Vì sao ngành nhạc số Trung Quốc có lãi, trong khi Spotify thua lỗ?

Thị trường Trung Quốc, nơi ai cũng nghĩ rằng tỷ lệ vi phạm tác quyền quá cao để các công ty nhạc số có thể kiếm lời. Tuy nhiên, sự thật có hàng chục triệu người Trung Quốc đang chấp nhận trả tiền để nghe nhạc có bản quyền, và các thương hiệu nhạc số tại đây đang thu về lợi nhuận. Chuyện gì đã xảy ra?
Doanh thu từ nhạc số của tập đoàn Tencent đạt khoảng 16,7 triệu USD/tháng.
Doanh thu từ nhạc số của tập đoàn Tencent đạt khoảng 16,7 triệu USD/tháng.

Sức mạnh của Tencent

Trong số 3 đại tập đoàn Internet tại Trung Quốc hiện nay – Tencent, Alibaba và Baidu – thì hiện Tencent đang thống lĩnh thị trường streaming nhạc số với hơn 77% thị phần, và kho nhạc hơn 17 triệu bài. Cả 3 dịch vụ nhạc số lớn nhất Trung Quốc – QQ Music, Kugou và Kuwo – đều thuộc sở hữu của Tencent. Tuy nhiên, 3 thương hiệu này hoạt động độc lập và chuyên phục vụ những phân khúc khách hàng khác nhau.

Người đứng đầu đơn vị Tencent Music Entertainment Group là Andy Ng cho biết: “Những người dùng QQ Music thường sống tại các đô thị cấp 1 của Trung Quốc, trong khi người dùng Kugou và Kuwo thường sống tại các đô thị cấp 2 và cấp 3”. Số người dùng hàng tháng (MAU) của các dịch vụ nhạc số này là 600 triệu người, còn số người dùng hàng ngày (DAU) là 200 triệu.

Vi sao nganh nhac so Trung Quoc co lai, trong khi Spotify thua lo?
Thị phần của các dịch vụ streaming nhạc số tại Trung Quốc. Ảnh: Business Insider

Cũng theo ông Ng cho biết, Tencent rất mạnh tay với các hành vi xâm phạm bản quyền, và cam kết loại bỏ các nội dung có vi phạm trong vòng 1 tiếng.

Theo số liệu từ ông Ng, số người nghe nhạc có trả tiền của Tencent đã tăng mạnh, từ mức 5 triệu người trong năm 2015 lên 15 triệu người ngày nay. Tencent đang dự kiến con số này sẽ đạt 25 triệu trong năm 2019. Ng cho rằng về lâu dài thì con số người nghe nhạc có trả tiền tại Trung Quốc có thể lên tới 210 triệu người.

Xem ra, kỳ vọng này không quá xa sự thật. Khảo sát mới đây của Tencent cho thấy hơn 50% cư dân mạng tại Trung Quốc sẵn sàng trả tiền cho nội dung, so với con số 30% cách đây 2 năm. Trong khi dịch vụ nhạc số lớn nhất thế giới là Spotify (Thụy Điển) thua lỗ hơn 600 triệu USD trong năm ngoái, thì QQ Music đã có lãi. Theo Andy Ng cho biết hồi tháng 1/2017, doanh thu từ nhạc số của Tencent đạt khoảng 16,7 triệu USD/tháng.

Một điều đáng chú ý nữa là người Trung Quốc vẫn ưa chuộng nhạc nội nhất. Theo Ng cho biết, tuy 60% thư viện nhạc số của Tencent là nhạc tiếng Anh, và chỉ có 4% là nhạc tiếng Trung, nhưng các bài nhạc tiếng Trung lại thu hút tới hơn 80% số người dùng.

Vi sao nganh nhac so Trung Quoc co lai, trong khi Spotify thua lo?
Tencent hiện đứng thứ 3 thế giới về số người nghe nhạc số có trả tiền (đơn vị triệu người). Ảnh: Business Insider

Để bảo đảm vị thế thống trị, Tencent đã ký hợp đồng phát hành độc quyền với các hãng âm nhạc lớn như Sony, Warner, JVR, Linfair, cũng như chi khá nhiều tiền cho các hoạt động pháp lý bảo vệ tác quyền âm nhạc. Ngoài ra, hãng cũng chủ động thuyết phục các nghệ sĩ vận động fan của mình ngưng nghe nhạc lậu, và nếu các fan muốn nghe các album mới nhất thì hãy chịu khó trả thêm vài tệ cho gói dịch vụ đang dùng.

Số lượng bù chất lượng

Bên cạnh các nỗ lực trấn áp nạn vi phạm bản quyền từ phía chính phủ lẫn doanh nghiệp Trung Quốc, một phần nguyên nhân thành công của các dịch vụ nhạc số tại nước này là giá rẻ. Gói dịch vụ rẻ nhất trên QQ Music chỉ có giá 5 tệ/tháng (0,74 USD), và khoảng 70% số người dùng có trả tiền là dùng gói này.

Vi sao nganh nhac so Trung Quoc co lai, trong khi Spotify thua lo?
Các dịch vụ nhạc số nhiều người dùng nhất Trung Quốc, tính đến tháng 3/2017 (đơn vị triệu người dùng hàng tháng - MAU). Ảnh: Business Insider

Trung Quốc hiện là thị trường âm nhạc lớn thứ 10 thế giới. Theo tính toán từ Hiệp hội Ghi âm Quốc tế (IFPI), doanh thu nhạc có bản quyền tại Trung Quốc đạt gần 170 triệu USD trong năm 2015. Đây là một con số lớn, nhưng nếu tính bình quân đầu người thì mỗi người Trung Quốc chỉ chi ra chưa tới 0,1 USD/năm cho âm nhạc.

Làn sóng K-pop dự kiến sẽ là hướng tăng trưởng sắp tới cho ngành nhạc số Trung Quốc. Trên trang QQ Music, một số fan cuồng K-pop đã mua album của thần tượng mình hơn 100 lần để được thưởng một huy hiệu ảo, với giá 0,75 USD/album.

Tencent đã ký hợp đồng với K-Digital Media (KDM) của Hàn Quốc để bổ sung thêm 10 triệu bài hát nữa vào kho nhạc của mình. Hiện tại, KDM đang nắm bản quyền của hơn 12 triệu bài hát, cũng như 10 triệu phim và MV (music video).

Theo Tạp chí Nhịp cầu đầu tư
http://nhipcaudautu.vn/cong-nghe/ict/vi-sao-nganh-nhac-so-trung-quoc-co-lai-trong-khi-spotify-thua-lo-3319423/