Việt Nam lên tiếng việc TQ hoàn tất quân sự hóa đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông

VietTimes – Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mọi việc làm của nước ngoài tại khu vực này mà không có sự cho phép của Việt Nam là hoàn toàn bất hợp pháp và không thể thay đổi thực tế là Việt Nam có chủ quyền hợp pháp với hai quần đảo này.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam – bà Lê Thị Thu Hằng - đã nhấn mạnh điều này tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 15/6.

Cụ thể, trả lời câu hỏi về phản ứng của Việt Nam trước thông tin Trung Quốc sắp hoàn tất quân sự hóa các đảo nhân tạo trái phép trên Biển Đông, bà Lê Thị Thu Hằng – khẳng định, Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

"Mọi việc làm của nước ngoài tại khu vực hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa mà không có sự cho phép của Việt Nam là hoàn toàn bất hợp pháp và không thể làm thay đổi thực tế là Việt Nam có chủ quyền với hai quần đảo này" – người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh

"Chúng tôi cho rằng là một quốc gia lớn ở khu vực và trên thế giới, Trung Quốc cần hành động có trách nhiệm và mang tính xây dựng trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực cũng như ở Biển Đông trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế" - bà Hằng khẳng định.

Trước đó, theo một báo cáo ngày 6/6 của Bộ Quốc phòng Mỹ, đến cuối năm 2016, Trung Quốc đã hoàn thành các cơ sở quân sự phi pháp ở Trường Sa và có thể triển khai ba trung đoàn máy bay chiến đấu tại đây.

Trong đó, Trung Quốc đã xây dựng 24 nhà chứa máy bay, lắp đặt nhiều hệ thống vũ khí cố định và cơ sở hạ tầng quân sự tại các bãi đá mà Bắc Kinh chiếm đóng trái phép ở Biển Đông.

Các nỗ lực mở rộng hiện diện quân sự của Trung Quốc trên quần đảo Trường Sa tập trung vào việc xây dựng các cơ sở hạ tầng tại đá Chữ Thập, đá Subi và đá Vành Khăn, sau khi đã hoàn thành 4 căn cứ nhỏ hơn vào đầu năm 2016.

Trong năm 2015, Trung Quốc lần đầu tiên cho máy bay dân dụng hạ cánh xuống đường băng xây dựng trái phép trên ba đá này.