Vụ Mỹ tấn công tên lửa Syria: Hậu trường Donald Trump

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bật đèn xanh cho việc phóng tên lửa, rồi đi ăn tối với ông Tập Cận Bình. Và vào lúc hai nhà lãnh đạo kết thúc bữa tối, hai chiến hạm Mỹ neo đậu tại phía đông Địa Trung Hải là USS Ross và USS Porter đã bắn đi 59 tên lửa hành trình, nhắm vào căn cứ quân sự Syria.
Chiến hạm Mỹ phóng tên lửa Tomahaw tấn công căn cứ không quân Syria
Chiến hạm Mỹ phóng tên lửa Tomahaw tấn công căn cứ không quân Syria

Reuters hôm 7/4 dẫn lời một số nhân vật chủ chốt trong cuộc tấn công vào Syria mới đây cho biết, để giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao quan trọng đầu tiên trong nhiệm kỳ, tổng thống Mỹ đã dựa vào các chuyên gia quân sự hơn là các chính khách – trước đây vẫn chiếm ngôi vị cao trong những tuần lễ đầu ông Donald Trump mới nhậm chức. Quyết định này cũng cho thấy ông Trump muốn có phản ứng nhanh chóng.

Rất nhanh, chỉ vài giờ sau vụ tấn công bằng vũ khí hóa học làm mấy chục người chết hôm 4/4 tại một ngôi làng ở tỉnh Idlib, miền tây bắc Syria, các cố vấn về tình báo của Donald Trump đã cung cấp cho ông những chứng cứ cho thấy tổng thống Syria Bashar Al Assad đứng sau sự kiện này.

Tổng thống Trump, mà ưu tiên ở Syria là đấu tranh chống tổ chức khủng bố Nhà Nước Hồi Giáo (IS), ngay lập tức ra lệnh lập ra danh sách các biện pháp trừng phạt chế độ Assad. Các quan chức cao cấp đã tham dự các cuộc họp kín kéo dài hai ngày liên tiếp, cho Reuters biết như trên.

Chiều ngày 6/4, ông Trump ra lệnh khai hỏa. Một cơn mưa tên lửa Tomahawk trút xuống căn cứ không quân ở phía bắc Damascus – căn cứ được Lầu Năm Góc nhận định là nơi tồn trữ các vũ khí hóa học, sử dụng trong vụ tấn công Khan Cheikhoune.

Sơ đồ vụ tập kích tên lửa Mỹ tấn công căn cứ quân đội Syria rạng ngày 7/4
Sơ đồ vụ tập kích tên lửa Mỹ tấn công căn cứ quân đội Syria rạng ngày 7/4

Ngoại trưởng Rex Tillerson nói với báo chí: « Đối với tôi, điều này chứng tỏ tổng thống Trump muốn hành động thực sự, khi các chính phủ hoặc những người có quyền quyết định đã đi quá trớn…Đây rõ ràng là lời tuyên bố của tổng thống Trump trước thế giới».

Các quan chức chính quyền Mỹ kể lại họ đã họp với tổng thống. Trong cuộc họp này, họ trình bày các khả năng hành động : trừng phạt, gây áp lực ngoại giao, và một kế hoạch quân sự tấn công Syria đã được thảo ra từ trước khi Donald Trump lên nắm quyền.

Một quan chức cho biết: «Tổng thống đưa ra rất nhiều câu hỏi. Ông nói muốn cân nhắc, nhưng cũng có những điểm được ông gợi lên, để xoáy sâu vào từng giải pháp».

Các cố vấn quân sự nói với ông Trump rằng họ đã biết được căn cứ không quân nào đã được sử dụng để tung ra vụ tấn công hóa học, và nhận dạng được chiếc Su-22 đã tiến hành vụ này. Tổng thống Trump bèn bảo họ tập trung vào kế hoạch quân sự. Một quan chức khác kể lại: «Chỉ cần lấy lại kế hoạch cũ, thay vào mục tiêu và thời điểm thích ứng».

Cũng trong buổi chiều hôm ấy, Donald Trump xuất hiện trong vườn hồng của Nhà Trắng và tuyên bố vụ tấn công «không thể gọi tên» nhắm vào «cả những em bé xinh đẹp», đã làm thay đổi quan điểm của ông về Bashar Al Assad. Được hỏi có chuẩn bị một chính sách mới về Syria hay không, Donald Trump chỉ đáp gọn: «Rồi quý vị sẽ thấy»..

Cuối buổi chiều 6/4, tổng tham mưu trưởng liên quân đã triệu tập một hội nghị ở Lầu Năm Góc để hoàn chỉnh kế hoạch tấn công quân sự, trong lúc tổng thống đến dinh cơ nghỉ mát Mar-a-Lago tại Florida để gặp gỡ đồng nhiệm Trung Quốc Tập Cận Bình. Tại đó, trong một cuộc họp khác, tổng thống Donald Trump đã bật đèn xanh cho việc phóng tên lửa, rồi đi ăn tối với ông Tập.

Và vào lúc hai nhà lãnh đạo kết thúc bữa tối, hai chiến hạm Mỹ neo đậu tại phía đông Địa Trung Hải là USS Ross và USS Porter đã bắn đi 59 tên lửa hành trình, nhắm vào căn cứ quân sự Syria ở vùng duyên hải phía đông. Những người tham dự hội nghị cho biết trong ba ngày họp, những cố vấn quân sự có ảnh hưởng lớn lên tổng thống Trump là cố vấn an ninh quốc gia H.R.McMaster, bộ trưởng quốc Phòng Jim Mattis và tổng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Joseph Dunford.

Trong Nhà Trắng vốn nhiều lần dậy sóng, một cuộc đấu tranh giành ảnh hưởng đã diễn ra giữa tướng H.R.McMaster và ông Stephen Bannon, cố vấn chiến lược của Donald Trump. Ông Bannon đã bị mất ghế trong Hội đồng An ninh Quốc gia hôm 5/4, ngay trong thời điểm đang bận rộn chuẩn bị tấn công quân sự.

Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 6/4 đã báo cho các đồng minh của Mỹ biết rằng sẽ tấn công Syria lập tức, nhưng không cho biết thêm chi tiết. Quyết định này khiến Nga, đồng minh lớn của Bashar Al Assad giận dữ. Khả năng xích lại gần nhau giữa Matxcơva và Washington mà ông Trump gợi ra có vẻ đang lùi xa, nhất là trong cuộc chiến chống IS.

Tuy nhiên theo ngoại trưởng Rex Tillerson, không nên suy diễn là người đứng đầu Nhà Trắng khi quyết định như thế đã từ bỏ chủ trương «Nước Mỹ trước hết». Và đối với một quan chức khác có tham gia vào kế hoạch tấn công Syria, các tên lửa hành trình được trút xuống căn cứ Syria là một cuộc tấn công tập trung vào một mục tiêu chứ không phải là một chiến dịch quân sự trên diện rộng.