Cắt giảm gánh nặng 11 triệu người bám “bầu sữa” ngân sách được không?

VietTimes -- Trong khi đa số độc giả đồng tình, tán thưởng: "bà Phạm Chi Lan chỉ ra rất đúng những bức xúc và cam go trong tinh giản biên chế" thì nhiều độc giả khác lại lo lắng rằng, khi ấy thủ trưởng cơ quan được tăng thêm nhiều quyền, có khi nạn nhũng nhiễu càng lớn...

 

Nhiều ý kiến cho rằng nên chuyển dần dịch vụ công cho tư nhân để giảm biên chế
Nhiều ý kiến cho rằng nên chuyển dần dịch vụ công cho tư nhân để giảm biên chế

Sau khi đăng tải ý kiến của Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Cần “khoán 10” để giảm gánh nặng 11 triệu người ăn lương nhà nước!, VietTimes nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi, ủng hộ và tranh luận sôi nổi của đông đảo độc giả ở cả trong và ngoài nước.

Bên cạnh những người tán thưởng, bày tỏ bức xúc, cũng có nhiều ý kiến phản biện, đánh giá và gợi ý giải pháp để hạn chế tình trạng "trong khi 160 người dân Mỹ chỉ nuôi 1 công chức, thì 40 người dân Việt Nam phải nuôi 1 công chức. Đó là chưa kể người dân chúng ta phải gánh chịu tình trạng quan liêu, sách nhiễu, vòi vĩnh, tham nhũng của một bộ phận không nhỏ trong số 2,8 triệu công chức này".

VietTimes xin trích đăng một số ý bình luận nổi bật. Và xin mời độc giả tiếp tục trao đổi bằng cách nhập thông tin vào ô bình luận cuối bài.

Không ở đâu bộ máy cồng kềnh như Việt Nam

Độc giả Binh Duong

Ngân sách nhà nước nuôi cả một lúc mấy bộ máy cồng kềnh trong khi đó khả năng thu ngân sách cực kỳ eo hẹp. Thật không đâu như ở Việt Nam!

Độc giả Anh Hai    

Bà Phạm Chi Lan chỉ ra rất đúng những bức xúc và cam go trong tinh giản biên chế. Tôi nghĩ chúng ta chưa đủ quyết tâm để làm, bởi vì sẽ có nhiều tổ chức, cá nhân không sẵn lòng nghĩ rằng người xứng đáng phải ra đi chính là mình.

Độc giả Bảo Kiếm

Tất cả là do kỷ cương không nghiêm chứ không phải chưa có, từ các cơ quan Trung ương đến các tỉnh thành. Có bộ có tới 5,7 thứ trưởng, tôi tự hỏi để làm gì, sao mà lắm phó thế? Các vụ các phòng cũng thế, cán bộ lãnh đạo tỷ lệ cao hơn nhân viên. Một phòng 5 người thì 4 người là trưởng phó...

Năm nào cũng hô hào giảm biên chế. Một số nơi hình như hô cho oai và ra vẻ có trách nhiệm, còn việc thu nhận ra sao là việc khác. Tại sao các cơ quan chức năng không kiểm tra, không làm quyết liệt, làm đến nơi đến chốn? 

Độc giả Nguyễn Hoa Huyền

Theo tôi cần phải giảm bớt gánh nặng nuôi các tổ chức chính trị, xã hội thì đất nước mới mong phát triển được.

Độc giả Nguyễn Hữu Dực

Ý tưởng là hay rồi, tôi rất đồng tình. Tôi nghĩ rằng chúng ta có đầy đủ các viện ngiên cứu, các nhà cải cách, học viện hành chính... thì cớ sao không đủ khả năng xây dựng một đề án thật khách quan, khoa học? Trên cơ sở đó, chúng ta đem ra lấy ý kiến thật kỹ, rồi quyết định và quyết liệt chỉ đạo thực hiện cho bằng được. Tôi nghĩ việc này cần làm ngay. Các đề án lâu nay chắc cũng chung chung nên khó làm, chúng ta hãy học tập nền hành chính, học việc quản lý xã hội của các nước văn minh mà làm.

Độc giả  Nguyen Hoa

Tôi rất đồng ý nên khoán 10. Còn các tổ chức đoàn hội nên hoạt động tự chủ kinh phí và tự nguyện.

Cắt giảm gánh nặng 11 triệu người bám “bầu sữa” ngân sách được không? ảnh 1Theo một khảo sát gần đây, 54% nhân viên không cảm thấy hài lòng với mức lương hiện tại.

Độc giả Thanh Tâm

Tôi tâm đắc phát biểu của chuyên gia Phạm Chi Lan, thực tế - thẳng - thật - không né tránh. Vấn đề hội đoàn thể là rất đáng quan tâm, nhiều chuyện cười ra nước mắt. Hôm rồi về quê, gặp lại bạn học ngày xưa, hỏi ra mới biết vì nhiều lần thi tốt nghiệp phổ thông không đậu nên phải làm "Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã"!

Độc giả Phavi

Bà Phạm Chi Lan đã có những phân tích rất đúng, tôi nghĩ Chính phủ cần có ngay những biện pháp thiết thực giảm bớt những công chức, những bộ máy không cần thiết đang hưởng lương Ngân sách.

Độc giả Nguyễn Hải

Những lời đóng góp của chuyên gia là rất đúng. Là một công dân, tôi cũng có vài ý kiến: Trước hết phải làm ngay từ cấp xã. Ngay như ở địa phương tôi, có người giờ đang giữ chức danh quan trọng đều đi lên từ cán bộ thôn, học thêm lớp bổ túc 2 năm 3 lớp nên cũng có trình độ văn hóa 12/12 như ai. Có vị trưởng công an xã cũng đi lên từ trưởng thôn. Tuy giờ nhà nước đã có chỉ thị mới về trình độ cán bộ xã phường, nhưng để lớp cán bộ mới đạt tiêu chuẩn này chắc cũng mất từ 15 đến 20 năm nữa, tôi e là quá muộn.

Trong khi đó, lớp trẻ được đào tạo cơ bản, chuyên môn cao thì đang ngồi chơi, lang thang và phải sống bám gia đình. Tôi thấy rất lãng phí. Tôi tiếp xúc với nhiều cháu, thấy các cháu đều muốn được cống hiến mà không cần đòi hỏi cao.

Tôi chỉ nói một phần rất nhỏ ở một cấp rất thấp trong bộ máy hành chính của chúng ta. Những lời nhỏ này, tuy chưa nói được nhiều, chưa bao quát được hết nhưng mong cũng là một phần trách nhiệm công dân của tôi đối với đất nước.

Độc giả  Trứ Nguyễn

Giải pháp bà Chi Lan đưa ra quá hay! Anh không có trình độ tự khắc anh bị loại. Ở đâu cũng cần có sự cạnh tranh công bằng. Cơ quan thì đông mà cứ người giỏi, có trách nhiệm thì ôm đồm công việc, còn kẻ lười biếng thì lại nhởn nhơ. Đến bao giờ công việc của mỗi thành viên trong tổ đổi mới được rạch ròi.

Nhiều người lạ lắm! Người nào giỏi việc, làm xong việc trước mà giải trí chút thì cho là làm biếng. Còn người kém năng lực cặm cụi làm việc thì lại được đánh giá giỏi, siêng năng. 

Ngoài ra, tại sao văn hoá ăn nhậu lại đặt lên hàng đầu trong đội ngũ công chức? Anh không biết uống rượu đồng nghĩa với anh bị cô lập mối "quan hệ" và “chậm tiến”. Thế nên ai muốn thăng tiến trong bộ máy cứ tập tành đi là vừa! 

Độc giả Tiến

Bà Phạm Chi Lan đưa ra nhận định rất đúng với thực tế. Tôi xin bổ sung thêm một ý nhỏ khi nói về gánh nặng ngân sách đối với hội đoàn. Đó là chẳng những họ được hưởng lương từ ngân sách nhà nước mà họ còn được hưởng phụ cấp công vụ gấp 2 lần công chức thuộc khối chính quyền. Vậy là sao?

Độc giả Xuân Phạm

Cảm ơn bà Phạm Chi Lan đã có ý kiến rất hay và thẳng thắn vô cùng cần thiết đối với đất nước chúng ta trong giai đoạn hiện nay. Nếu Đảng và Nhà nước ta không hành động ngay sẽ mất dành cơ hội vàng.

Tôi xin góp ý thêm, tệ nạn "con ông cháu cha" và "bà con thân hữu" cộng với việc mua quan, bán chức, chạy biên chế đã tồn tại quá lâu trong đời sống xã hội ta suốt mấy chục năm qua đã góp phần làm xói mòn lòng tin của nhân dân, gây tổn hại đến nền kinh tế và đe dọa an ninh xã hội chúng ta mà kẻ thù không ai khác ngoài chính chúng ta.

Bản thân tôi từng tham gia bộ đội và sau đó thi vào đại học đủ tiêu chuẩn để được cử sang Liên xô học những năm 1980. Trải qua nhiều môi trường, từ những năm tháng được đào tạo ở nước ngoài và vài chục năm công tác kinh qua nhiều cơ quan, nhiều vị trí đã cho tôi nhìn nhận ra rằng: Trong thời kỳ đầu của những năm mới có chính quyền thì buộc chúng ta phải cần một lực lượng trung thành tuyệt đối để bảo vệ chính quyền non trẻ trước bao nhiêu kẻ thù trong giặc ngoài, đến gia đoạn tiếp theo là các cuộc chiến tranh triền miên kéo dài cả mấy chục năm nên cũng rất cần những con người ưu tú, trung thành tuyết đối với Đảng và nhân dân nên cần phải có lý lịch trong sạch, công thêm với thần phần lý lịch người thân ruột thịt... Bởi có như vậy mới ràng buộc họ phải cân nhắc, suy nghĩ kỹ trước khi quyết định, họ phải cân nhắc liệu hành động của mình có làm tổn hại uy tính danh dự của gia đình dòng tộc hay không. Do vậy, lý lịch trong thời kỳ này là rất quan trọng đối với một con người.

Nay đã vào thời kỳ mở cửa, hội nhập, chúng ta đã ngẩng cao đầu bước ra thế giới và không còn kẻ thù xâm lược như những năm giữa thế kỷ 20, nên việc tuyển chọn, tuyển dụng và tuyển sinh cần phải đơn giản thủ tục lý lịch và các điều kiện như con em cán bộ trong ngành, con của Lãnh đạo, con người có công,...

Thời đại hiện nay, chúng ta đang cần những con người có tri thức, đạo đức tốt, có chuyên môn nghiệp vụ cao để cống hiến cho xã hội, để tạo ra một xã hội văn minh, làm ra nhiều của cải vật chất cho xã hội, chứ không cần những con người tuy có đạo đức, nhưng không được học hành tử tế, không có chuyên môn tuy nhiên, họ lại là COCC nên họ được ưu tiên, họ được nâng đỡ, được cất nhắc,…

Có lẽ chính vì vậy, đất nước ta chưa thể thành rồng, thành hổ nổi!

Độc giả Nguyễn Hữu Công

Ở Mỹ ngân sách không phải nuôi các cơ quan hội đoàn. Nước ta cần nghiên cứu, học hỏi để tinh giảm biên chế, bộ máy cho phù hợp.

TS Sử học Trần Văn Miều, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giáo dục, Môi trường và Phát triển, nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa Giáo dục thanh thiếu niên Trung ương.
TS. Trần Văn Miều, nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa Giáo dục thanh thiếu niên Trung ương cho rằng: Tư tưởng “cá nhân” của một bộ phận cán bộ lãnh đạo sẽ là rào cản lớn nhất trong việc tinh giản biên chế hiện nay.

Độc giả Tony Tran

Tôi có quen một vài công chức đang làm việc tại TP.HCM trong một cơ quan báo chí lớn của TP, và nói thật là anh bạn đó đến cơ quan không lúc nào trước 9h (trừ ngày thứ 2 - vì có chào cờ). Và ngày nào cũng vậy, anh ta rời cơ quan trước 11h sáng nếu không đi nhậu thì về nhà ngủ. Ấy vậy mà hằng tháng anh ta vẫn lãnh lương đầy đủ và càng lạ hơn là cuối năm anh ta vẫn được bình bầu tiên tiến! Có đôi lần tôi hỏi anh ta công việc ở đó thế nào, thì anh ta thản nhiên nói là không làm gì hết từ 7 năm nay nhưng ít nhất hằng ngày phài có mặt một tí (gọi là trình diện). Thiết nghĩ ở TP này có bao nhiêu công chức như vậy ? Ngân sách đâu là nuôi những cán bộ như vậy?

Độc giả Phạm Văn Tân

Vô cùng cảm ơn bà! Người dân Việt Nam hết sức lo lắng về đội ngũ công chức, viên chức quá đông nhưng hiệu quả làm việc vô cùng kém, tốn tiền vô cùng. Đề nghị Đảng, Chính phủ mạnh tay cắt bỏ những công chức, viên chức không làm được việc, thậm chí còn nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp nữa.

Độc giả Trần Bình Minh

Tôi nhất trí cao với nhận xét của bà Phạm Chi Lan. Ngoài lý do cán bộ công chức làm việc chưa hiệu quả, thì bộ máy Nhà nước ta quá cồng kềnh, các tổ chức đoàn thể của chúng ta quá nhiều, hoạt động không mang lại hiệu quả kinh tế cho đất nước mà tốn NSNN nước không nhỏ vì ngoài lương theo hệ số còn nhận phụ cấp  Đảng  - đoàn thể và phụ cấp công vụ.

Bên cạnh đó ngoài bộ máy hành chính từ Trung ương đến địa phương còn bộ máy đảng hoạt động song song với bộ máy hành chính hưởng lương từ NSNN với mức lương theo hệ số cũng phụ cấp đảng đoàn 30%, 25% công vụ.

Trong khi đó ở các nước phát triển chỉ có bộ máy hành chính hoạt động thực thi công vụ hưởng lương từ NSNN còn các tổ chức đảng, đoàn, hội hoạt động không hưởng lương từ NSNN. Đó là lý do tại sao số lượng cán bộ công chức hưởng lương từ NSNN lại nhiều như vậy? 

Triển khai thế nào mới là quan trọng

Độc giả  Công Chức

Bà Phạm Chi Lan nói không sai, nhưng cách bà so sánh đội ngũ cán bộ, công chức của ta với các nước thì cần phân tích rạch ròi đâu là công chức hành chính thật sự, đâu là công chức danh nghĩa và đâu là viên chức thì mới chính xác được. Và nếu suy xét kỹ ra sẽ thấy đội ngũ công chức hành chính của ta, tức là người làm việc trong các cơ quan hành chính, hoàn toàn không nhiều, nếu trừ đi bộ phận công chức danh nghĩa, là những người làm trong các cơ quan Đảng, đoàn thể và viên chức, như bác sỹ hoặc giáo viên chẳng hạn. 

Độc giả  Nguyễn Văn Đoài, Học viện Quản lý Giáo dục (31 Phan Đình Giót Thanh Xuân Hà Nội)

Bà Phạm Chi Lan bao nhiêu năm làm cố vấn cho Chính phủ khóa trước rồi mà vẫn không rút kinh nghiệm. Nghĩ 1, nghĩ 2 thì phải nghĩ đến 10, đến 100, chứ nghĩ đâu "phán" đó như bà thì chỉ khổ dân. Bà làm chuyên gia cho chính phủ khóa trước để giờ tình hình ra nông nỗi này, giờ lại còn tham mưu thế này nữa. Quả thật là buồn...  

Độc giả Ngan

Giải pháp thì quá hay nhưng triển khai thực hiện thế nào để có kết quả mới là điều quan trọng. Từ trước giờ thấy triển khai nhiều mà thực hiện thì chẳng đâu vào đâu.

Độc giả Chinh

Giờ giảm cũng khó lắm, có cơ quan nhiều COCC (con ông cháu cha - PV), mà người không phải COCC thì lại làm được việc. Vậy thì nên cho ai nghỉ đây?

Tôi cho rằng, bây giờ chỉ còn cách là cứ cho 2 người nghỉ hoặc 3 người nghỉ thì mới được tuyển 1. Rồi hợp nhất các chức danh, phòng ban để tinh gọn bộ máy.

Độc giả  Tèo

Xin có chỉ ra 1 khía cạnh nhỏ trong vấn đề này: Vốn nhà nước trong các doanh nghiệp rất lớn, công tác đầu tư vì vậy sử dụng tiền nhà nước cũng rất lớn. Chính phủ lo tham nhũng thất thoát nên đưa ra nhiều cấp quản lý, nhiều thủ tục xét duyệt, nhiều ngành đan xen, chồng chéo thẩm duyệt. Khối lượng công chức theo đó cũng tăng lên quá nhiều. Các bộ ngành nói không giảm biên chế được là có cơ sở đấy... 

Độc giả Dode

Cũng cần xem xét lại, nói như bà thì thủ trưởng cơ quan có khi lại được tăng thêm nhiều quyền, nhũng nhiễu càng lớn. 

Độc giả Bùi Hanh Đới

Kém thì nhận là kém, đừng đổ lỗi, 11 triệu người đâu phải ai cũng ăn không ngồi rồi, thực ra họ cũng có đóng góp cho ngân sách đấy chứ. Cái quan trọng là làm sao phải tạo ra công việc, cơ hội cho dân lao động và đóng góp cho đất nước. Chính phủ Thụy Sỹ còn muốn trợ cấp toàn dân kia, còn nước mình, nhìn lại thì an sinh xã hội của mình làm tốt đến đâu? 

(*) Nội dung bình luận có thể đã được biên tập để đúng chính tả, phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam.

Còn bạn, bạn suy nghĩ như thế nào về quan điểm Cần “khoán 10” để giảm gánh nặng 11 triệu người ăn lương nhà nước! ? Hãy cho chúng tôi biết ý kiến của bạn bằng cách bình luận ngay dưới đây. Trân trọng!