Việt Nam sắm những vũ khí gì của Ấn Độ với 500 triệu USD?

VietTimes -- Ngày 03.09.2016, Ấn Độ tuyên bố cho Việt Nam vay thêm 500 triệu USD cho Việt Nam nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng. Hai nước đã ký kết 12 thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực, mối quan hệ Việt Ấn phát triển lên tầm cao mới trong bối cảnh tăng căng thẳng trên Biển Đông.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và người đồng cấp Việt Nam thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và người đồng cấp Việt Nam thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Thủ tướng Narendra Modi trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Việt Nam - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc -cho biết hai nước quyết định nâng cao mối quan hệ chiến lược thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện nhằm tạo ra động lực mới cho hợp tác song phương Việt - Ấn.

“Tôi vui mừng công bố khoản tín dụng mới 500 triệu USD cho Việt Nam để tăng cường hơn nữa hợp tác quốc phòng giữa hai bên", ông Modi nói trong buổi họp báo cùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sau buổi lễ ký kết các thỏa thuận.

12 thỏa thuận được ký kết bao hàm các lĩnh vực quốc phòng, IT, nghiên cứu không gian, an ninh mạng và chia sẻ thông tin Cảnh sát biển trước sự chứng kiến của Thủ tướng Narendra Modi và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Việt Nam từ lâu đã quan tâm đặc biệt trong mối quan hệ hợp tác hữu nghị với Ấn Độ trong lĩnh vực sản xuất quốc phòng. Theo thỏa thuận đã được ký kết giữa hai nước, công ty Larsen & Toubro Ltd.to của Ấn Độ và xây dựng tàu cho Cảnh sát biển Việt Nam và chuyển giao công nghệ đóng tàu Việt Nam, đồng thời hai bên cũng ký một hiệp ước hợp tác trong vấn đề gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc.

Hải quân Ấn Độ và Hải quân Việt Nam sẽ phối hợp trong lĩnh vực chia sẻ thông tin hàng hải. Thủ tướng Modi cho rằng, Ấn Độ và Việt Nam đều cảm thấy thật sự cần thiết phát triển mối quan hệ chặt chẽ giữa hai nước về các vấn đề khu vực và quốc tế mà hai nhà nước cùng quan tâm.

Trong vấn đề an ninh hàng hải và hợp tác quốc phòng, từ lâu Việt Nam đã quan tâm đến việc hợp tác cùng phía Ấn Độ phát triển các tàu tuần biển cao tốc. Ngày 28.08.2016, một phái đoàn của Việt Nam đã tiếp cận Công ty Ấn Độ Garden Reach Shipbuilders and Engineers Ltd (GRSE) nghiên cứu khả năng đóng 14 chiếc tàu tuần tra tốc độ cao với tổng giá trị khoảng 212 triệu USD, theo ông A.K. Verma, chủ tịch và là giám đốc điều hành công ty, trị giá mỗi con tàu khoảng 15 triệu USD.  

Ngoài việc đến thăm và làm việc với công ty GRSE, phái đoànVietnam cũng có chuyến thăm hai công ty đóng tàu khác của Ấn Độ là L&T và Pipavav.

Cũng theo Chủ tịch và giám đốc điều hành công ty GRSE, công ty đã giới thiệu nguyên mẫu tàu tuần biển tốc độ cao Car Nicobar với phái đoàn Việt Nam. Theo ông, công ty GRSE đã đóng 18 chiếc tàu tuần biển tương tự như loại tàu theo yêu cầu từ phía Việt Nam cho Hải quân Ấn Độ.

Nhưng theo tuyên bố của thủ tướng Ấn Độ Modi, thì chính công ty Ấn Độ L&T sẽ là công ty đóng tàu tuần tra biển tốc độ cao cho Hải quân Việt Nam.

Tàu tuần tra lớp Car Nicobar

IHS Jane's dẫn nguồn từ các quan chức ngành công nghiệp quốc phòng Ấn Độ từ lâu New Delhi đã có kế hoạch cung cấp cho Việt Nam trang thiết bị quốc phòng đa dạng, bao gồm cả tên lửa hành trình BrahMos, Đây là một trong những nỗ lực đáp trả các công ty vũ khí Trung Quốc, cung cấp vũ khí trang bị cho một số lực lượng quân đội ở Nam Á và khu vực Ấn Độ Dương.

Đặt cơ sở căn bản và thúc đẩy tăng cường quan hệ chiến lược song phương, đầu tháng 6.2016, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar đã có chuyến thăm chính thức Hà Nội cùng với một nhóm 15-20 thành viên là các nhà sản xuất quốc phòng khu vực tư nhân và nhà nước.

Một quan chức ngành công nghiệp đã phát biểu với IHS Jane’s: Phái đoàn quốc phòng Ấn Độ tới Việt Nam với mục đích phát triển liên doanh liên kết sản xuất các loại thiết bị quân sự như các loại vũ khí hạng nhẹ, tên lửa, các hệ thống khí tài hải quân cũng như các loại đạn khác nhau.

Quan trọng nhất trong số các loại vũ khí trang thiết bị là việc giới thiệu tên lửa hành trình chống tàu siêu thanh BrahMos do liên doanh Nga - Ấn Độ phát triển, có tầm bắn đến 292 km mà New Delhi thảo luận với Hà Nội hai năm trước đây. Ấn Độ không thể cung cấp tên lửa vào thời điểm do các vấn đề khó khăn chưa được giải quyết trong mối quan hệ chính trị nội bộ và liên quan đến Nga trong việc xuất khẩu và các quyền sở hữu trí tuệ.

Như đã biết, tên lửa BrahMos được phát triển dựa trên phiên bản tên lửa siêu âm chống tàu 3M55 Oniks/Yakhont của Nga (định danh NATO SS-NZX-26), tên lửa có hai tầng phóng, tầng thứ nhất sử dụng động cơ đẩy tăng tốc nhiên liệu rắn và tầng thứ hai là tên lửa đẩy ram-jet sử dụng nhiên liệu lỏng. Loại tên lửa siêu thanh dẫn đường dài 8,4m nặng 3,9 tấn có thể được phóng từ nhiều phương tiện mang khác nhau như từ chiến hạm mặt nước, tàu ngầm và từ máy bay tiêm kích đa nhiệm Su-30MKI, có cấu trúc tương tự như Su–30 MK2 của Việt Nam.

Tên lửa siêu thanh đa nhiệm BrahMos Ấn Độ

Việc Ấn Độ cung cấp cho Việt Nam tên lửa BrahMos sẽ mở ra một chân trời mới cho ngành công nghiệp tên lửa hành trình, giúp Ấn Độ có thể nhanh chóng đuổi kịp và vượt đối thủ tiềm năng của mình là Trung Quốc trong lĩnh vực tên lửa hành trình và tạo được áp lực đáng kể lên Bắc Kinh, làm đối trọng cho áp lực từ phía Pakistan và biên giới gần 2.200 dặm với Trung Quốc

Mối quan hệ quốc phòng giữa Ấn Độ và Việt Nam không chỉ phát triển gần đây. Từ năm 2008, Ấn Độ đã cung cấp cho Việt Nam khoảng 5.000 chi tiết phụ tùng cho các tàu khu trục nhỏ lớp Petya do Liên Xô chế tạo. Ngoài ra Ấn Độ cũng giúp đỡ Việt Nam trong việc cung cấp trang thiết bị cho đại tu các máy bay chiến đấu MiG-21 đã lão hóa, xe tăng T-55, khi các loại phụ tùng này không còn ở nước Nga. Từ tháng 10.2014 New Delhi đã cam kết sẽ cung cấp cho Việt Nam 4 tàu tuần tra ngoài khơi đóng trong gói vay tín dụng trong lĩnh vực quốc phòng là 100 triệu USD.

Điều đó cho thấy, chuyến thăm của thủ tướng Ấn Độ ông Narendra Modi đã chính thức khẳng định, Ấn Độ sẽ cung cấp khoảng 14 chiếc tàu tuần biển tốc độ cao cho Việt Nam dựa trên gói vay tín dụng ưu đãi trong lĩnh vực phát triển quốc phòng, đồng thời khả năng cũng sẽ cung cấp tên lửa siêu thanh BrahMos cho Việt Nam.

Mối quan hệ hợp tác giữa Ấn Độ và Việt Nam sẽ được tăng cường phát triển hơn nữa trong chuyến thăm của thủ tướng Modi. Ngoài khả năng cung cấp tên lửa hành trình BrahMos siêu âm, thỏa thuận cũng có thể bao gồm việc các cán bộ kỹ thuật quân sự của Ấn Độ sẽ có mặt ở Việt Nam để thực hiện công tác đảm bảo kỹ thuật, huấn luyện đào tạo công tác duy tu bảo dưỡng định kỳ và sửa chữa tên lửa. Sẽ không ngoại trừ khả năng trong tương lai, Việt Nam có thể sẽ có được giấy phép sản xuất hoặc tham gia liên minh chế tạo tên lửa siêu thanh với Ấn Độ để phát triển trong thị trường Đông Nam Á, cạnh tranh trực tiếp với tên lửa hành trình Trung Quốc.

Các nhà phân tích quốc phòng cho rằng vũ khí trang bị là yếu tố thích hợp lý tưởng nhất để đưa các mối quan hệ  vượt ra khỏi giới hạn quốc phòng. Nỗ lực gia tăng sức mạnh Hải quân, Việt Nam đã nổi lên như là nhà nhập khẩu vũ khí lớn thứ tám của thế giới giai đoạn 2011-2015 theo nhận xét của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm. Đây chính là thị trường lớn và cũng là cánh cửa rộng mở rất thuận lợi cho New Dehli bước vào thị trường Đông Nam Á, cạnh tranh trực tiếp với các nhà cung cấp từ Trung Quốc.

Mối quan hệ thương mại giữa Ấn Độ và Việt Nam đang hướng đến mục tiêu tăng trưởng thương mại gấp 3 lần, đạt mức 15 tỉ USD vào năm 2020. Công ty năng lượng ONGC Videsh,.Ltd Ấn Độ làm việc với công ty dầu khí quốc doanh PetroVietnam nhằm nghiên cứu đầu tư khai thác trữ lượng khí đốt ngoài khơi bờ biển Việt Nam.

Preeti Saran, một quan chức cấp cao trong Bộ Ngoại giao Ấn Độ, nói với các phóng viên ở New Delhi ngày 30.08 cho biết, các cuộc đàm phán đã bắt đầu nhằm hướng tới mục đích cho phép các công ty năng lượng Ấn Độ có được quyền thăm dò bổ sung trên vùng biển Việt Nam. Bà cũng cho biết, dự án nhiệt điện 1,8 tỉ USD  của tập đoàn Tata Power .Co tại Việt Nam sẽ là hoạt động then chốt đưa Ấn Độ lên vào danh sách 10 nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam.

Trong bức tranh toàn cảnh đầy sắc màu hứa hẹn mà thủ tướng Modi mang đến Việt Nam, vẫn nổi lên rõ nét vấn đề Trung Quốc mở rộng Biển Đông và đang hướng lực lượng của mình ra Ấn Độ Dương. Ấn Độ cũng có những tranh chấp lãnh thổ của riêng mình với Trung Quốc trên tuyến biên giới dài gần 2.200. Ngoài ra, 50% nền kinh tế thương mại vận tải biển của Ấn Độ là đi qua Biển Đông, tự do hàng hải là vấn đề sống còn với New Delhi

Carlyle Thayer, giáo sư danh dự và chuyên gia về Việt Nam tại Học viện Quốc phòng Úc, cho rằng chuyến thăm của thủ tướng Ấn Độ đến Việt Nam là một câu trả lời sau chuyến thăm cấp cao của Trung Quốc đến Pakistan vào năm ngoái, nơi Trung Quốc tài trợ cho công trình phát triển và mở rộng cảng nước sâu Gwadar trên biển Ả Rập. Cảng nước sâu này đang là một phần quan trọng trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm mở rộng ảnh hưởng trong khu vực châu Á, hướng tới Trung Đông và châu Phi.

Sau chuyến thăm chính thức Việt Nam, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đến Hàng Châu, Trung Quốc, nơi ông cùng tổng thống Mỹ Barack Obama, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga V.Putin và các nhà lãnh đạo thế giới khác tham gia Hội nghị thượng đỉnh G20.

TTB