Vinamilk sẽ thế nào sau cuộc chuyển giao quyền lực?

Cuối tuần qua, giới đầu tư xôn xao với thông tin bà Mai Kiều Liên – người gắn bó và góp phần quan trọng trong việc tạo dựng sự phát triển của Vinamilk – đã rời khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT Vinamilk.
Vinamilk sẽ thế nào sau cuộc chuyển giao quyền lực?

Quyết định này sẽ ảnh hưởng thế nào đến "ông lớn" ngành sữa VNM trong tương lai?

Chân dung vị “nữ tướng” thay thế bà Mai Kiều Liên

Theo thông tin từ CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk - mã VNM), ngày 24/7, HĐQT VNM đã tiến hành họp và tách chức danh chức danh Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc công ty.

Theo đó, bà Lê Thị Băng Tâm, thành viên HĐQT độc lập của Vinamilk, đã được bầu và đảm nhiệm vị trí này từ ngày 25/7/2015. Điều này đồng nghĩa với việc bà Mai Kiều Liên rời ghế Chủ tịch và vẫn giữ vị trí Tổng giám đốc VNM.

Việc bà Mai Kiều Liên rời ghế Chủ tịch HĐQT không phải là điều quá bất ngờ bởi việc tách chức danh Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc vốn được thực hiện theo nội dung Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2015.

Bà Mai Kiều Liên làm việc tại VNM từ năm 1976, đến năm 1992 bà được đề cử vào vị trí Tổng giám đốc công ty. Đến năm 2003, bà được bầu vào vị trí HĐQT. Dưới sự lèo lái của nữ doanh nhân này, Vinamilk đã trở thành một công ty sữa hàng đầu khu vực, chiếm thị phần lớn nhất trong thị trường sữa Việt Nam.

Chính bởi sự phát triển của VNM gắn liền với tên tuổi của bà Mai Kiều Liên nên sau quyết định trên, mọi sự chú ý đổ dồn về bà Lê Thị Băng Tâm – vị “nữ tướng” mới của VNM.

Bà Lê Thị Băng Tâm sinh năm 1947, tại Tuy Hòa, Phú Yên. Bà giữ vị trí Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HD Bank) từ 12/6/2010, trở thành Thành viên HĐQT độc lập của Vinamilk từ 26/4/2013. Sau quyết định ngày 24/7, Chủ tịch HDBank sẽ nhận thêm vai trò Chủ tịch HĐQT của Vinamilk.

Không những thế, bà Tâm còn từng là Thứ trưởng, Ủy viên Ban cán sự – Bộ Tài chính trong khoảng thời gian từ 1995-2005, sau đó là Chủ tịch HĐQT của SCIC (2006-2008).

Cán cân quyền lực hiện tại ở Vinamilk

Điều dẫn tới quyền lực của ghế Chủ tịch tại Vinamilk là cơ cấu HĐQT của doanh nghiệp này.

HĐQT hiện tại của VNM chỉ có đúng 06 thành viên, một số chẵn sau khi vị trí thành viên HĐQT độc lập của ông Hà Văn Thắm đã bị miễn nhiệm.

Trong số 6 thành viên của VNM hiện tại, ngoài bà Lê Thị Băng Tâm là thành viên HĐQT độc lập thì có 2 người là đại diện cho cổ đông ngoại (ông Lê Minh Anh và ông Ng Jui Sia), 3 người còn lại đều là đại diện của SCIC.

Trong trường hợp số thành viên HĐQT là số chẵn và nếu sự đồng thuận của HĐQT là 3:3 thì mọi quyết định sẽ phụ thuộc vào Chủ tịch. Bởi vây vị trí Chủ tịch HĐQT tại Vinamilk có một vai trò quyết định.

Liệu có tạo nên sự biến động lớn?

Trao đổi với BizLIVE, ông Vicente Nguyen - Tổng giám đốc CTCK HVS Vietnam cho biết việc bà Mai Kiều Liên không còn giữ chức Chủ tịch HĐQT chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư.

Với một công ty được quản trị tốt như VNM thì dù có thiếu vắng đi một người như bà Liên ở vị trí Chủ tịch thì doanh nghiệp vẫn hoạt động ổn định, nhưng điều đáng lo lắng là có thể bà Mai Kiều Liên cũng sẽ khó giữ ghế CEO kể từ 2016, có thể là sớm hơn.

“Trong trường hợp này, tình hình kinh doanh của VNM chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nhiều trong ngắn hạn, nhưng dài hạn (trên 5 năm) VNM vẫn sẽ hoạt động tốt”, ông Vicente khẳng định.

Kết quả kinh doanh của Vinamilk từ 2009 - 2014

Trong khi đó, bà Lê Thị Băng Tâm là người có kinh nghiệm dày dạn trong lĩnh vực tài chính và quản trị. Bà là người có mối quan hệ tốt, và giữ vai trò cố vấn cao cấp của nhiều tập đoàn kinh tế lớn, như HD Bank. Với kinh nghiệm của bà Tâm, thì việc giữ vai trò Chủ tịch HĐQT của VNM cũng là một điều tốt cho cổ đông VNM. Với kinh nghiệm và năng lực của mình, bà Băng Tâm có thể sẽ không gặp nhiều khó khăn khi đóng vai trò lãnh đạo tại Vinamilk.

Ông Vicente Nguyen cũng nhận định rằng việc bà Mai Kiều Liên rời khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT không liên quan gì đến vấn đề tuổi tác. “Theo nghị quyết Đại hội đồng cổ đông 2015 của VNM, thì cổ đông đã đồng ý việc tách bạch vị trí Tổng giám đốc và Chủ tịch nhằm phù hợp với xu hướng quản trị hiện đại. Còn việc chọn bà Tâm, dù là 68 tuổi thì tôi cho rằng là ý kiến chung của các Thành viên HĐQT. Họ cho rằng bà Tâm là phù hợp nhất vì không đại diện vốn cho bất kỳ phía nào, trong khi có 03 người là đại diện vốn của SCIC, và 02 là đại diện vốn cho phía nước ngoài. Nên vị trí này, bà Tâm giữ là phù hợp nhất”.

“Tuy nhiên, theo đánh giá khách quan của chúng tôi, tuy bà Tâm là Thành viên HĐQT độc lập nhưng bà đã từng là Chủ tịch HĐQT của SCIC và là Thứ Trưởng Bộ Tài chính, nên mối quan hệ của bà là rất mật thiết với SCIC và cả phía Nhà nước. Do đó, chúng tôi phỏng đoán rằng, nhiều khả năng là bà Tâm sẽ có cùng ý kiến với phía đại diện vốn của SCIC trong các quyết định”, vị CEO này cho biết.

Theo Bizlive