Trộm dưới 2 triệu có thể ngồi tù, tham ô nộp tiền được “thoát” án tử

Trộm dưới 2 triệu cũng có thể bị xử lý hình sự; tội Tham ô tài sản có thể không bị thi hành án tử hình nếu sau khi bị kết án đã chủ động khắc phục cơ bản hậu quả do mình gây ra.
ĐB Nguyễn Bá Thuyền phát biểu - Ảnh chụp qua màn hình
ĐB Nguyễn Bá Thuyền phát biểu - Ảnh chụp qua màn hình

Trên đây là một trong những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tranh luận tại phiên thảo luận về Bộ Luật Hình sự (sửa đổi) ngày 30-10. ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) bình luận: “Chúng ta đã phi hình sự hoá một số loại tội và hình sự hoá một số tội cần thiết”.

Khắc phục hậu quả tội tham ô thì không bị tuyên án tử hình

Về quy định không thi hành án tử hình trong một số trường hợp, theo báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), nhiều ý kiến tán thành phương án quy định không thi hành án tử hình đối với người bị kết án tử hình về các tội: sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; tham ô tài sản; nhận hối lộ, nhưng sau khi bị kết án đã chủ động khắc phục cơ bản hậu quả do tội phạm gây ra, hợp tác tích cực với các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

Qua lấy ý kiến, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nhận thấy, đối với người phạm các tội mang tính vụ lợi thì yếu tố khắc phục hậu quả, thu hồi lại được tài sản chiếm đoạt cần được xem là một tình tiết đặc biệt khi thi hành án.

Tuy nhiên, để bảo đảm sự công bằng, người phạm tội phải hội đủ nhiều yếu tố mới có thể được xem xét không thi hành án tử hình.

Do đó, UBTVQH đề nghị chỉnh lý như sau: “Người bị kết án tử hình về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động khắc phục cơ bản hậu quả của tội phạm do mình gây ra, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn”.

Bị cáo Dương Chí Dũng đã bị tuyên án tử hình về tội tham

Quy định này được ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng tính nhân đạo trong luật hình sự là rất cần thiết nhưng nên ghi nhận ở giai đoạn phát hiện tội phạm và xử lý. “Sau khi tuyên án tử hình rồi thì không còn giá trị nữa vì họ sợ chết nên làm mọi điều để thoát án tử hình. Việc này gây hiểu nhầm trong nhân dân và có thể dẫn tới tham nhũng. Nếu tuyên không tử hình thì họ sẽ tìm cách giữ tài sản do tham nhũng, hối lộ mà có” - ĐB Tô Văn Tám phân tích.

ĐB Ngô Bá Thuyền cũng nêu thêm ý kiến, Khoản 1, Điều 353 ghi: “người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian đòi, nhận hoặc sẽ nhận” của người người đưa hối lộ thì không nên đưa thêm quy định “đòi” vào trong quy định.

“Tôi đã chứng kiến một bộ trưởng trả lời rằng cán bộ của chúng tôi không ai đòi cả mà nhân dân tự đưa thôi. Đề nghị bỏ từ “đòi” vào trong quy định này” - ĐB Nguyễn Bá Thuyền trình bày.

Ngoài ra, ĐB đến từ Lâm Đồng này cũng đề nghị cần cân nhắc hết sức kỹ lưỡng về việc phi hình sự hoá tội Cố ý làm trái. “Khi tiếp xúc cử tri, có người nói “Có phải các ông phi hình sự hoá để giải cứu cán bộ ra tù”. Cần xem có bao nhiêu cán bộ đang ngồi tù về tội Cố ý làm trái, bao nhiêu người đang bị điều tra về tội này? Nhân dân có đồng ý với chúng ta? Nếu chúng ta “phi” thì kể cả Vinashin phải tha ngay lập tức. Nếu chúng ta cứ nói thế này rồi tha hết cán bộ làm trái ra thì chúng ta có tội với nhân dân”- ĐB Thuyền nhấn mạnh.

Quang cảnh Quốc hội sáng 30-10 - Ảnh chụp qua màn hình

Theo Điều 173. Tội trộm cắp tài sản (sửa đổi), người nào trộm cắp tài sản có giá trị từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Dễ truy tố tràn lan nếu căn cứ vào giá trị tinh thần

Tuy nhiên, nét mới quy định trong dự thảo là: Tài sản có giá trị dưới mức tối thiểu, nghĩa là dưới 2 triệu đồng thì vẫn bị xử lý hình sự nếu thuộc một trong các trường hợp: đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội; tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại hoặc tài sản có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

Về việc này, ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng, việc bổ sung xử lý hình sự với người tộm cắp tài sản dưới 2 triệu đồng là hợp lý. Vì các trường hợp chiếm đoạt tài sản không chỉ ảnh hưởng tới người bị trộm mà còn vi phạm ảnh hưởng xấu đến trật tự xã hội….

“Tuy nhiên, quy định tài sản có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần cần làm rõ. Nó phụ thuộc vào thái độ của bị hại. Có thể ở giai đoạn này họ coi là giá trị đặc biệt về mặt tinh thần, giai đoạn khác lại không. Hoặc với người này coi nó là đặc biệt, nhưng người khác không. Việc này có thể dẫn tới áp đặt và dễ xảy ra oan sai. Đề nghị bỏ quy định về “tài sản có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần” - ĐB Tô Văn Tám nêu.

Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh (TP HCM) cũng đồng tình quan điểm này, cần xem xét quy định về tài sản có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần. "Tôi lấy ví dụ chiếc nhẫn cưới có thể chưa đến 2 triệu nhưng có giá trị tinh thần đặc biệt quan trọng với người mất nó. Hay mất con chó, con mèo cũng thế. Chúng ta không chỉ vì con chó, con mèo mà truy tố tràn lan như thế"- ĐB Ánh đánh giá.

Theo NLĐ