Việt Nam không thua kém thế giới về công nghệ blockchain

Ông Nguyễn Thế Quang - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, hiện nay công nghệ blockchain của Việt Nam không hề thua kém thế giới, mà đang ngang nhau trên mặt bằng phát triển.

Sáng nay (8/6), Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số và Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn Vietnam Blockchain Summit 2018 (VBS) với chủ đề “Từ Công nghệ tới Chính sách”.

Công nghệ blockchain sẽ trở nên thân thuộc với mọi người dân

Chia sẻ với báo chí về khả năng ứng dụng của blockchain bên lề Diễn đàn, ông Nguyễn Thế Quang - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho rằng, trong tương lại công nghệ blockchain chắc chắn sẽ trở nên thân thuộc với tất cả người dân Việt Nam.

Dẫn chứng về vấn đề này, ông Quang chia sẻ, cách đây 25 năm khi Internet bắt đầu vào Việt Nam đã có khá nhiều người tỏ ra nghi ngờ về sự phát triển và ứng dụng của nó, nhưng đến nay thực tiễn đã chứng minh công nghệ này vô cùng cần thiết và trở nên không thể thiết đối với phần lớn người dân Việt Nam. Công nghệ blockchain cũng đang lặp lại lịch sử như vậy.

“Hiện nay công nghệ blockchain của Việt Nam không hề thua kém thế giới, mà đang ngang nhau trên mặt bằng phát triển. Trong thời gian ngắn nữa thôi, blockchain sẽ áp dụng mọi lĩnh vực cuộc sống, trở nên vô cùng quen thuộc và cần thiết đối với mọi người dân Việt Nam”, ông Quang chia sẻ.

Tại Diễn đàn Vietnam Blockchain Summit 2018 (VBS) với chủ đề “Từ Công nghệ tới Chính sách”.

Tuy nhiên, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng cho rằng, để phát triển thành công trên thị trường Việt Nam, các nhà nghiên cứu phải chứng minh được công nghệ blockchain là vượt trội. Cùng với đó, cần phải có chính sách tốt để thúc đẩy phát triển.

“Để phát triển và ứng dụng blockchain thật sự không khó, các khó ở đây là nhận thức xã hội. Tôi hoàn toàn tin tưởng công nghệ blockchain sẽ trở nên thân thuộc với tất cả người dân trong thời gian tới”, ông Quang nhấn mạnh.

Theo khảo sát của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WWF), nhiều chuyên gia hàng đầu dự đoán tới năm 2025 có tới 10% GDP toàn cầu được lưu giữ nhờ công nghệ blockchain. Cũng vào năm đó sẽ có những chính phủ thu thuế thông qua công nghệ này.

Thương mại điện tử tại Việt Nam đang phát triển rất mạnh

Cũng liên quan đến sự phát triển của công nghệ tại Việt Nam, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho biết, hiện thương mại điện tử trong nước đang phát triển với tốc độ rất nhanh.

Theo ước tính của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử năm 2017 đạt trên 25% và tốc độ này có thể được duy trì trong ba năm tiếp theo 2018 - 2020.

Cũng theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, mặc dù sự phát triển của thương mại điện tử đã bắt đầu lan tỏa tới nhiều địa phương nhưng khoảng cách số vẫn còn rất lớn. Hai thành phố lớn nhất đồng thời là hai trung tâm kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội tiếp tục có sự phát triển mạnh mẽ. Ngoài Đà Nẵng là trung tâm kinh tế của miền Trung, những địa phương có thứ hạng cao là địa phương nằm trong khu vực cận kề với hai thành phố trên.

Trong khi chưa có số liệu thống kê chính thức của cơ quan thống kê, VECOM đã tiến hành khảo sát doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực kinh doanh để ước tính tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của năm 2017.

Kết quả khảo sát cho thấy tốc độ tăng trưởng năm 2017 so với năm trước ước tính trên 25%. Nhiều doanh nghiệp cho biết, tốc độ tăng trưởng năm 2018 sẽ duy trì ở mức tương tự.

Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng trong một số lĩnh vực cụ thể rất ngoạn mục. Cụ thể, đối với lĩnh vực bán lẻ trực tuyến, thông tin từ hàng nghìn website thương mại điện tử cho thấy tỷ lệ tăng trưởng doanh thu năm 2017 tăng 35%.

Khảo sát gián tiếp qua một số doanh nghiệp chuyển phát hàng đầu cho thấy, tốc độ tăng trưởng doanh thu từ dịch vụ chuyển phát từ 62% đến 200%.

Đối với lĩnh vực thanh toán, theo thông tin từ Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS), năm 2017 tăng trưởng số lượng giao dịch trực tuyến thẻ nội địa tăng khoảng 50% so với 2016, trong khi giá trị giao dịch tăng trưởng tới 75%.

Trong lĩnh vực tiếp thị trực tuyến, một số công ty tiếp thị liên kết có tốc độ tăng trưởng năm 2017 đạt từ 100% đến 200%.

Trong lĩnh vực du lịch, theo khảo sát của Grant Thornton, năm 2016 đặt phòng qua đại lý du lịch trực tuyến (OTA) chiếm tỉ lệ 20% doanh thu đặt phòng.

Khảo sát năm 2017 của VECOM cho thấy, tỷ lệ này tiếp tục tăng mạnh và đạt mức trên 30%. Nếu kết hợp

với đà tăng hai chữ số của doanh thu du lịch thì có thể ước tính tốc độ tăng trưởng doanh thu du lịch trực tuyến trên 50%.

Theo VnMedia

http://vnmedia.vn/truyen-thong-so/201806/viet-nam-khong-thua-kem-the-gioi-ve-cong-nghe-blockchain-605198/