Vì sao Trung Quốc ra sức phát triển lực lượng đổ bộ?

VietTimes -- Trung Quốc đang phát triển lực lượng đổ bộ để thúc đẩy các yêu sách ở vùng biển xung quanh, trong đó có Biển Đông, nhưng điều này còn ít được dư luận chú ý.
Tàu đổ bộ cỡ lớn Nghi Mông Sơn số hiệu 988 Type 071 Hải quân Trung Quốc (ảnh tư liệu)
Tàu đổ bộ cỡ lớn Nghi Mông Sơn số hiệu 988 Type 071 Hải quân Trung Quốc (ảnh tư liệu)

Tờ Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc ngày 4/10 dẫn tờ The National Interest Mỹ ngày 30/9 đăng bài viết "Một phần sức mạnh quân sự của Trung Quốc mà tất cả mọi người đều quên" của phó giáo sư Lyle J. Goldstein, Viện nghiên cứu hàng hải Trung Quốc, Học viện quân sự hải quân Mỹ.

Bài viết cho rằng những năm gần đây Hải quân Trung Quốc thông qua triển khai lượng lớn tàu khu trục, tàu hộ vệ và tàu tuần tra hạng nhẹ mới (có khả năng tác giả nhắc đến tàu hộ vệ hạng nhẹ Type 056), đã tăng cường rất lớn sức mạnh trên biển.

Nhưng, điều không rõ ràng lắm với dư luận bên ngoài là lực lượng đổ bộ của Trung Quốc cũng luôn phát triển từng bước, hơn nữa sự phát triển này có ý nghĩa quan trọng.

Ngay từ mười năm trước, Trung Quốc đã nói rõ mục tiêu phát triển nghiêm túc khả năng tác chiến đổ bộ, khi đó đã đưa ra tàu đổ bộ cỡ lớn Type 071.

Hiện nay, Trung Quốc sở hữu 4 chiếc tàu đổ bộ loại này, mỗi chiếc có thể chở 500 - 800 binh sĩ, còn có thể chở tới 6 máy bay trực thăng, hơn nữa cũng có thể chở 60 xe đổ bộ hoặc 4 tàu đệm khí đổ bộ.

Tàu bảo đảm tổng hợp mới GY820, dài 90 m, rộng 14,6 m, lượng giãn nước 2.700 tấn, là tàu chiến lớn nhất của Lục quân Trung Quốc. Ảnh: Đa Chiều.
Tàu bảo đảm tổng hợp mới GY820, dài 90 m, rộng 14,6 m, lượng giãn nước 2.700 tấn, là tàu chiến lớn nhất của Lục quân Trung Quốc. Ảnh: Đa Chiều.

Cấp chỉ huy cao nhất của Hải quân Trung Quốc đã thể hiện tự tin rõ rệt đối với loại tàu chiến này, điều loại tàu chiến này "tiến ra vùng nước sâu", trong đó bao gồm điều đến vịnh Aden triển khai hành động tấn công cướp biển vào năm 2010.

Do loại tàu chiến này đã được nghiên cứu rộng rãi, vì vậy dư luận đặt trọng điểm vào các phương diện sáng tạo chưa được quan tâm nhiều khác của Hải quân Trung Quốc.

Thứ gây tò mò nhất là tàu tấn công đổ bộ mới GY800 với kích cỡ trung bình đưa ra hồi năm 2014. Trong tạp chí Quốc phòng Trung Quốc kỳ 1 tháng 12/2015, loại tàu độc đáo này được mô tả là một loại tàu bảo đảm tổng hợp mới, dài 90 m.

Ngoài vận chuyển thành công xe tăng chiến đấu và có sàn tàu hạ cánh máy bay trực thăng ở đuôi tàu, nhiệm vụ thực tế của nó hay khả năng tác chiến lại không được đề cập, chỉ nói loại tàu này đã được điều đến Biển Đông vận chuyển tiếp tế.

Đương nhiên, một điểm kỳ lạ nhất của loại tàu cỡ trung bình này là nó được đánh dấu rõ là một loại "tàu lục quân". Có thể là hải quân chủ yếu phụ trách nhiệm vụ đánh chiếm bờ biển, còn lục quân luôn đặt trọng tâm vào khả năng "bốc dỡ" hậu cần sau khi xây dựng trận địa trên bờ biển.

Máy bay trực thăng vũ trang Z-10 bay thử nghiệm trên tàu đổ bộ xe tăng Bát Tiên Sơn số hiệu 913 Type 072III của Hạm đội Đông Hải, Hải quân Trung Quốc. Ảnh: Sina
Máy bay trực thăng vũ trang Z-10 bay thử nghiệm trên tàu đổ bộ xe tăng Bát Tiên Sơn số hiệu 913 Type 072III của Hạm đội Đông Hải, Hải quân Trung Quốc. Ảnh: Sina

Với ý nghĩa này, loại tàu này thực ra cho thấy đã xuất hiện một lực lượng đổ bộ lớn hơn, năng lực mạnh hơn của Trung Quốc. Hơn nữa, lực lượng đổ bộ này hầu như là lực lượng "liên hợp" thực sự.

Một bước đi quan trọng khác của Trung Quốc để tăng cường khả năng tác chiến đổ bộ liên hợp là vào năm 2014 máy bay trực thăng tấn công Z-10 của lực lượng mặt đất khi đó đã tiến hành bay thử trên tàu tấn công đổ bộ số hiệu 913.

Vài năm qua, tàu đổ bộ được báo chí quan tâm nhiều nhất là vấn đề cải tạo và nội địa hóa tàu đổ bộ đệm khí Zubr của Ukraine. Loại tàu ít người biết hơn và lại quan trọng hơn có thể là tàu đổ bộ Type 074A cỡ nhỏ.

Tạp chí Khoa học kỹ thuật công binh Trung Quốc kỳ 1 mùa xuân năm 2016 đã nói chi tiết về loại tàu này. Thiết kế kết cấu thân tàu 2 chiếc đầu tiên của loại tàu đổ bộ này có thể cung cấp tính ổn định, tàng hình và sự tiện lợi trong bốc dỡ hàng hóa lớn hơn.

Loại tàu này rõ ràng có thể chở 3 chiếc xe tăng chiến đấu Type 96A hoặc 6 xe tác chiến đổ bộ Type 63 hoặc 250 binh sĩ chiến đấu. Trong tình hình chở đầy, lượng giãn nước của loại tàu đổ bộ này là 800 tấn, tốc độ cao nhất là 18 hải lý/giờ.

Không còn nghi ngờ gì nữa, nếu "tiến hành tác chiến đổ bộ vượt biển quy mô lớn", loại tàu cỡ nhỏ có giá trị chế tạo rẻ này sẽ trở thành lực lượng quan trọng của Hải quân Trung Quốc.

Tàu đổ bộ hai thân Type 074A của Quân đội Trung Quốc. Ảnh: Thời báo Hoàn Cầu
Tàu đổ bộ hai thân Type 074A của Quân đội Trung Quốc. Ảnh: Thời báo Hoàn Cầu

Sự phát triển của những lực lượng trên đã cho thấy một bước phát triển của tác chiến đổ bộ đã được tính toán kỹ càng, chú trọng sáng tạo và có kiểm soát. Nếu Trung Quốc "muốn", họ có thể sở hữu nhiều tàu đổ bộ Type 071 hơn.

Trong tình hình hiện nay, lực lượng đổ bộ sau nâng cấp của Trung Quốc cũng có thể trở thành nhân tố mang tính quyết định trong tình hình xảy ra xung đột ở xung quanh Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo báo Trung Quốc, cho đến nay Trung Quốc luôn duy trì "kiềm chế nhất định" trong phát triển lực lượng đổ bộ, có thể tiếp tục “giữ kiềm chế” thông qua tiếp tục phát triển khả năng tác chiến đổ bộ, qua đó phát đi một loại “tín hiệu” với khu vực.