VNCB và Ocean Bank: Giá trị vô hình từ con số 0 đồng

Việc đưa ra quyết định mua lại hai ngân hàng VNCB và Ocean Bank với giá 0 đồng khiến không ít người tỏ ý nghi ngại và cho rằng NHNN đã “can thiệp quá sâu” vào hoạt động của các ngân hàng thương mại.
VNCB đang dần trở nên “khỏe khoắn và lành mạnh” hơn. (Ảnh minh họa)
VNCB đang dần trở nên “khỏe khoắn và lành mạnh” hơn. (Ảnh minh họa)

Thế nhưng, thực tế rất nhiều chuyên gia kinh tế ủng hộ quyết định đúng đắn này.

Mua 0 đồng: Ít cổ đông buồn, nhiều người dân vui

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) từng bị dư luận khi đưa ra thông báo tiến hành mua lại lần lượt Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) và Ngân hàng TMCP Đại Dương (Ocean Bank) với giá 0 đồng.

Sau hai thương vụ trên, dù một số ý kiến “trách” NHNN sao “chèn ép” cổ đông khi hóa giá cổ phần ngân hàng “nhà người ta” với giá chỉ 0 đồng, nhưng phần đông các chuyên gia đều tỏ ra ủng hộ quyết định này vì mang tính chất bảo vệ quyền lợi người gửi tiền.

Nhìn lại sự việc, từ cuối năm 2014, VNCB bộc lộ nhiều yếu kém trong khâu quản trị và điều hành ngân hàng. Dẫn chứng cụ thể là cuối tháng 7/2014, cơ quan cảnh sát điều tra đã tiến hành bắt tạm giam và khởi tố dàn lãnh đạo cấp cao tại VNCB, trong đó có nguyên Chủ tịch HĐQT ngân hàng này, VNCB được đưa vào diện kiểm soát đặc biệt. Sang đầu tháng 3/2015, VNCB trở thành ngân hàng đầu tiên “được” NHNN mua lại bắt buộc.

Về Ocean Bank, ngân hàng này cũng “đi vào vết xe đổ” của VNCB khi lãnh đạo vi phạm pháp luật và ngày 25/4 chính thức được “điểm mặt chỉ tên” là ngân hàng tiếp theo được mua lại toàn bộ cổ phần với giá 0 đồng.

Việc đưa ra quyết định mua lại hai ngân hàng trên khiến không ít người tỏ ý nghi ngại và cho rằng NHNN đã “can thiệp quá sâu” vào hoạt động của các ngân hàng thương mại. Mua lại cổ phần với giá 0 đồng đã khiến nhiều cổ đông lớn lao đao vì bỗng nhiên mất sạch vốn và có khả năng nhiều lãnh đạo tại các doanh nghiệp có góp vốn không tránh khỏi bị truy cứu trách nhiệm khi mang tiền đi đầu tư mà không thu hồi lại được.

VNCB và Ocean Bank đang khỏe khoắn trở lại

Trong khi các cổ đông lo ngại, phần đông các chuyên gia kinh tế, các lãnh đạo doanh nghiệp và người dân đều tỏ ra phấn khởi đối với việc mua lại của NHNN. Nhìn vào thực tế hiện nay, sau khi được mua lại và chuyển đổi thành ngân hàng do NHNN nắm giữ 100% vốn, hình ảnh VNCB và Ocean Bank đang dần trở nên khỏe khoắn và “lành mạnh” hơn. Dạo một vòng TP.HCM, những phòng giao dịch hai ngân hàng này đều tấp nập người vào gửi tiền, giao dịch thay vì hình ảnh “người người, nhà nhà đổ xô đi rút tiền” như thời điểm trước đó.

Chị Bạch Hằng, một người gửi tiết kiệm tại Ocean Bank, cho biết: “Kinh doanh nhỏ lẻ, tôi gửi tiết kiệm tại Ocean Bank gần 1 tỷ đồng, sau khi nghe tin lãnh đạo ngân hàng này bị bắt và ngân hàng nằm trong diện kiểm soát đặc biệt tôi lập tức đến xin được rút tiền.

Tuy nhiên, nhân viên báo là NHNN đang kiểm soát Ocean Bank, mọi quyết định đều chờ ý kiến NHNN và tôi chưa thể rút tiền được. Tôi lo lắng lắm, nhưng khi nghe tin ngân hàng được mua lại và tiền gửi của người dân vẫn được đảm bảo, tôi mừng lắm, cảm ơn NHNN rất nhiều”.

Ông Phạm Ngọc Tuấn, Chủ tịch HĐQT CTCP Vật liệu điện Sam Cường, chia sẻ: “Trong năm 2014, tôi thấy NHNN đã làm rất tốt nhiệm vụ của mình, việc mua lại những ngân hàng yếu thay vì cho phá sản là một quyết định táo bạo và đặt lợi ích người dân lên hàng đầu. Nếu cho phép ngân hàng phá sản thì người gửi tiền sẽ mất hết vốn nhưng NHNN mua lại và đảm bảo quyền lợi cho người dân là một việc làm mà không phải nước nào cũng có thể làm được”.

Một chuyên gia kinh tế chia sẻ: “Việc NHNN mua lại hai ngân hàng VNCB và Ocean Bank thể hiện trách nhiệm của NHNN đối với những ngân hàng kinh doanh không hiệu quả và buộc phải tái cơ cấu. Trong hoàn cảnh này, đây thực sự là một quyết định sáng suốt của NHNN nhằm đảm bảo an ninh hệ thống tiền tệ cũng như đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người gửi tiền”.

Việc mua lại 2 ngân hàng VNCB và Ocean Bank là một quyết định sáng suốt của NHNN nhằm đảm bảo an ninh hệ thống tiền tệ cũng như đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người gửi tiền.

Theo Người tiêu dùng