4 bộ “khẩu chiến” quanh một dự thảo nghị định

Bộ LĐ-TB&XH đang vướng vào cuộc tranh cãi với 3 bộ gồm GTVT, Công Thương và Bộ Xây dựng xung quanh dự thảo nghị định quy định chi tiết một số điều trong Luật ATVSLĐ (Luật An toàn, vệ sinh lao động) dự kiến sắp áp dụng
 4 bộ “khẩu chiến” quanh một dự thảo nghị định

Sau nhiều lần ý kiến, trao đổi không thành, 3 bộ gồm GTVT, Công Thương và Bộ Xây dựng vừa cùng gửi kiến nghị "kêu cứu" lên Chính phủ về một số điểm được cho là bất hợp lý và "trái luật" của dự thảo nghị định hướng dẫn Luật ATVSLĐ.

Trong công văn số 958/BXD-GĐ ký ngày 25.5, Thứ trưởng bộ Xây dựng Lê Quang Hùng khẳng định một số nội dung trong dự thảo nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật ATVSLĐ do Bộ LĐ-TB&XH đưa ra "không phù hợp với Luật ATVSLĐ". Điều này được lãnh đạo Bộ Xây dựng cho là "rất bất cập, không quy được trách nhiệm khi xảy ra sự cố kỹ thuật gây mất an toàn lao động". Điểm b, khoản 4 điều 5 dự thảo nghị định còn được nhận xét là "dẫn đến nhiều cơ quan quản lý nhà nước thực hiện cùng một việc làm kéo dài thời gian cấp phép, phát sinh thêm thủ tục hành chính". 

Cũng về những nội dung này, công văn số 5828/BGTVT-PC do Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công ký ngày 25.5 cho rằng "quy định như vậy là chưa phù hợp, trái với các quy định hiện hành". Bộ GTVT nhận định nếu dự thảo nghị định trên được thông qua, việc cấp, gia hạn, cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định các thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ đặc thù sẽ gặp khó vì thêm thủ tục, kéo dài thời gian giải quyết thủ tục hành chính, gây khó cho doanh nghiệp.

Bộ Công Thương thì khẳng định trong công văn số 33/BC-BCT rằng dự thảo nghị định nói trên "chưa quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước cụ thể cho các Bộ, ngành về công tác ATVSLĐ", không đúng với luật và thậm chí còn trái quy định.

Trao đổi ngoài lề về cuộc tranh cãi này, một quan chức giấu tên của Bộ GTVT cho biết nếu được thông qua, dự thảo nghị định trên chắc chắn sẽ gây xáo trộn nhiều cho DN cũng như cơ quan quản lý chuyên ngành trong công tác kiểm định. Thủ tục hành chính mà các DN phải đối mặt khi xin các loại giấy phép sẽ nhiều thêm trong khi rất khó quy trách nhiệm khi xảy ra sự cố mất an toàn lao động.

Cuộc tranh cãi này nổ ra trong quá trình xây dựng và góp ý nghị định quy định chi tiết một số điều trong Luật ATVSLĐ (đã được Quốc hội khóa 13 thông qua ngày 25.6.2015) và xoay quanh một điểm liên quan tới công tác kiểm định, cấp giấy phép cho các máy, thiết bị vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ cũng như cấp giấy phép cho tổ chức hoạt động kiểm định kỹ thuật ATLĐ.

Trong quá trình xây dựng nghị định này, Bộ GTVT và các Bộ chuyên ngành khác như Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng… đã nhiều lần gửi văn bản góp ý cho Bộ LĐ-TB&XH về các nội dung được cho rằng trái với Luật ATVSLĐ, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa và các luật chuyên ngành khác. 

Tuy nhiên, dù đã có một số chỉnh sửa nhưng điểm mấu chốt gây ra tranh cãi vẫn được giữ nguyên như sau: "Thẩm quyền cấp, gia hạn, cấp lại, đình chỉ, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động của tổ chức hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội là cơ quan có thẩm quyền cấp, gia hạn, cấp lại, đình chỉ, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động đối với tổ chức kiểm định máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động”.

Cả ba Bộ GTVT, Bộ Công Thương và Bộ Xây dựng tiếp tục ý kiến xung quanh vấn đề thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động của tổ chức hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động nhưng không được Bộ LĐ-TB&XH tiếp thu với lý do 12/22 thành viên Chính phủ lựa chọn phương án 1 là giao cho Bộ LĐ-TB&XH, có 8/22 thành viên Chính phủ lựa chọn phương án 2 là giao các bộ quản lý ngành.

Cuộc tranh cãi hiện vẫn đang tiếp diễn và Văn phòng Chính phủ đã báo cáo Phó thủ tướng Chính phủ đề nghị xin lại ý kiến các thành viên Chính phủ về nội dung này vào ngày 1.6.2016.

Theo Lao Động