Vì sao Nhật Bản sẽ trở thành quốc gia phần mềm dịch vụ hàng đầu?

Lực lượng lao động trẻ ngày một khan hiếm cùng sự vươn lên của các startup phần mềm dịch vụ (SaaS) đã trở thành đòn bẩy lý tưởng biến đất nước mặt trời mọc trở thành thị trường SaaS hàng đầu thế giới.
Từ nay tới năm 2030, 2,3 triệu người lao động Nhật trong độ tuổi từ 15-64 dự kiến sẽ biến mất. Ảnh: Getty Images.
Từ nay tới năm 2030, 2,3 triệu người lao động Nhật trong độ tuổi từ 15-64 dự kiến sẽ biến mất. Ảnh: Getty Images.

Nói một cách đơn giản, phần mềm dịch vụ SaaS (hay Software-as-a-Service) là một dạng phần mềm chạy trên nền web có thể truy cập từ xa bằng các thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại thông minh... Để sử dụng, doanh nghiệp thường phải trả phí hàng tháng. Tuy nhiên khoản tiền này thường nhỏ hơn nhiều so với chi phí cần bỏ ra để phát triển từ đầu, vận hành và bảo trì các phần mềm nói trên. Doanh nghiệp sẽ có cơ hội tiếp cận với các phần mềm có hiệu suất cao với một mức giá hợp lí hơn.

Ngành SaaS có tiềm năng tăng trưởng vượt trội trong vài năm tới. Các công ty SaaS như Saleforce và Adobe ước tính sẽ gặt hái được 76 tỉ đô la Mỹ doanh thu vào năm 2018. Con số này được kì vọng sẽ tăng vọt lên 117 tỉ đô la Mỹ vào năm 2021, theo công ty nghiên cứu ngành công nghiệp Gartner.

Trên thế giới, thị trường SaaS nổi bật nhất phải kể đến Nhật Bản. Xứ sở hoa anh đào được kì vọng sẽ trở thành thị trường SaaS hàng đầu thế giới. Năm ngoái, giá trị thị trường phần mềm nói chung của Nhật Bản đạt 11 tỉ đô la Mỹ, trong đó Saas chiếm 31%, tương đương với 3.5 tỉ đô la Mỹ. Đến năm 2021, giá trị thị trường phần mềm nơi đây được kì vọng sẽ lên đến 19 tỉ đô la Mỹ, trong đó 6 tỉ đô la Mỹ thuộc về SaaS, theo Fuji Keizai Group.

Vậy những nhân tố nào đã thúc đẩy đà tăng trưởng của ngành SaaS tại đất nước mặt trời mọc?

Thứ nhất là dân số ngày một suy giảm. Từ nay tới năm 2030, 2,3 triệu người lao động Nhật trong độ tuổi từ 15-64 dự kiến sẽ biến mất, theo công ty nghiên cứu và tư vấn Mitsubishi UFJ. Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cũng ước tính đến năm 2030, 590.000 công việc liên quan tới công nghệ sẽ bị bỏ trống.

Thực trạng và rủi ro nói trên đã đốc thúc các công ty nhanh chóng đẩy mạnh tiến trình tự động hóa và áp dụng các giải pháp kinh doanh ít tiêu hao nhân lực hơn. Mô hình SaaS chính là một trong những câu trả lời thỏa đáng cho vấn đề này. SaaS đặc biệt quan trọng trong các ngành nghề đòi hỏi đôi tay và bộ não của con người, chẳng hạn như công nghiệp sản xuất, sản xuất lương thực, xây dựng, logistics, y tế và tài chính. 

Thứ hai, các khoản đầu tư vốn mạo hiểm vào các startup Nhật chuyên về SaaS ngày một gia tăng. Năm 2017, giá trị đầu tư đạt 230 triệu đô la Mỹ, con số cao nhất trong 10 năm gần đây. Tuy vậy phần vốn đầu tư mạo hiểm thực sự được sử dụng trong năm lại lên tới 2,5 tỉ đô la Mỹ. Điều này đồng nghĩa chỉ 90,8% vốn rót vào doanh nghiệp SaaS là vốn gián tiếp, theo NewsPicks.

Đầu năm 2018, một doanh nghiệp startup cung cấp dịch vụ kế toán trên nền tảng SaaS có tên gọi Freee đã kêu gọi được 57 triệu đô la Mỹ từ các nhà đầu tư. Đây là một con số đáng chú ý, nếu xét trên quy mô của thị trường vốn mạo hiểm khiêm tốn tại Nhật Bản. 
Những năm gần đây chứng kiến nhiều công ty SaaS niêm yết trên sàn chứng khoán Tokyo, trong số đó có Money Forward, một nền tảng tài chính doanh nghiệp và cá nhân, với mức vốn hóa hơn 600 triệu đô la Mỹ và Rakus với vốn hóa 780 triệu đô la Mỹ. Ngoài ra còn có Uzabase với giá trị thị trường chạm ngưỡng 730 triệu đô la Mỹ. Chắc chắn trong một vài năm tới, nhiều doanh nghiệp SaaS cũng sẽ đặt chân lên sàn chứng khoán và một vài trong số đó có thể đạt được giá trị thị trường hơn một tỉ đô la Mỹ.

Cuộc cách mạng SaaS là một điều tất yếu sẽ nổ ra tại Nhật Bản. Hiện tại cuộc cách mạng này vẫn còn rất sơ khai. Điều này đồng nghĩa trong tương lai, SaaS hứa hẹn sẽ bùng bổ, mang lại những tác động sâu sắc và lâu dài hơn nữa cho Nhật Bản nói riêng và thế giới nói chung.

Theo Forbes Vietnam

https://forbesvietnam.com.vn/tin-cap-nhat/vi-sao-nhat-ban-se-tro-thanh-quoc-gia-phan-mem-dich-vu-hang-dau-4918.html