Video: Nhìn lại 84 ngày truy tìm nguyên nhân thảm họa cá chết

Những ngày đầu tháng 4, thảm họa môi trường chưa từng có đã biến nhiều nơi thành vùng biển chết. Từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế, dọc hàng trăm km bờ biển, cá nằm xếp lớp, phơi bụng trắng xóa trong sự bất lực của ngư dân.
Gần 100 nhà khoa học gồm các chuyên gia Đức, Israel, Nhật Bản cùng vào cuộc tìm nguyên nhân gây ra thảm họa môi trường ở Việt Nam
Gần 100 nhà khoa học gồm các chuyên gia Đức, Israel, Nhật Bản cùng vào cuộc tìm nguyên nhân gây ra thảm họa môi trường ở Việt Nam

Ngày 6/4:

Hiện tượng cá chết xuất hiện vào ngày 6/4 gần khu công nghiệp Vũng Áng (Kỳ Anh, Hà Tĩnh), sau đó lan xuống khu vực Hòn La, vùng biển Nhật Lệ, Hải Ninh và Lệ Thủy. Có ít nhất 70 tấn cá tự nhiên của 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế dạt vào bờ.

Với những ngư dân địa phương hàng chục năm kinh nghiệm thảng thốt với hiện tượng chưa từng thấy. Nhiều loài sinh sống ở đáy biển và rất khó đánh bắt nay cũng chết dạt vào bãi biển.

Nhiều giả thiết về nguyên nhân cá chết được đưa ra, tập trung vào nghi vấn độc tố hóa học xả thải ra từ hoạt động của con người. Trong số các nguồn xả thải gần khu vực Vũng Áng, công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa hà Tĩnh (Formosa) là cái tên nhiều lần được nhắc đến. Hệ thống xả thải ngầm không đảm bảo và nhiều phụ phẩm độc hại của Formosa bị cho là nguyên nhân chính khiến môi trường biển biến động đột ngột, cá tầng đáy chết hàng loạt. Công ty này có đường ống xả thải dài 1.5km, đường kính hơn 1m được chạy ngầm dưới biển.

 Ngày 25/4: Formosa nói gì?

Trước nghi vấn hệ thống ống thải khổng lồ dưới đáy biển của công ty làm cá chết hàng loạt, lãnh đạo Formosa bác bỏ vì "cá nuôi trong hệ thống này vẫn sống". Giám đốc phụ trách an toàn của tập đoàn Formosa Hoàng Duật Thuyên nói, công ty đã xây dựng hệ thống nước thải kinh phí 45 triệu USD, giấy phép xả thải được Bộ Tài nguyên Môi trường cấp theo quy chuẩn 52/2013.

Ngày 25/4, ông Chu Xuân Phàm, Phó tổng đối ngoại Formosa, có phát biểu làm dư luận dậy sóng bất bình: "Hồi xưa, khi giải phóng mặt bằng, đã tính phương án hỗ trợ ngư dân đánh bắt cá chuyển sang nghề khác rồi, sao cứ phải đánh bắt quanh vùng biển này. Nhiều khi mình phải lựa chọn: Tôi muốn bứt cá, bắt tôm hay muốn xây dựng ngành công nghiệp thép?".

Ngày 26/4:

Formosa bất ngờ tổ chức họp báo xin lỗi về phát ngôn gây sốc của phó phòng đối ngoại. Công ty này không giải tỏa được mối nghi ngờ về hệ thống xả thải của họ, có thể là nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt.

Formosa sau đó quyết định sa thải ông Chu Xuân Phàm.

Ngày 27/4: Kết quả điều tra ban đầu

Cơ quan liên ngành gồm 7 bộ Tài nguyên Môi trường, Nông nghiệp, Công thương, Y tế, Khoa học,... đưa ra kết luận tập trung vào 2 yếu tố: Thủy triều đỏ và độc tố hóa học gây cá chết hàng loạt. Cuộc họp báo kéo dài 7 phút và không giải thích thêm thông tin.

Ngày 28/4:

Trực tiếp thị sát Formosa sau đó, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà "nhận khuyết điểm" và thừa nhận cơ quan chức năng đã lúng túng, không có kinh nghiệm ứng phó với sự cố mang tầm "thảm họa" về môi trường.

Ngày 29/4:

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc liên tiếp có chỉ đạo các cơ quan ban ngành, chức năng hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng và yêu cầu khẩn trương làm rõ nguyên nhân. Thủ tướng nhấn mạnh: Không bao che bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào khi tìm nguyên nhân cá chết".

Ngày 2/5:

Gần 100 nhà khoa học gồm các chuyên gia Đức, Israel, Nhật Bản cùng vào cuộc tìm nguyên nhân gây ra thảm họa môi trường ở Việt Nam. Trong 4 ngày, đoàn kiểm tra liên ngành được thành lập với sự tham dự của đại diện 7 bộ đã tiến hành tổng kiểm tra tại Formosa Vũng Áng.

Ngày 2/6:

Gần một tháng điều tra nguyên nhân cá chết tràn bờ biển, trong cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ, Bộ trưởng Thông tin Trương Minh Tuấn cho hay “đã xác định nguyên nhân cá chết nhưng chưa thể công bố”. Theo ông Tuấn, tìm ra thủ phạm gây cá chết không chỉ cần cơ sở khoa học mà còn phải điều tra bằng chứng vi phạm pháp luật, do đó không thể vội vàng đưa ra kết luận.

Ngày 29/6: Formosa nhận trách nhiệm

Chiều 29/6, tại trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Trần Nguyên Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Formosa thừa nhận công ty là thủ phạm gây ra sự cố môi trường làm hải sản chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung. 7 đại diện đến từ Formosa thay mặt hơn 6/300 cán bộ, nhân viên 2 lần cúi gập người xin lỗi Chính phủ và nhân dân Việt Nam.

Chúng tôi tha thiết mong người dân rộng lượng và tha thứ. Bằng sự chân thành từ trái tim, sự nỗ lực tối đa trong giải quyết sự cố, chúng tôi mong sẽ nhận được sự cảm thông của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam", ông Thành nói và cam kết các trách nhiệm liên quan đến xử lý ô  nhiễm, bồi thường kinh tế cho người dân vùng cá chết.

Ngày 30/6:

Tại cuộc họp báo lúc 5h chiều 30/6, Chính phủ công bố: Những vi phạm và sự cố trong quá trình thi công vận hành thử nghiệm tổ hợp nhà máy của Công ty Formosa Hà Tĩnh là nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng, làm hải sản tại 4 tỉnh miền Trung chết bất thường.

Thừa nhận sai phạm, Formosa cam kết bồi thường thiệt hại kinh tế cho người dân, bồi thường xử lý môi trường biển với số tiền 11.500 tỷ đồng, tương đương 500 triệu USD.

Theo VnExpress