VietBank: Về ngân hàng “kín tiếng” bậc nhất hệ thống

VietTimes – VietBank mới chỉ chính thức được công nhận là công ty đại chúng từ ngày 17/4/2017, theo Công văn số 2028/UBCK-GSĐC của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Từ đây, công chúng mới có điều kiện tiếp cận các thông tin tài chính liên quan tới ngân hàng này.
VietBank: Về ngân hàng “kín tiếng” bậc nhất hệ thống. (Ảnh: Internet)
VietBank: Về ngân hàng “kín tiếng” bậc nhất hệ thống. (Ảnh: Internet)

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín – VietBank (OTC: VBB) dự kiến tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2017 vào cuối tháng 10 vừa rồi, để bầu bổ sung Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2016 – 2020.

Tuy nhiên, theo thông báo mới nhất, ngân hàng này đã dời ngày tổ chức đại hội.

“Thời gian cụ thể, thống nhất giao Chủ tịch HĐQT quyết định phục thuộc vào thời gian Ngân hàng Nhà nước chấp thuận hồ sơ ứng viên bầu bổ sung thành viên HĐQT và tuân thủ về thời gian công bố thông tin theo quy định của pháp luật về chứng khoán”, HĐQT VietBank quyết nghị.

Trước đó, theo kết quả lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản, một nhóm 06 cổ đông (bao gồm cá nhân và tổ chức), tương ứng với 67,235 triệu cổ phần và chiếm 20,693% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết đã giới thiệu ông Nguyễn Thanh Nhung (SN: 1968) – Trợ lý Chủ tịch HĐQT - làm ứng viên dự kiến bầu bổ sung Thành viên HĐQT VietBank nhiệm kỳ 2016 – 2020.

Trước đề cử này, Hội đồng quản trị Vietbank đã nhóm họp và nhận xét: Qua thẩm định hồ sơ theo quy định của pháp luật hiện hành và Điều lệ VietBank, HĐQT nhận thấy nhân sự được cổ đông đề cử nêu trên đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của pháp luật và Điều lệ VietBank. HĐQT VietBank sẽ trình xin ý kiến Ngân hàng Nhà nước thông qua danh sách nhân sự dự kiến bầu bổ song Thành viên HĐQT trước khi tiền hành bầu bổ sung tại Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2017 theo quy định.

HĐQT VietBank đã thống nhất thông qua danh sách dự kiến nhân sự bầu bổ sung Thành viên HĐQT VietBank nhiệm kỳ 2016 – 2020 gồm duy nhất ông Nguyễn Thanh Nhung.

Không chỉ vậy, từ ngày 16/10/2017, HĐQT VietBank còn nhất trí bổ nhiệm ông Nhung đảm nhiệm chức vụ Quyền Tổng Giám đốc Ngân hàng, thay thế cho ông Nguyễn Đăng Thanh. Thực tế, cách đây một năm, vào ngày 01/10/2016, chính ông Nhung đã từ nhiệm khỏi vị trí Tổng Giám đốc VietBank sau 2 năm gắn bó, để nhường lại chức vụ cho ông Nguyễn Đăng Thanh.

Vietbank đã phát triển thế nào?

VietBank hiện là một trong những ngân hàng nhỏ trong hệ thống, với quy mô vốn điều lệ (3.249 tỷ đồng) chỉ vừa đủ để đáp ứng mức vốn pháp định (3.000 tỷ đồng). Tính đến giữa năm 2017, mạng lưới của VietBank mới có 96 điểm CN và PGD tại 11 tỉnh thành. Về sản phẩm cung cấp của VietBank, chủ yếu vẫn là huy động và cho vay. Dịch vụ để thu phí còn rất khiêm tốn. Tuy vậy, theo đánh giá của lãnh đạo VietBank, xuất phát điểm thấp cũng là một lợi thế: “Xuất phát điểm còn thấp (về quy mô, mạng lưới, nhân sự…) nên trong trường hợp VietBank có được nguồn lực đầu tư phù hợp để tái cơ cấu và xây dựng lại ngân hàng theo định hướng chiến lược phát triển mới, sẽ giúp VietBank có cơ hội bứt phá trong thời gian tới.

Trao đổi với VietTimes, một lãnh đạo Vietbank cho biết, ngân hàng đang đầu tư hệ thống ngân hàng lõi core banking có thể nói là "khủng nhất" của các ngân hàng, xây dựng trung tâm dữ liệu nhằm nâng cao chất lượng hệ thống công nghệ thông tin; tuyển dụng và thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nhân sự; đầu tư xây dựng hệ thống các điểm giao dịch khang trang, hiện đại để phục vụ khách hàng ngày một tốt hơn.
Bên cạnh đó, mới đây Vietbank vừa được Ngân hàng nhà nước chấp thuận bổ sung nhiều nội dung hoạt động như: “Ủy thác, nhận ủy thác, đại lý trong lĩnh vực liên quan đến hoạt động ngân hàng, kinh doanh bảo hiểm, Dịch vụ môi giới tiền tệ; Tư vấn tài chính doanh nghiệp, tư vấn mua, bán, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp và tư vấn đầu tư; Cho vay, gửi, nhận gửi vốn của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức tài chính trong nước và nước ngoài. Đặc biệt, VietBank được Ngân hàng nhà nước chấp thuận  thành lập thêm 02 chi nhánh và chuyển đổi 11 Quỹ tiết kiệm thành PGD Kết quả kinh doanh của VietBank ra sao?

Theo báo cáo mới nhất của VietBank công bố, tính đến ngày 31/12/2016, VietBank có tổng tài sản hợp nhất là là 36.698 tỷ đồng, tổng huy động vốn là 30.182 tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt 26.313 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 69,6 tỷ đồng.

Dù chỉ đạt đạt 25,8% kế hoạch lợi nhuận năm đã đề ra, song cần thiết phải nói rằng, đó là một kết quả tích cực, đánh dấu việc có lợi nhuận trở lại của ngân hàng. Nhiều năm trước đó, VietBank đã liên tiếp thua lỗ.

Về chất lượng tín dụng, tính đến cuối năm 2016, tỷ lệ nợ xấu ở VietBank là 1,7% - khá đẹp so với quy yêu cầu dưới 3% của NHNN.

Có thể thấy, vượt qua những khó khăn chung của nền kinh tế trong những năm vừa qua, Vietbank vẫn đạt lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh và quản lý tốt rủi ro tín dụng.

Đại diện Vietbank cho biết, Vietbank đang trong giai đoạn đầu tư mọi mặt từ nền tảng công nghệ, con người, sản phẩm chất lượng dịch vụ, việc đi sau trong việc tái cơ cấu có thể sẽ giúp VietBank hạn chế những sai lầm của các TCTD khác đã gặp phải trong quá trình triển khai. Đồng thời, việc lựa chọn con đường phát triển đúng sẽ giúp VietBank đi nhanh hơn với chi phí triển khai có thể thấp hơn.”