ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, đổi mới được phương thức quản lý, thay đổi các chủ trương, chính sách đã cũ kỹ, lạc hậu, sàng lọc được đội ngũ cán bộ suy thoái, yếu kém…Nhân dân “thắng” là những yêu sách, những nguyện vọng, lợi ích chính đáng, hợp pháp được thỏa mãn, được giải quyết hoặc sẽ được giải quyết.

 Trong quá trình giải quyết những vụ việc phức tạp như ở Đồng Tâm phải luôn luôn tuân thủ các nguyên tắc sau:

- Phải dựa vào sự lãnh đạo của Đảng, phải tin vào dân, dựa vào dân. Mà dân là ai, chính là những người đang đứng trước mặt chúng ta, thậm chí đang la mắng, chửi bới, có hành vi quá khích, nhưng phải tin vào họ là những người lương thiện, hướng thiện, những người luôn nhận ra lẽ phải để cùng chính quyền giải quyết vấn đề.

- Phải chọn những phương pháp tốt nhất (không sử dụng bạo lực), rồi đến phương pháp ít tốt hơn (thượng sách, trung sách, hạ sách). Trước hết phải đối thoại với dân, có thể có trung gian hòa giải để làm xích lại gần nhau lòng tin, sự khác biệt. Đối thoại chỉ có thể có hiệu quả và thực chất khi đã tìm ra được những nội dung cần thiết, khi các bên đã đạt đến một trạng thái sẵn sàng đối thoại, đủ bình tĩnh để bày tỏ và giải quyết những vấn đề đặt ra. Phải tuân thủ nguyên tắc bình đẳng giữa các bên trong quá trình đối thoại.

Nhịp sống bình yên đã trở lại với người dân thôn Hoành - Ảnh: Zing
Nhịp sống bình yên đã trở lại với người dân thôn Hoành - Ảnh: Zing

 - Phải đảm bảo nguyên tắc hợp pháp, hợp lý, thậm chí cả hợp tình, nhất là đối với những tình huống phải bắt những người vi phạm pháp luật. Coi trọng vận động quần chúng. Lực lượng bạo lực nên tập trung vào giữ gìn an ninh, trật tự.

Là người làm công tác đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý, qua vụ việc ở Đồng Tâm, GS rút ra vấn đề gì ?

- Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, hiện nay, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng đã cố gắng cung cấp những tri thức hệ thống, hiện đại, cập nhật; coi trọng các kỹ năng thực tế. Tri thức và kỹ năng quản lý giải tỏa xung đột xã hội (xử lý tình huống chính trị) ngày càng được chú ý. Tuy nhiên, trong đánh giá cán bộ thì vẫn chưa có sự coi trọng đủ mức tri thức và kỹ năng này.

Tôi cho rằng, trong xây dựng “khung năng lực” của đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý, cần đưa “kỹ năng quản lý xung đột xã hội” thành một trong những nội dung quan trọng bậc nhất. Tiến tới trong đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý, cần coi tiêu chí “năng lực quản lý giải tỏa xung đột xã hội” là một trong những tiêu chí quan trọng bậc nhất cấu thành năng lực lãnh đạo, quản lý của cán bộ, công chức. 

Xin cảm ơn GS (!)

Theo Dân Việt