Vietjet Air: Công ty mẹ báo lãi 667 tỷ đồng trong nửa đầu 2017

VietTimes -- Công ty Cổ phần Hàng không VietJet (Vietjet Air, Mã chứng khoán: VJC) vừa công bố Báo cáo tài chính riêng Quý 2/2017. Báo cáo trước kiểm toán, được CEO của hãng – bà Nguyễn Thị Phương Thảo – ký phát hành vào ngày 26/07/2017.
Vietjet Air: Công ty mẹ báo lãi 667 tỷ đồng trong nửa đầu 2017. (Ảnh: Internet)
Vietjet Air: Công ty mẹ báo lãi 667 tỷ đồng trong nửa đầu 2017. (Ảnh: Internet)

Theo báo cáo, tính đến 30/06/2017, tổng tài sản của VJC đạt 23.185 tỷ đồng, tăng mạnh 25,2% so với đầu năm.

Trong đó, vốn chủ sở hữu là 5.490 tỷ đồng (+78,7%), nợ phải trả là 17.695 tỷ đồng (+14,6%). Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu tương ứng đạt 3,2 lần.

Nửa đầu năm 2016, VJC đã tăng vốn điều lệ từ mức 3.000 tỷ đồng lên 3.224 tỷ đồng, thông qua việc phát hành riêng lẻ 22,4 triệu cổ phiếu cho Công ty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny – một doanh nghiệp thuộc sở hữu của bà Nguyễn Thị Phương Thảo.

Với giá chào bán 84.600 tỷ đồng/cổ phiếu, VJC đã thu về 1.894 tỷ đồng, qua đó, giúp hãng có khoản thặng dư vốn cổ phần lên tới 1.536 tỷ đồng vào ngày 30/6/2017 như trên Bảng cân đối kế toán vừa phát hành.

Tại thời điểm giữa năm, VJC đang đặt cọc mua máy bay 6.344 tỷ đồng (ngắn hạn) và 1.823 tỷ đồng (dài hạn), đặt cọc thuê máy bay 706 tỷ đồng (dài hạn). Bên cạnh đó, hãng cũng đóng góp 2.008 tỷ đồng và quỹ bảo dưỡng máy bay (ngắn hạn); 1.871 tỷ đồng vào quỹ bảo dưỡng cho máy bay thuê (dài hạn).

VJC hiện đang đầu tư tài chính dài hạn 77 tỷ đồng để nắm giữ cổ phần tại 5 công ty con , 2 công ty liên kết vào 1 đơn vị khác. Tuy nhiên, thực chất hãng mới chỉ bỏ vốn vào 3 công ty là: CTCP Vietjet Air Cargo (9 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ sở hữu 90%); CTCP Nhà ga Quốc tế Cam Ranh (60 tỷ đồng, 10%); CTCP phục vụ mặt đất Sài Gòn (8 tỷ đồng, 4%).

Tại các đơn vị còn lại như Vietjet Air IVB No. I Limited; Vietjet Air IVB No. II Limited; Vietjet Air Singapore Pte. Ltd. ; Vietjet Air Ireland No. 1 Limited – 4 pháp nhân do VJC thành lập tại các lãnh thổ ưu đãi thuế và đăng ký sở hữu 100% từ năm 2014, để kinh doanh máy bay – thì đến thời điểm này, theo báo cáo, hãng vẫn chưa thực góp một đồng vốn nào. Hay như Thai Vietjet Air Joint Stock Company Limited – pháp nhận được thành lập vào tháng 6/2013 tại Thái Lan, VJC đăng ký sở hữu 9% vốn nhưng thực tế cũng chưa góp vốn.

Nâng đội tàu, tăng đường bay, báo lãi 667 tỷ đồng

Về kết quả hoạt động kinh doanh, kết thúc nửa đầu năm 2017, công ty mẹ Vietjet Air báo lãi trước thuế 667 tỷ đồng – tăng mạnh 90,6% so với cùng kỳ 2017 (350 tỷ đồng).

Lý giải về sự tăng trưởng trên, Giám đốc điều hành Vietjet Air, ông Lưu Đức Khánh cho biết hai lý do. Một liên quan đến đội tàu, công ty đã tăng đội tàu từ 38 máy bay tại 30/6/2016 lên 45 tàu tại thời điểm 30/6/2017. Hai liên quan đến đường bay, công ty mở rộng thêm 20 đường bay bao gồm quốc tế và quốc nội nâng tổng số đường bay lên 73 đường bay tại 30/6/2017; Đồng thời công ty cũng đã tăng tần suất chuyến bay giúp tổng số chuyến thực hiện tại thời điểm 30/6/2017 tăng 16% so với 30/6/2016.

Không lạ khi doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của VJC đã đạt 5.648 tỷ đồng, tăng mạnh 47% so với cùng kỳ 2016. Qua đó, đẩy lợi nhuận gộp lên 932 tỷ đồng, tăng 81,7%; Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 661 tỷ đồng, tăng 91%.

Có một chi tiết trong cơ cấu doanh thu của Vietjet Air trong nửa đầu năm 2016, đó là không thấy báo cáo đề cập đến hạng mục doanh thu chuyển giao sở hữu tàu bay, hay dễ hiểu hơn là doanh thu từ hoạt động bán và thuê lại tàu bay (sales and lease back) – một phương án tài chính đã được Vietjet Air sử dụng rất thành công, vốn từng khiến thị trường xôn xao trước ngày VJC trình sàn HoSE.

Tuy nhiên, theo quan sát các báo cáo tài chính mà Vietjet Air đã công bố trước đó, thì nghiệp vụ sales and lease back vốn chỉ được hãng hạch toán và phản ánh trong báo cáo tài chính hợp nhất, chứ không có trong báo cáo riêng công ty mẹ.

Điều này có thể được lý giải rằng, các giao dịch sales and lease back của Vietjet Air vốn được thực hiện bởi các công ty ty con, chứ không phải do công ty mẹ trực tiếp tiến hành.

Như đã đề cập, năm 2014, VJC đã thành lập 4 công ty con ở nước ngoài, do hãng sở hữu 100%, với hoạt động chính là kinh doanh máy bay, gồm: Vietjet Air IVB No. I Limited; Vietjet Air IVB No. II Limited; Vietjet Air Singapore Pte. Ltd. ; Vietjet Air Ireland No. 1 Limited.

Hiện, Vietjet Air mới chỉ công bố báo cáo tài chính riêng quý II/2016, mà chưa công bố báo cáo tài chính hợp nhất.

Cho thôi nhiệm Giám đốc tài chính người Malaysia, người cũ của Air Asia X

Ngày 30/06/2017, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietjet Air đã ban hành Quyết định số 25-17/VJC-HĐQT-QĐ, quyết định thôi phân công nhiệm vụ Giám đốc Tài chính đối với bà Noraesyah Yvone Binti Abdullah kể từ ngày 01/07/2017.

Ông Trần Hoài Nam, Phó Tổng Giám đốc được phân công thay thế, phụ trách công tác Tài chính kế toán kể từ ngày 01/07/2017.

Thực tế, bà Yvonne Abdullah mới chỉ được VJC bổ nhiệm giữ chức Giám đốc tài chính từ tháng 12/2016. Như vậy, bà đã rời cương vị chỉ sau nửa năm gắn bó.

Bà Yvonne Abdullah sinh năm 1971, quốc tịch Malaysia, tốt nghiệp cử nhân TCKT từ đại học FTMS và đạt được nhiều bằng cấp liên quan đến tài chính kế toán từ các tổ chức quốc tế như Hiệp hội Kế toán công chứng Anh quốc (ACCA) và Viện Kế Toán Malaysia (CPA).

Theo như giới thiệu trước đây của Vietjet Air, bà có hơn 22 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Quản Lý Tài Chính Kế Toán (TCKT) cho các tập đoàn quốc tế tại Thái Lan và Malaysia thuộc khối ngành Hàng không, Bưu Chính Viễn Thông và Dịch vụ khách hàng.

Trước khi gia nhập vào VJC, bà từng đảm nhiệm vị trí Giám Đốc Tài Chính tại JetAsia Airways and Air Asia X, phụ trách quản lý tình hình tài chính, ngân quỹ, đầu tư, phát triển và giảm thiểu rủi ro liên quan đến vấn đề giá xăng dầu, đồng ngoại tệ, lãi suất vay của công ty.

Người thay thế bà Yvonne Abdullah, ông Trần Hoài Nam (sinh năm 1965) được bổ nhiệm làm Phó TGĐ của VJC năm 2015 phụ trách quản lý tài chính tàu bay và các khía cạnh tài chính khác của Công ty. Ông được bổ nhiệm làm Phó TGĐ phụ trách Tài chính vào 11/2016.

Theo như giới thiệu của Vietjet Air, ông Nam có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng và tài chính, đặc biệt là khối doanh nghiệp ngân hàng và các tổ chức tài chính. Ông Nam là Phó TGĐ HDBank, chịu trách nhiệm quản lý và phát triển và quản lý khách hàng doanh nghiệp lớn cũng như phát triển quan hệ đối tác kinh doanh giữa Ngân hàng HD và tổ chức tài chính trong và ngoài nước. Ông từng giữ những vị trí quản lý cấp cao tại Ngân hàng Citibank và Ngân hàng Quốc tế Việt Nam. Ông tốt nghiệp Cử nhân tại Đại học Bách Khoa Hà Nội và Thạc Sỹ từ Viện Công nghệ Châu Á (Thái Lan)./.