Việt Nam "bắt tay" Nhật để phát triển công nghiệp ôtô

Ngoài sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô, còn có năm ngành công nghiệp khác cần ưu tiên hợp tác phát triển với Nhật Bản là điện tử; máy nông nghiệp; chế biến nông, thủy sản; đóng tàu; môi trường và tiết kiệm năng lượng.
Chiến lược phát triển ô tô của Việt Nam trước đây đã gần như phá sản
Chiến lược phát triển ô tô của Việt Nam trước đây đã gần như phá sản

Chính phủ vẫn cho thấy mong muốn thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô và phụ tùng của Việt Nam thông qua một chỉ đạo mới đây.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục trao đổi với Đại sứ quán Nhật Bản để thống nhất nội dung và hoàn thiện dự thảo kế hoạch hành động phát triển ngành công nghiệp ô tô và phụ tùng ô tô trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng tới.

Đây là một trong những chỉ đạo của Phó Thủ tướng về Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1043/QĐ-TTg

Theo Quyết định được ký vào tháng 7-2013 thì sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô sẽ là một trong sáu ngành công nghiệp ưu tiên trong chiến lược trên. Điểm đáng chú ý của chiến lược này là sẽ phát triển vượt bậc ngành sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô (vốn rất yếu của Việt Nam hiện nay - pv) thành những ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế, có giá trị gia tăng cao và năng lực cạnh tranh quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

Theo quyết định này, ngoài sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô, còn có năm ngành công nghiệp khác cần ưu tiên hợp tác phát triển với Nhật Bản là điện tử; máy nông nghiệp; chế biến nông, thủy sản; đóng tàu; môi trường và tiết kiệm năng lượng.

Nhật Bản cùng các doanh nghiệp ô tô đã nhiều lần đề nghị Việt Nam xây dựng một kế hoạch hành động phát triển công nghiệp ô tô. Trong đó, vấn đề quan trọng là xây dựng các chính sách ưu đãi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư lớn cho ngành công nghiệp này. 

Và thời gian qua Bộ Công Thương đã xây dựng các chính sách ưu đãi để thúc đẩy công nghiệp ô tô, đặc biệt là về các mức thuế, phí.

Điều đáng chú ý trong việc khẳng định quyết tâm phát triển ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam là vào giữa năm 2014 Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Mục tiêu chính yếu của chiến lược này là đến năm 2026, ngành sản xuất ô tô trong nước phát triển vững chắc và trong chuỗi sản xuất của ngành công nghiệp ô tô thế giới có tên Việt Nam.

Trong chiến lược nói trên Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành rà soát lại các cơ chế, chính sách, nhất là các chính sách về thuế, kèm theo các tiêu chí, điều kiện rất cụ thể, bảo đảm khả thi và có tính ổn định, lâu dài, phù hợp với các cam kết quốc tế.

Nhật Bản là một trong những quốc gia có ngành công nghiệp ô tô phát triển hàng đầu thế giới, giới phân tích cho rằng việc Việt Nam hợp tác với Nhật Bản phát triển ngành này là rất tốt. Tuy nhiên câu hỏi đặt ra, chỉ còn không tới bốn năm nữa việc giảm thuế nhập khẩu ô tô về 0% từ khu vực ASEAN sẽ có hiệu lực, liệu Việt Nam có còn đủ thời gian để phát triển nhằm cạnh tranh với các nước như Thái Lan và Indonesia - vốn đang phát triển mạnh ngành này qua các khoản cam kết đầu tư lớn của các hãng ô tô Nhật Bản và thế giới.

Nguồn: chinhphu.vn