Vinalines muốn bán “di sản của Dương Chí Dũng” với giá 81,7 tỷ đồng

VietTimes -- Theo đó, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) muốn chuyển nhượng số cổ phần có giá trị 262,5 tỷ đồng, tương đương 88,65% vốn điều lệ (thực góp) tại Công ty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines (VNLSY) với giá khởi điểm gần 81,7 tỉ đồng.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã thông báo bán đấu giá phần vốn góp của VInalines tại VNLSY. Thời gian và địa điểm đăng ký và nộp tiền đặt cọc từ 08h30 ngày 27/03/2017 đến 15h30 ngày 17/04/2017. Thời gian đấu giá là 08h30 ngày 24/04/2017 tại HNX.

VNLSY được thành lập năm 2008 với mục tiêu huy động vốn, đầu tư xây dựng nhà máy sửa chữa tàu biển của Vinalines trên diện tích 95,3 ha tại xã Mỹ Xuân, huyện Xuân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Nhà máy có tổng mức đầu tư lên tới 6.490 tỷ đồng này, nếu hoàn thành, có thể bao trọn gói công tác sửa chữa đội tàu của Tổng công ty mẹ (23 - 25 tàu trọng tải đến 40.000 DWT/năm trong giai đoạn 2008 - 2015), trước khi trở thành cơ sở sửa chữa tàu biển hàng đầu khu vực với 110 - 120 tàu biển có tải trọng đến 100.000 DWT vào năm 2020.

Theo đăng ký kinh doanh được cấp năm 2008, VNLSY có vốn điều lệ đăng ký là 800 tỷ đồng, trong đó tỷ lệ vốn góp của Vinalines theo cam kết là 85%, tương đương 680 tỷ đồng. Tuy nhiên, cuối tháng 6/2016, vốn thực góp của các cổ đông mới dừng ở con số 296,5 tỷ đồng. Trong đó, Vinalines sở hữu 88,65% vốn và Công ty cổ phần Phát triển hàng hải (Vimadeco) sở hữu 11,35%.

Kể từ khi thành lập, VNLSY hầu như không hoạt động sản xuất kinh doanh, dự án đầu tư chưa được triển khai, nên hoạt động của VNLSY chủ yếu là quản lý, bảo vệ ụ nổi 83M tai tiếng neo đậu tại cảng Gò Dầu - Đồng Nai.

Vào tháng 2/2016, Vinalines có văn bản đề xuất gửi Bộ Giao thông Vận tải về việc xin nhượng bán nguyên trạng ụ nổi 83M của VNLSY với mức giá 34,8 tỷ đồng.

Đến tháng 4/2016, VNLSY đã bán đấu giá thành công ụ nổi 83M với giá trị 38.5 tỷ đồng (trong khi giá trị sổ sách lên tới gần 300 tỷ đồng). Đồng thời, do ụ nổi đã bàn giao cho người mua trong tháng 5/2016, nên đến ngày 30/6/2016, VNLSY đã thanh lý hợp đồng với toàn bộ công nhân trông coi. Hiện số lao động của VNLSY chỉ vỏn vẹn 2 người, gồm Tổng Giám đốc và Kế toán trưởng – những nhân sự tối thiểu đảm bảo duy trì hoạt động của VNLSY trong khi chờ định hướng chỉ đạo của cấp trên.

Ngoài VNLSY với ụ nổi tai tiếng 83M đã đưa cựu Tổng giám đốc Dương Chí Dũng đến án tử hình, cùng trong năm 2008, Vinalines còn được phép triển khai một dự án sửa chữa tàu biển khác.

Đó là Nhà máy sửa chữa tàu biển  Nosco - Vinalines trị giá 5.000 tỷ đồng của Công ty cổ phần Sửa chữa Tàu Biển Nosco - Vinalines. Công ty này được thành lập với vốn góp của Vinalines và Công ty vận tải Biển Bắc (Nosco) - khi ấy đang do ông Nguyễn Cảnh Việt làm Tổng giám đốc.

Sau này, ông Việt cũng trở thành Tổng giám đốc của Vinalines.

Tuy nhiên, dù các đời lãnh đạo Vinalines đều khao khát đầu tư để nắm trọn mảng sửa chữa cho tàu biển của Tổng công ty, nhưng giữa mong muốn với thực hiện, lại là cả quãng dài thử thách.

Cho đến năm 2015, khi ông Nguyễn Cảnh Việt đã chuyển công tác về Ban chỉ đạo Tây Bắc, thì cả hai dự án sửa chữa tàu biển của Vinalines vẫn chưa thể hoạt động.

Nhưng trong khi khi Dương Chí Dũng đã bị tuyên án tử hình và dự án của VNSY chính thức đem rao bán lỗ, thì dự án Nhà máy sửa chữa tàu biển  Nosco - Vinalines tiếp tục được đầu tư, để chính thức đi vào hoạt động đầu năm 2016.

Nhà máy này đã đi vào hoạt động trong giai đoạn ông Nguyễn Cảnh Tĩnh – em trai ông Việt – nắm quyền Tổng giám đốc Vinalines.

Như vậy, phải chờ đợi đến 3 đời Tổng giám đốc, Vinalines mới hoàn thành được khát vọng: có một nhà máy sửa chữa tàu biển.

Xe đưa tàu hút bùn của dự án Lạch Huyện vào bãi sửa chữa của Nhà máy sửa chữa tàu biển Nosco - Vinalines. Ảnh Bùi PhúXe đưa tàu hút bùn của dự án Lạch Huyện vào bãi sửa chữa của Nhà máy sửa chữa tàu biển Nosco - Vinalines, tháng 12/2016. Ảnh Bùi Phú