Vì sao doanh nghiệp Đài Loan quyết tham gia tranh thầu dự án tàu ngầm mới?

VietTimes -- Doanh nghiệp Đài Loan đang tìm nhiều cách để trúng thầu chế tạo tàu ngầm mới do chính quyền đảo Đài Loan sắp mở thầu. Các công ty nước ngoài có công nghệ và kinh nghiệm, nhưng gặp khó bởi áp lực từ Trung Quốc.
Tư lệnh Hải quân Đài Loan Hoàng Thự Quang và Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn. Ảnh: UDN.
Tư lệnh Hải quân Đài Loan Hoàng Thự Quang và Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn. Ảnh: UDN.

Tờ Bành Bái Trung Quốc ngày 21/9 dẫn tờ Jane's Defence Weekly Anh ngày 20/9 cho hay tại Lễ khai mạc Triển lãm hàng hải-quốc phòng quốc tế ở Cao Hùng, Đài Loan ngày 16/9, một mô hình tàu ngầm của Công ty TNHH cổ phần đóng tàu Đài Loan (China Shipbuilding Corporation, CSBC) đã gây chú ý, đây có thể là mô hình tàu ngầm thế hệ mới của Hải quân Đài Loan.

Một nguồn tin chính quyền Đài Loan ngầm tiết lộ với tờ Jane's Defence Weekly: Đây hoàn toàn không phải là thiết kế tàu ngầm đã được xác định, nhưng Đài Loan thực sự đang cân nhắc mua sắm tàu ngầm mới.

Nguồn tin tiết lộ, trị giá hợp đồng thiết kế tàu ngầm mới khoảng 3 tỷ Đài tệ (khoảng 95 triệu USD), nhà cầm quyền Đài Loan dự tính mở thầu trước cuối năm 2016, hợp đồng chương trình dự tính kéo dài đến năm 2019.

Hiện nay, Hải quân Đài Loan sở hữu tổng cộng 4 tàu ngầm, trong đó có 2 tàu ngầm lớp Hải Long do Hà Lan cung cấp hồi đầu thập niên 1980 và 2 tàu ngầm lớp Hải Sư do Mỹ chế tạo trong thời gian Chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Tàu ngầm của  Hải quân Đài Loan. Ảnh: Sina
Tàu ngầm của Hải quân Đài Loan. Ảnh: Sina

Do 4 tàu ngầm này đã sử dụng quá lâu, thiết bị kỹ thuật và tính năng tác chiến đều bị ảnh hưởng rất lớn, vì vậy bắt đầu từ đầu thế kỷ này, Đài Loan đã tìm cách mua sắm tàu ngầm mới.

Tờ Defense News Mỹ tháng 8/2015 cho biết Quân đội Đài Loan có thể tìm cách mua 4 - 8 tàu ngầm động cơ diesel mới của Công ty Lockheed Martin và Công ty Raytheon Mỹ.

Nhưng tình hình cho thấy, doanh nghiệp đóng tàu Đài Loan cũng muốn tham gia thiết kế và chế tạo tàu ngầm mới.

Tại triển lãm quốc phòng lần này, có trên 150 doanh nghiệp tham gia, trong đó có nhiều doanh nghiệp đóng tàu có thực lực và ảnh hưởng của Đài Loan như Công ty TNHH cổ phần đóng tàu Khánh Phú, Công ty TNHH đóng tàu quốc tế Đài Loan, Tập đoàn đóng tàu Trung Tín, Công ty TNHH cổ phần công nghiệp đóng tàu Long Đức và Trung tâm nghiên cứu phát triển đóng tàu và công nghiệp biển (Ship And Ocean Industries R&D Center, SOIC, đóng vai trò cố vấn thiết kế) - họ từng chỉ đạo thiết kế tàu chiến mặt nước của Hải quân Đài Loan.

Do hoạt động lần này được Hiệp hội công nghiệp đóng tàu Đài Loan tổ chức, tờ Jane's Defence Weekly cho rằng doanh nghiệp Đài Loan có ý định thông qua triển lãm lần này để thể hiện khả năng phát triển và sản xuất của ngành đóng tàu địa phương trước tình hình Chính phủ Đài Loan công bố chương trình đấu thầu tàu ngầm mới trong ngắn hạn.

Tàu ngầm Đài Loan huấn luyện. Ảnh: defence.org.cn
Tàu ngầm Đài Loan huấn luyện. Ảnh: defence.org.cn

Được biết, để tìm cách giành được hợp đồng này, cách đây không lâu, Công ty TNHH đóng tàu quốc tế Đài Loan đã thành lập Trung tâm nghiên cứu phát triển tàu ngầm mới.

Trong lễ khai mạc triển lãm quốc phòng, mô hình tàu ngầm mới được dư luận chú ý chính là do công ty này cung cấp.

Nhưng, không ít công ty công nghiệp quốc phòng nổi tiếng quốc tế cũng tham gia triển lãm quốc phòng, trong đó có Hãng đóng tàu Pháp (DCN), Tập đoàn THALES Pháp - hai công ty này từng cung cấp 6 tàu hộ vệ lớp Lafayette cho Đài Loan vào thập niên 1990.

Ngoài ra còn có nhiều doanh nghiệp công nghiệp quân sự của Mỹ như Công ty FLIR Systems, Công ty Lockheed Martin và Công ty Level 3 Communications.

Mặc dù các doanh nghiệp công nghiệp quân sự quốc tế chiếm ưu thế về công nghệ và kinh nghiệm trong thiết kế và chế tạo tàu ngầm, nhưng lại đối mặt với sức ép từ Trung Quốc.

Trang tin của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết tháng 5/1981, do Chính phủ Hà Lan phê chuẩn cho công ty nước họ bán tàu ngầm cho Đài Loan, Trung Quốc tuyên bố sẽ hạ cấp quan hệ ngoại giao hai nước xuống cấp đại biện, buộc Chính phủ Hà Lan vào ngày 1/2/1984 cam kết không tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan.

Tiền Kỳ Thâm, cựu Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc. Ảnh: Đa Chiều
Tiền Kỳ Thâm, cựu Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc. Ảnh: Đa Chiều

Còn theo tiết lộ trong một cuốn sách của cựu Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tiền Kỳ Thâm, sau khi Pháp quyết định bán 6 tàu hộ vệ lớp Lafayette và 60 máy bay chiến đấu Mirage-2000-5 hồi đầu thập niên 1990, Pháp cũng bị Chính phủ Trung Quốc đáp trả cứng rắn.

Trung Quốc không chỉ rút một bộ phận dự án hợp tác lớn với Pháp như tàu điện ngầm Quảng Châu, công trình giai đoạn 2 nhà máy điện hạt nhân vịnh Đại Á, cũng không tiếp tục bàn với Pháp các dự án hợp tác kinh tế thương mại quan trọng mới, đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc trao đổi giữa cán bộ cấp Thứ trưởng trở lên giữa hai nước, đóng Tổng lãnh sự quán của Pháp ở Quảng Châu.

Tháng 12/2015, sau khi Chính phủ Mỹ quyết định bán vũ khí trang bị trị giá khoảng 1,83 tỷ USD cho Đài Loan, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trịnh Trạch Quang đã triệu kiến Đại biện lâm thời Mỹ tại Trung Quốc Kaye Lee để phản đối.

Ông Trịnh Trạch Quang cho biết "Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và các nguyên tắc cơ bản trong quan hệ quốc tế... Trung Quốc quyết định áp dụng biện pháp cần thiết, bao gồm tiến hành trừng phạt đối với các doanh nghiệp Mỹ tham gia bán vũ khí cho Đài Loan lần này".

Máy bay chiến đấu F-16A Đài Loan tiến hành huấn luyện (ảnh tư liệu)
Máy bay chiến đấu F-16A Đài Loan (mua của Mỹ) tiến hành huấn luyện (ảnh tư liệu)