Dưới xác chiếc F4, chậu hoa hòa bình đã nở!

Trong 2 năm 2014-2015, Thomas Eugene Wilber, Giám đốc điều hành Công ty Energy Strategies Global (Mỹ) đã 3 lần đến Nghệ An theo tâm nguyện của cha ông là cựu Trung tá, phi công Walter Eugence Wilber. 
Ông Thomas nhận lọ đất đặc biệt từ ông Nguyễn Văn Thu (ngoài cùng bên trái) và ông Bùi Bác Văn.
Ông Thomas nhận lọ đất đặc biệt từ ông Nguyễn Văn Thu (ngoài cùng bên trái) và ông Bùi Bác Văn.

Suốt gần 50 năm, cuộc sống của Walter luôn bị dằn vặt bởi hoài niệm về quá khứ. Và hơn thế, chừng đó thời gian, gia đình Bernard, người đồng đội trên chuyến bay với Walter đã phải sống trong trăn trở khi không được biết rằng, liệu người thân của họ có được chôn cất hay không.

Sau 3 lần đến Nghệ An, với sự giúp đỡ của rất nhiều người, Thomas đã xác định được khu vực máy bay rơi, ông cũng đã gặp được những người cần tìm kiếm. Đó là ông Bùi Bác Văn, Nguyễn Văn Thu, 2 trong số 3 người đầu tiên bắt giữ bố của ông năm xưa sau khi chiếc phi cơ F4, Phantom II mang số hiệu 155548 do họ điều khiển bị bắn rơi. Thomas trở về Mỹ với lời hứa sẽ đưa cha mình trở lại Việt Nam, song vì lâm trọng bệnh, Walter đã mất ngày 8/7/2015 mà không thể thực hiện mong ước cuối đời.

Cuộc gặp gỡ đầu tiên

Tháng 5/2015, Thomas tìm về xã Thanh Lĩnh, huyện Thanh Chương để tìm gặp ông Thu và ông Văn. Ông Thu đón đoàn khách bằng những bát nước chè sóng sánh đặc. Vỗ bồm bộp bàn tay to khỏe lên vai Thomas, ông Thu cất giọng chất phác: “Cha con năm ni mấy mươi rồi, còn khỏe chớ?”. Tiếng cười rộ lên cả căn phòng nhỏ bởi từ “con” mà ông Thu mở đầu cuộc trò chuyện.

Ông Văn và ông Thu dẫn cả đoàn về xóm Đại Thanh, xã Thanh Tiên, huyện Thanh Chương. Mọi người rảo chân bước theo 2 mái đầu bạc trên những con đường rợp bóng tre của ngôi làng nhỏ. Chẳng ai còn nhận ra một vùng bán sơn địa từng bị cày nát bởi đạn bom ngày nào. Trên tay cầm điện thoại, chốc chốc Thomas dừng lại và lưu vào chiếc smartphone từng nhánh lúa, bờ đê, từng chú bê. Ông còn đề nghị được chụp hình với những người nông dân tay chân còn lấm lem bùn đất.  

Đứng trên cánh đồng, ông Văn khoát tay nói với Thomas và mọi người: “Đây! Chính tại đây! Hôm đó khoảng hơn 1 giờ chiều ngày 16/6/1968. Tui 15 tuổi, anh Thu 17 tuổi, anh Mợi 20 tuổi (hiện ông Mợi đã mất - PV) đang ngồi thì nghe râm ran tiếng pháo cao xạ. Một tiếng nổ lớn vang rền sau đó và một máy bay nghi ngút cháy không ngừng xoay tròn lao xuống. Ngay lúc đó, một chiếc dù bung ra, tôi vớ vội chiếc đòn xóc lao tới”. Nói rồi ông Văn bám theo trí nhớ, lúp xúp chạy, chúng tôi nối gót theo.

Lao đến với chỉ duy nhất một chiếc đòn xóc làm “vũ khí”, sau một hồi lùng sục, 3 cậu thanh thiếu niên phát hiện một tên “giặc lái” đang ngồi trên bờ khe, lưng dựa vào gốc cây tròi. 3 người lẹ làng tiếp cận viên phi công từ phía sau trong khi ông ta đang cố dùng điện đàm liên lạc cầu viện. Cái đòn xóc trên tay cậu học sinh lớp 8 Bùi Bác Văn vụt phát đầu tiên lên cánh tay cầm bộ đàm của tên lính Mỹ.

Chiếc máy điện đàm văng ra, ngay lập tức, Thu chộp lấy đồng thời giật phăng chiếc đòn xóc trên tay bạn mình ghè chiếc máy liên lạc đập tới tấp. “Hắn vẫn không ngừng tít tít. Lúc đó, tui nỏ biết mần răng liền nhúng xuống dưới khe, vùi xuống bùn”, ông Thu kể lại.

Sau khi vô hiệu hóa chiếc điện đàm, cả 3 mới để ý trên tay viên phi công nhảy dù còn một khẩu súng. Họ lại dùng chiếc đòn xóc khống chế để tước bỏ khẩu súng. Lo sợ còn có thiết bị liên lạc khác, 3 người yêu cầu phi công cởi bỏ quần áo, rồi Mợi một bên, Thu một bên, Văn bước theo sau dẫn giải viên phi công giao cho chính quyền địa phương.

Liên quan đến câu chuyện này, Thomas đã thuật lại với mọi người rằng, theo lời kể của cha, biên đội máy bay ném bom của Walter gồm 2 chiếc với 4 phi công. Chiếc kia sau khi phát hiện đồng đội bị bắn rơi đã cố gắng đàm thoại xác định vị trí. Nhưng sự trao đổi chỉ diễn ra trong phút chốc rồi điện đàm của Walter câm bặt. Những người kia vừa khóc vừa trở về căn cứ, những tưởng tất cả đã kết thúc.

Ngôi mộ của lòng nhân ái

Hai ngày sau khi pháo đài bay của Wilber bị bắn hạ, với sự tò mò của cậu học sinh trường làng, Bùi Bác Văn trở lại bên xác máy bay khét lẹt vẫn âm ỉ bốc khói. Có một hình ảnh khiến cậu bé Văn vô cùng kinh ngạc, bối rối. Ấy là trong ca bin chiếc máy bay đen kịt, vẫn còn sót lại một phần cơ thể của viên phi công xấu số.

Giữa trưa nắng trên cánh đồng, Văn đã khóc. Tiếng khóc vừa có chút sợ hãi, xen hoảng hốt và cả nỗi thương tâm trong tâm hồn nhạy cảm của cậu trai vừa bước vào tuổi vỡ giọng. Và rồi như một sự từ tâm vốn có của con người trên mảnh đất này, một mình Văn gỡ những mảng cơ thể ấy đưa đi chôn cất.

“Là người ai cũng được mẹ cha sinh ra, ai cũng có tên, có tuổi, khi nhắm mắt ai cũng muốn trở về với nguồn cội quê hương. Nhưng vì sự nghiệt ngã của đạn bom, nhiều thân phận đã phải vùi mình trên đất khách. Cái giá của cuộc chiến là vậy”, ông Văn chia sẻ với mọi người và dẫn chúng tôi đến khu vực ông đã chôn cất những gì còn lại của viên phi công đoản mệnh.

Trên cánh đồng ngô đã thu hoạch xong, trời đứng bóng, gió lên ngút ngàn, Thomas gần như quỳ xuống. Ông đang cố gắng bẻ những thân ngô đã khô quắt buộc chúng lại thành cây thánh giá. Thấy vậy, mọi người cùng xúm lại. Cây thập tự làm từ thân cây ngô và buộc bằng dây cỏ hôi chấp chới trong vạt nắng. Gương mặt Thomas đầy nước mắt. Chúng túa chảy theo sống mũi cao và rơi thành giọt xuống đám muồng tím biếc hoa.

Chậu hoa hòa bình

Trước lúc chia tay, ông Văn nhờ Thomas gửi cho viên phi công ngày nào một chi tiết của chiếc máy bay bị bắn rơi mà ông còn giữ được. Ông không biết nó là có tác dụng gì đối với phi cơ, nhưng đã 47 năm ông dùng nó làm chậu trồng hoa và cây cảnh. Mỗi năm Tết đến, vợ chồng con cái ông Văn lại quây quần ngắm hoa đào trong chiếc chậu đặc biệt ấy. Hết Tết, nó lại được đem ra để trồng cúc, hoa mười giờ hay một loài hoa nào đó.

Còn ông Thu vẫn vậy, ồn ào và chất phác: “Chiến tranh, bom đạn, mất mát nhiều, phi công bị bắt và tử nạn cũng nhiều. Nhưng đây là lần đầu tiên tui thấy một câu chuyện có đầu, có cuối”. Nói rồi, người đàn ông đã quen với nghề sửa chữa xe đạp sau khi nghỉ hưu cất giọng hát: “Ai biết nước sông Lam răng là trong là đục, thì biết sống cuộc đời răng là nhục là vinh…”.

Câu ví trầm ấm lan nhẹ trong ngày hè vàng ruộm. Thomas lắng nghe, sau cùng  ông cầm tay từng người một và trọ trẹ: “Cảm ơn! Cảm ơn!”. Thomas nói rằng nhất định sẽ về Nghệ An trong ngày gần nhất và khi đó ông không chỉ đi một mình, bởi người cựu binh hải quân Walter đã luôn mong ngóng được một lần trở lại mảnh đất này.

Nhận được “món quà” của ông Văn, Thomas đưa về Mỹ và thông qua các cơ quan chức năng đã xác định đó là 1 bộ phận của động cơ máy bay ném bom F4. Khỏi phải nói, cha của Thomas đã vui như thế nào. Trong lời trăng trối cuối cùng, ông Walter Eugence Wilber căn dặn các con rằng, hãy dùng kỷ vật ấy để cắm những bông hoa của mọi người đến viếng ông trong lễ tang. Sau khi ông mất, hãy trồng lên đó những cây hoa như chính những người phía bên kia bán cầu đã làm.

Ngày 8/7/2015, Walter Eugence Wilber mỉm cười và trút hơi thở cuối cùng. Trong tang lễ của người cựu binh ở tiểu bang Pennsylvania, người ta thấy một chậu hoa rất lạ và ký ức một thời của viên trung tá phi công trở nên đầy ắp trong căn phòng nhỏ. Thomas đã rất xúc động khi kể về cha mình, về cuộc đời nhiều suy tư và giàu tình thương yêu của một cựu binh Mỹ.

Quê hương thứ hai

Trở lại Nghệ An lần thứ 3, Thomas lại tìm về cánh đồng lúa chứa chan kỷ niệm của cha mình. Với bàn tay trần, ông Văn không ngần ngại gạt từng khóm cỏ, bốc từng nắm đất cho vào 1 chiếc lọ thủy tinh nhỏ, rồi trao cho Thomas. Thomas nói rằng, nắm đất sẽ được ông mang về Mỹ và cho vào chậu hoa “đặc biệt” trong căn phòng lưu niệm của cha mình.

Nói rồi, bằng tất cả sự nghiêm cẩn, Thomas từ từ đưa tay lên ngực áo lấy ra một chiếc hộp nhỏ màu trắng, trong đó có nhúm tóc ngắn và trắng xóa. Thomas nói rằng, đó là những sợi tóc của bố ông. Suốt cuộc đời mình, Walter không nguôi day dứt về mảnh đất này, nơi đồng đội của ông đã tử nạn và để lại thân xác. Chính vì vậy, Thomas đã quyết định giữ lại một ít tóc của bố mình để đem chôn cất tại đây, để những người đồng đội, đôi bạn thân thiết sẽ lại được ở bên nhau.

Thế rồi trên gò đất giữa cánh đồng, mọi người cùng nhau bới đất và chôn lọn tóc của người cựu binh Mỹ với thiết tha mong muốn linh hồn Walter Eugence Wilber sẽ hòa vào lòng đất, sẽ hội ngộ với đồng đội trên vùng đất từ lâu Walter coi như quê hương thứ hai. Trong khói hương nghi ngút cháy, dưới cây thánh giá được làm từ cành cây khô, họ ôm lấy nhau và không giấu được những giọt nước mắt bùi ngùi.

Trước khi mất 2 ngày, ông Walter đã có một cuộc đàm thoại đặc biệt với ông Văn. “Thông qua cuộc gọi có hình trên hệ thống skynet, chúng tôi đã trò chuyện cùng nhau. Khi đó, ông Walter đã yếu lắm rồi, nhưng vẫn tỉnh táo. Ông Walter nói rằng, hình ảnh cậu bé 15 tuổi cầm chiếc đòn xóc đã ghim vào trí nhớ của ông, thay đổi cách nghĩ, quan điểm của Trung tá phi công trong biên chế lực lượng hải quân Hoa Kỳ”, ông Văn nói.

Dừng lại hồi lâu, ông Văn lại ngậm ngùi: “Tất cả đã qua. Ông Walter và người con trai Thomas muốn  chọn mảnh đất này làm quê hương thứ hai, được hòa một phần cơ thể vào đồng đất Thanh Chương cũng là việc nghĩa, việc tình rất đáng trân trọng”.

Cho đến giờ, chúng tôi vẫn luôn nhớ khoảnh khắc Thomas ngồi hát trong ngôi nhà nhỏ của ông Thu. Đó là một khúc dân ca của nước Mỹ được cất lên trong nhịp đàn mandolin do ông Thu đánh. Lời ca ấy như ngân vang mãi, hòa vào mạch đất Thanh Chương…

Theo Đầu tư