Việt Nam phải dự phòng hàng tỷ USD cho thiệt hại do thiên tai

VietTimes -- Việt Nam có thể phải chịu tổn thất vật chất đối với tài sản của khu vực công và tư nhân do lũ lụt, bão và động đất lên đến 30.200 tỷ đồng (1,4 tỷ USD) mỗi năm, trong đó nghĩa vụ dự phòng của Chính phủ được ước tính ở mức 5.900 tỷ đồng (278 triệu USD). 
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Thông tin trên được Chuyên gia trưởng toàn cầu, Trưởng phái đoàn, Quản lý Chương trình Giải pháp tài chính rủi ro thiên tai (của Ngân hàng Thế giới) cho biết tại Hội thảo giải pháp tài chính cho rủi ro thiên tai tại Việt Nam do Bộ Tài chính và Ngân hàng Thế giới (WB) phối hợp tổ chức ngày 15/11 ở Hà Nội.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam là quốc gia phải gánh chịu nhiều nguy cơ thiên tai như bão, lốc xoáy, lũ lụt và hạn hán. Ước tính khoảng 60% tổng diện tích đất đai và 71% dân số phải chịu nguy cơ bão và lũ lụt. Hàng năm, tổn thất kinh tế trực tiếp bình quân do bão và lũ lụt ước bằng khoảng 0,8% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), đứng thứ 3 (sau Myanmar và Philippines) trong các quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Trong vòng 50 năm tới, có đến hơn 40% là Việt Nam sẽ phải chịu thiệt hại vượt quá 141.200 tỷ đồng (6,7 tỷ USD) do lũ lụt, bão hoặc động đất. Tổn thất bình quân hàng năm ở một số địa phương có thể cao hơn 1.700 tỷ đồng. Các địa phương khu vực Bắc Trung Bộ có tỷ lệ nghèo cao hơn cũng có xu hướng phải đối mặt với thiệt hại cao hơn do bão và lũ lụt.

Theo WB, Chính phủ Việt Nam hiện có nhiều công cụ tài chính khác nhau để bảo đảm tài chính nhằm ứng phó và khôi phục thiên tai. Chẳng hạn như: dự phòng ngân sách ở Trung ương và các địa phương, bố trí lại ngân sách, dự trữ Nhà nước, quỹ dự trữ tài chính, quỹ phòng chống thiên tai, các công cụ chuyển giao rủi ro như bảo hiểm và viện trợ của các nhà tài trợ.

Tuy nhiên, các nguồn tài chính hiện có để ứng phó và khôi phục thiên tai rất hạn chế, phụ thuộc nhiều vào ngân sách. Quỹ phòng chống thiên tai ở địa phương được bổ sung nguồn lực nhưng vẫn còn nhiều hạn chế.

Các công cụ chuyển giao rủi ro mới như bảo hiểm hiện mới chỉ ở giai đoạn sơ khai. Việt Nam hiện chưa có một chiến lược toàn diện nhằm điều phối và tối ưu hóa các nguồn vốn có thể huy động, đặc biệt ở các cấp địa phương.

Chính phủ gần đây đã ban hành Quyết định số 01/2016 về cơ chế và quy trình sử dụng dự phòng ngân sách Trung ương để hỗ trợ tài chính cho các địa phương trong trường hợp thiên tai.

Theo khuyến nghị của các chuyên gia WB, Việt Nam cần xây dựng chiến lược bảo vệ tài chính cho các phí tổn do thiên tai gây ra. Chiến lược bảo vệ tài chính phải là một phần của chương trình tổng thể quản lý rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu chung.

Các cơ chế chính sách, pháp luật, thể chế và vận hành cũng như hoạt động thực chất của các quỹ này cần được Việt Nam rà soát nhằm tăng cường khả năng chống chịu về tài chính của các địa phương.

Khu vực tư nhân là đối tác thiết yếu đóng góp về vốn, chuyên môn kỹ thuật và các giải pháp tài chính sáng tạo để bảo vệ tốt hơn cho chính quyền và xã hội nhằm đối phó với thiên tai.