Việt Nam mua chiến đấu cơ, tên lửa: Pháp cạnh tranh với Nga, Mỹ, Ấn Độ

Mỹ dỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam đã biến nước này thành một khách hàng tiềm tàng cho các nhà sản xuất vũ khí của Pháp. Nhưng cuộc cạnh tranh với các nhà cung cấp châu Á khá gay gắt, đó là chưa tính đến Nga và Mỹ, The Diplomat (Nhật Bản) nhận xét.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Pháp Francois Hollande duyệt đội danh dự
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Pháp Francois Hollande duyệt đội danh dự

Phân tích trên The Diplomat, tiến sĩ Nguyễn Quốc Thanh thuộc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (Đại học Aix-Marseille), chuyến thăm Việt Nam của tổng thống Pháp là một báo hiệu tốt cho các trao đổi trong tương lai giữa hai nước Việt-Pháp.

Theo Diplomat, Việt Nam trông đợi nhiều hơn từ chuyến công du này của tổng thống Pháp, nhất là kể từ khi bộ trưởng Quốc Phòng Pháp, ông Jean-Yves Le Drian trong bài diễn văn tại Diễn đàn Đối thoại Quốc phòng Shangri-La ở Singapor hồi tháng 6/2016 có đề cập đến việc Liên hiệp châu Âu cùng tuần tra ở Biển Đông.

Việt Nam có lợi trong việc phát triển quan hệ kinh tế với Pháp. Paris đặt ưu tiên trao đổi thương mại với các quốc gia Đông Nam Á và đặc biệt với Việt Nam. Hiện có đến khoảng 300.000 người Việt đang sinh sống và học tập tại Pháp. Với chuyến thăm của ông Hollande, quan hệ kinh tế Việt-Pháp được thắt chặt hơn nữa với khoảng 20 thỏa thuận song phương mới được ký kết để tạo thuận lợi cho trao đổi giữa hai đối tác.

Tuy nhiên bên cạnh kinh tế, phần quan trọng nhất của các cuộc thảo luận tập trung vào hợp tác quốc phòng, một phần trong hiệp định đối tác chiến lược năm 2013.

Pháp là quốc gia có ngành hàng hải lớn thứ hai trên thế giới với lực lượng hải quân bao gồm 72 chiến hạm và tàu hỗ trợ, có một bề dày kinh nghiệm phong phú. Tự do lưu thông hàng hải là mối bận tâm chính đối với Pháp do các tranh chấp lãnh hải trong khu vực. Cho dù Pháp có nhiều vùng lãnh thổ hải ngoại tập trung chủ yếu ở Thái Bình Dương, quan tâm của nước này tại vùng Đông Nam Á mỗi năm mỗi lớn. Trong vòng thập niên qua, tầm ảnh hưởng của Pháp đã bị mất đi một cách đáng kể tại châu Phi nên nước này rất cần tìm lại vị thế của mình tại châu Á, Diplomat nhận định.

Với chuyến thăm với đối thủ xưa trong lịch sử, ông Hollande không chỉ thúc đẩy quan hệ kinh tế mà cả trong lĩnh vực quân sự. Và bây giờ là thời điểm tốt nhất. Việt Nam hiện nay là một thị trường cho các loại chiến đấu cơ và hệ thống tên lửa tân tiến. Sau vụ tai tiếng rò rỉ hàng loạt các dữ liệu về công ty đóng tàu ngầm DCNS, Pháp nhất thiết phải đưa ra một hình ảnh tích cực về độ tin cậy và sự nghiêm túc của họ trên phương diện hợp tác quốc phòng. Và đó cũng là lúc để cùng nghiên cứu một chính sách nhằm cạnh tranh với các cường quốc châu Á.

Diplomat đánh giá, việc Mỹ dỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam đã biến nước này thành một khách hàng tiềm tàng cho các nhà sản xuất vũ khí của Pháp. Nhưng cuộc cạnh tranh với các nhà cung cấp châu Á khá là gay gắt, đó là chưa tính đến Nga và Mỹ. Việc Ấn Độ tuyên bố cấp 500 triệu USD tín dụng để tăng cường năng lực quốc phòng, kết hợp với việc Hà Nội ký kết các thỏa thuận quân sự với Nhật Bản càng làm cho phái đoàn của Pháp thêm gặp khó khăn.

Tạp chí Nhật Bản cho rằng với lực lượng dân quân biển của Trung Quốc hoạt động tích cực ở Biển Đông bất chấp phán quyết của Tòa Trọng tài The Hague bác bỏ cái gọi là “quyền lịch sử” của nước này tại các vùng lãnh hải có tranh chấp, Bắc Kinh dường như sẽ gia tăng các hoạt động gây hấn. Hơn bao giờ hết, Hà Nội cần phải gia tăng trao đổi với một đối tác châu Âu.

Trong bối cảnh trên, Pháp có lẽ là một sự đặt cược tốt nhất. Paris đã chuẩn bị cho chính sách “xoay trục” sang Đông Nam Á ngay từ đầu năm 2013. Sau chuyến thăm thành phố Hồ Chí Minh của chiến hạm Georges Leygues của Hải quân Pháp, tàu chiến Vendemiaire đã đến thăm cảng Đà Nẵng trong tháng 5/2016, và tàu đổ bộ Tonnerre đã cập cảng biển quốc tế Cam Ranh. Đó là những bằng chứng đủ để cho thấy là Pháp đang trở lại Đông Nam Á.