Việt Nam đứng trước nguy cơ bị tấn công mạng cao

Các cuộc tấn công mạng tại Việt Nam có xu hướng diễn biến phức tạp, trong đó nguy cơ lớn nhất là những cuộc tấn công có chủ đích.
Buổi diễn tập bảo vệ hệ thống thông tin vào ngày 7/10 tại TP HCM. Ảnh: H.Đ.
Buổi diễn tập bảo vệ hệ thống thông tin vào ngày 7/10 tại TP HCM. Ảnh: H.Đ.

Hình thức tấn công này sẽ cài mã độc xâm nhập vào hệ thống, chờ đến khi cần thiết mới đưa ra hành động làm ảnh hưởng đến trật tự xã hội cũng như quyền lợi hợp pháp của người dân.

Thực trạng này dẫn đến nguy cơ tấn công mạng trên nhiều lĩnh vực, từ chính quyền, như các trang thông tin điện tử tổng hợp, đến các trang web phục vụ người dân như ngân hàng, bảo hiểm...

Do đó, vào ngày 7/10 vừa qua, TP HCM đã tổ chức diễn tập bảo vệ hệ thống thông tin lần thứ 3, sau hai lần đầu diễn ra trước đó vào năm 2013 và 2015. Việc diễn tập thực hiện theo sự chỉ đạo của UBND TP HCM, nhằm nâng cao trình độ kỹ thuật và nhận thức về an toàn thông tin của đội ngũ cán bộ vận hành hệ thống công nghệ thông tin của các quận huyện, sở ngành cũng như một số tỉnh lân cận. Trước hôm diễn tập chính, Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM cũng chủ trì mở lớp tập huấn kiến thức về bảo vệ thông tin cho các cán bộ liên quan.

Đợt diễn tập năm nay quy mô lớn, có sự tham dự của đại diện UBND TP HCM, Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Công nghệ thông tin - Bộ Tổng tham mưu - Bộ Quốc Phòng, Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM, lãnh đạo các sở ngành và 24 quận huyện, đội ứng cứu khẩn cấp cùng các chuyên gia và doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực an toàn thông tin. Bên cạnh đó, việc cho phép các đội từ trường đại học, các chuyên gia công nghệ đăng ký tham gia diễn tập trực tiếp trên hệ thống được thiết kế bám sát thực tế là một điều mới trong chương trình năm nay.

Trong sự kiện này, những thông tin về tình hình an ninh an toàn thông tin gần đây nhất của Việt Nam cũng được các chuyên gia chia sẻ. Theo đó, VNCERT đánh giá tình hình an ninh mạng Việt Nam đã ở mức báo động.

Số liệu của cơ quan này cho thấy ngay trong 6 tháng đầu năm 2016 ghi nhận 8.758 vụ giả mạo hệ thống để lừa đảo (phishing), 77.160 vụ tấn công thay đổi giao diện (deface) và 41.712 vụ tấn công mã độc. Những con số này tăng gần 2,5 lần so với tổng số sự cố malware được ghi nhận trong cả năm 2015 và gấp 5 lần so với số sự cố malware của cả năm 2014. Hầu hết các chuyên gia đều nhìn nhận tình hình an ninh mạng đang diễn biến phức tạp và tinh vi.

Các thống kê cho thấy Việt Nam là quốc gia đứng thứ 19 trên thế giới và thứ 14 tại châu Á trong tháng 7 với 23,8% thiết bị công nghệ thông tin bị lây nhiễm phần mềm độc hại, giảm 2% so với tháng 6. Trong tháng 7, tỷ lệ thư rác phát tán có nguồn gửi từ Việt Nam là 9%, tăng 1,6% so với tháng 6 (7,4%), tức là cứ 1.000 thư rác được gửi đi trên thế giới thì có 90 thư rác được gửi đi từ Việt Nam. Vì thế nước ta vẫn giữ nguyên vị trí thứ 3 trên thế giới và thứ 2 tại châu Á về tỷ lệ nguồn thư rác được phát tán.

Ngoài ra, sự bùng nổ về di động cũng kéo theo việc Việt Nam nằm trong khu vực có tỷ lệ người dùng thiết bị di động bị tấn công 10,1-15%, trong nhóm cao thứ hai trên thế giới.

Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia có nguy cơ bị tấn công di động cao thứ hai trên thế giới. Nguồn:Kaspersky Lab.

Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia có nguy cơ bị tấn công di động cao thứ hai trên thế giới. Nguồn:Kaspersky Lab.

Đứng trước mối nguy về an toàn thông tin đang có xu hướng tăng, các chuyên gia khuyến cáo doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước đầu tư nghiêm túc về công nghệ lẫn nhân sự để đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, quan trọng nhất là nâng cao ý thức an ninh thông tin cho nhân viên lẫn các lãnh đạo, nhằm phòng ngừa rủi ro ngay từ đầu. Chỉ cần ý thức không mở các đường link nghi vấn, email lạ, không cài đặt ứng dụng không rõ nguồn…, là đã góp phần lớn trong việc ngăn chặn lây nhiễm, lây lan phần mềm độc hại.

Theo VNE