“Chưa làm rõ trách nhiệm người đứng đầu thì hoà cả làng hết”

Ông Lê Như Tiến: “Nếu không quy được trách nhiệm thì chúng ta còn nói chung chung và chừng ấy còn thất thất thoát, lãng phí”.
Ông Lê Như Tiến - Đại biểu Quốc hội khoá XIII
Ông Lê Như Tiến - Đại biểu Quốc hội khoá XIII

Ông Lê Như Tiến - Đại biểu Quốc hội khoá XIII, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhấn mạnh điều này khi trả lời VOV.VN về tình trạng thất thoát, lãng phí thời gian qua.

PV: Ông từng phát biểu trên nghị trường rằng tham nhũng, lãng phí là anh em sinh đôi, hòn đá tảng cản đường phát triển của đất nước. Ông suy nghĩ gì khi hàng loạt dự án nghìn tỷ có dấu hiệu lãng phí được nêu tên vừa qua?

Ông Lê Như Tiến: Tôi đã vài lần nói trên diễn đàn Quốc hội rằng có dự án sai ngay từ khi thẩm định lập dự án, phê duyệt, quyết định đầu tư, thẩm định đầu tư.

Giờ rất nhiều dự án như ta thấy là Gang thép Thái Nguyên và một số nhà máy nữa lên đến hàng nghìn tỷ nhưng “đắp chiếu” để đấy, rất lãng phí.

Vấn đề này phải có cách xử lý nếu không gây lãng phí, thất thoát ngân sách Nhà nước rất lớn, và suy cho cùng đó cũng chính là thất thoát tiền thuế của nhân dân.

PV: Báo cáo về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chỉ rõ trong quản lý, sử dụng ngân sách còn xảy ra việc chấp hành pháp luật, kỷ luật tài chính chưa nghiêm. Theo ông, tại sao điều này thấy rõ từ lâu sao không xử lý dứt điểm?

Ông Lê Như Tiến: Tình hình chấp hành luật ngân sách Nhà nước còn lỏng lẻo, rồi khâu quản lý, sử dụng ngân sách, phát huy huy hiệu quả ngân sách đều có vấn đề.

Có địa phương “tiền trảm hậu tấu”, tức làm rồi mới báo cáo Trung ương thì làm sao được! Nhiều khi cơ quan quản lý ngân sách chạy theo, người ta trót ký quyết định đầu tư rồi, cho phép nhà đầu tư nước ngoài vào rồi thì lại phải giải quyết hậu quả mà hậu quả đôi khi khôn lường.

Kỷ cương tài chính không nghiêm nên mấy năm gần đây xuất hiện nhiều công trình rất hoành tráng. Sân vận động hàng trăm tỷ nhưng cả năm chẳng có mấy hoạt động; bảo tàng nghìn tỷ, rất to nhưng chỉ được xác nhà, còn hiện vật, tài liệu -  tức “hồn vía” của bảo tàng lại thiếu. Ngay cả bảo tàng Hà Nội, bảo tàng Quảng Ninh cũng thế thôi. Rồi tượng đài, nhà văn hoá, trung tâm thể thao rất hoành tráng, to lớn nhưng để không, gây lãng phí không nhỏ.

PV: Tình trạng cho thuê, góp vốn liên doanh không đúng quy định cũng chưa chấm dứt. Sao ta không ngăn được công ty quốc doanh, người có quyền quyết định đến tài sản công “vung tay” gây thua lỗ, thất thoát?

Ông Lê Như Tiến: Chính là chấp hành không nghiêm, không chỉ luật ngân sách đâu mà còn liên quan cả luật đầu tư, luật đấu thầu, luật doanh nghiệp... Các luật được Quốc hội thông qua và chấp hành nghiêm thì không sao nhưng đằng này anh không chấp hành nghiêm.

Không đủ điều kiện đầu tư nhưng cứ thực hiện; chưa thấy được hiệu quả của dự án vẫn tiến hành cho làm dự án, “cưỡi lên lưng hổ” thì không thể nào khác được.

Tôi lấy ví dụ như dự án đường sắt trên cao, giờ đội vốn lên đến hàng triệu USD, thời gian chậm mấy năm, gây tốn kém lãng phí thời gian, tiền bạc, nhân lực, mất an toàn.

“Chưa làm rõ trách nhiệm người đứng đầu thì hoà cả làng hết” ảnh 1
Dư luận và cử tri phản ánh, Bảo tàng Hà Nội qua gần 5 năm đi vào hoạt động hiệu quả sử dụng rất thấp

PV: Chúng ta nói nhiều đến trách nhiệm người đứng đầu nhưng trên thực tế việc xử lý còn mờ nhạt, thưa ông?

Ông Lê Như Tiến: Ai quyết định, phê duyệt thẩm định đầu tư thì phải chịu trách nhiệm. Người đứng đầu có quyền quyết định cơ mà. Ta khi nào chưa làm rõ trách nhiệm người đứng đầu thì hoà cả làng hết.

Hiện trách nhiệm cá nhân mờ nhoà trong trách nhiệm tập thể. Không rõ cá nhân người đứng đầu nên lúc nào cũng nói cái này được HĐND phê duyệt, Tỉnh uỷ phê duyệt, Chính phủ phê duyệt... Cuối cùng HĐND là ai, tập thể lãnh đạo nhưng phải có cá nhân phụ trách.

PV: Có đại biểu đặt vấn đề Báo cáo của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cần cho biết người đứng đầu đơn vị gây lãng phí lớn giờ được luân chuyển, bổ nhiệm đi đâu. Quan điểm của ông thế nào?

Ông Lê Như Tiến: Bây giờ phải quy trách nhiệm người đứng đầu, từ xác định trách nhiệm mới có hình thức xử lý.

Báo cáo là để xem xét xử lý nhưng phải biết trách nhiệm thuộc cá nhân người nào, gây thất thoát lãng phí tới đâu xử lý tới đó. Nếu không quy được trách nhiệm thì chúng ta còn nói chung chung, và chừng nào còn nói chung chung thì chừng ấy còn thất thất thoát, lãng phí.

Theo tôi, sắp tới Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nên đề nghị Chính phủ báo cáo trước Quốc hội để thấy rõ tình hình thất thoát, lãng phí đến đâu, từ đó có giải pháp khắc phục.

PV: Vâng, xin cảm ơn ông!.

Theo VOV