Vì sao Chính phủ phải vay dự trữ ngoại hối để chi tiêu?

Đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu), Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cho biết trong điều kiện đi vay khó khăn thì đề xuất vay dự trữ ngoại hối là cần thiết.
Hình minh họa
Hình minh họa

“Nguyên nhân phải vay thì đã rõ, Quốc hội duyệt bội chi năm 2015 là 226 nghìn tỷ đồng và 130 nghìn tỷ đồng cần đảo nợ, huy động 250 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ (mới huy đồng được 60 nghìn tỷ đồng). Như vậy tổng lượng huy động của Kho bạc Nhà nước sẽ lên đến gần 500 nghìn tỷ đồng. Do vậy, phải có dự toán thu chi ngân sách mới thực hiện được kế hoạch đầu tư bằng nguồn trái phiếu Chính phủ”, ông Thụ phân tích.

Chính phủ khó vay vốn

Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi, dư nợ của các tổ chức tín dụng bắt đầu tăng thì việc huy động vốn để bù đắp bội chi ngân sách nhà nước cũng như để đảo nợ, hoặc để đầu tư bằng nguồn trái phiếu cũng là hết sức khó khăn. 

“Trong khi đó, dự trữ ngoại hối mấy năm qua có sự cải thiện đáng kể. Thực tế nguồn này cũng chính là quỹ tài chính của Nhà nước ngoài ngân sách. Khi Chính phủ không thể đi vay được ở bên ngoài thì có thể vay từ các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách. Điều này Luật Ngân sách cũng đã quy định trong trường hợp ngân sách phải bội chi và để bù đắp thì có thể tạm ứng từ quỹ dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước”, ông Thụ cho biết.

Nhưng ông Thụ nhấn mạnh việc vay này phải được hoàn trả trong năm tài chính, trừ trường hợp đặc biệt do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định.

Dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước, nguồn: HSBC

“Như vậy, xét về cơ sở pháp lý trong điều kiện bù đắp ngân sách nhà nước cũng như đảo nợ, đầu tư từ trái phiếu Chính phủ có thể đề xuất sử dụng quỹ dự trữ ngoại hối và phải hoàn trả trong năm. Nếu như không hoàn trả được trong năm thì phải báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận thì mới đúng với quy định của pháp luật”, ông Thụ phân tích.

HSBC cho rằng nguyên nhân nảy sinh đề xuất này là do nhu cầu yếu kém đối với trái phiếu Chính phủ ở các phiên đấu giá gần đây. BộTài chính đang trong thời điểm khó khăn với việc phát hành trái phiếu trong năm nay.

Trong 250.000 tỷ đồng kếhoạch phát hành trái phiếu được ấn định cho năm 2015, BộTài chính chỉ mới phát hành thành công 66.000 tỷ đồng từ đầu năm tới nay (tương đương với 27% kế hoạch).

Một trong những nguyên nhân của tình hình ảm đạm này là Nghị quyết 78 đã có hiệu lực từ đầu năm 2015 quy định BộTài chính chỉ có thể phát hành trái phiếu có thời hạn bằng hoặc dài hơn năm năm. Điều này đã làm việc phát hành trái phiếu của Việt Nam có sự ảnh hưởng lớn.

“Ngoài ra, một lý do khiến nhu cầu yếu đối với trái phiếu dài hạn yếu có thể là những dự luật vừa mới được ban hành gần đây như Thông tư 36 giới hạn các NHTM sử dụng các nguồn vốn ngắn hạn của mình để đầu tư trái phiếu Chính phủ”, HSBC bình luận.

Đại biểu Quốc hội có quyền chất vấn

Với yêu cầu chất vấn Chính phủ về việc vay dự trữ ngoại hối, ông Thụ cho rằng luật đã cho phép thì đại biểu cũng không ý kiến gì. “Hơn nữa, cùng là tiền của Nhà nước, việc dùng dự trữ ngoại hối thay vì phải đi vay và trả lãi thì có nên hay không?”, ông Thụ đặt câu hỏi.

Tại cuộc họp Chính phủ tháng 4 vừa qua, Thứ trưởng BộTài chính Vũ Thị Mai đã đề nghị Chính phủ sử dụng nguồn dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước làm nguồn cấp vốn thay thế.

Về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết việc vay dự trữ ngoại hối là theo quyền hạn của Chính phủ, Quốc hội không duyệt cái này nhưng với nguyên tắc vay và trả trong năm tài chính. Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội có quyền được hỏi, chất vấn Chính phủ về việc vay nguồn dự trữ ngoại hối này để làm gì.

Theo ông Kiêm, việc Chính phủ đề xuất vay dự trữ ngoại hối là trường hợp bất đắc dĩ. Thường thì khoản vay này chỉ mang tính chất ngắn hàng, có mục đích, còn nếu lạm dụng để vay thì rất nguy hiểm cho ngân sách, nền kinh tế.

Theo HSBC, việc Ngân hàng Nhà nước vừa phải dùng nguồn dự trữ ngoại tệ để bảo vệ tỷ giá và tài trợ vốn cho các dự án Chính phủ sẽ khiến VND rơi vào thế bấp bênh. Dự trữ ngoại tệ hiện nay chỉ ở khoảng 35 tỷUSD (tương đương 2,5 tháng nhập khẩu), thấp hơn nhiều so với mức tối thiểu cần thiết là ba tháng.

“Do đó, Ngân hàng Nhà nước dường như không có dư địa để cho Chính phủ vay.

Một giải pháp dễ dàng hơn để giải quyết nguyên nhân gốc rễ của vấn đề là sửa đổi Nghị quyết 78 đã có hiệu lực trong năm nay vốn buộc BộTài chính phải phát hành trái phiếu với kỳhạn bằng hoặc dài hơn năm năm”, HSBC bình luận.

Quốc hội đã bắt đầu kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XIII vào ngày 20/5/2015 và kéo dài đến ngày 26/6/2015. Trong kỳ họp này, Quốc hội sẽ thông qua 11 dự án luật và một nghị quyết, trong đó có sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước. Nếu như Nghị quyết 78 được sửa đổi cho phép BộTài chính phát hành trái phiếu có kỳ hạn ngắn hơn năm năm sẽ làm giảm áp lực cho tình hình hiện tại.

“Ngay cả khi nghị quyết này không được sửa đổi, theo quan điểm của chúng tôi, đề xuất sử dụng khoản dự trữ ngoại tệ cũng khó được thông qua. Trong bối cảnh này, đề xuất của Chính phủsử dụng nguồn dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước có thể là một động thái khuyến khích Quốc hội bãi bỏ những dự luật này. Nguồn dự trữ ngoại tệ thanh khoản là một công cụ cần thiết để duy trì sự ổn định của tiền đồng và bảo vệ uy tín của Ngân hàng Nhà nước”, HSBC bình luận.

HSBC cho rằng bất kỳ quyết định nào về việc Chính phủ được vay tiền từ nguồn dự trữ ngoại tệ cũng sẽ gây rủi ro đến sự ổn định tiền đồng.

Với lo ngại cho Chính phủ vay dự trữ ngoại hối có thể ảnh hưởng đến tỷ giá, ông Kiêm cho rằng không ảnh hưởng bởi dự trữ ngoại hối đã tốt hơn, nên độ an toàn cũng cao hơn.

Theo Bizlive