Vì sao Chính phủ muốn cắt bỏ 2.000 điều kiện kinh doanh

VietTimes -- Các điều kiện kinh doanh đó được đặt ra nhân danh quản lý nhà nước nhưng sự thật là mảnh đất để tạo cơ chế xin-cho, vòi vĩnh, hạn chế quyền kinh doanh của người dân, gây phiền hà cho doanh nghiệp.
Ảnh minh họa. Nguồn Vietnammoi
Ảnh minh họa. Nguồn Vietnammoi

Tôi được nhiều người liên hệ, hỏi han sau khi đưa tin đầu tiên về 2.000 điều kiện kinh doanh được đề xuất cắt bỏ trên báo. Điều đó có nghĩa, điều kiện kinh doanh – chủ đề không hút view - vẫn còn được quan tâm chứ không đến nỗi nào.

Có một vị chuyên gia uy tín đặt câu hỏi, bỏ ngần ấy điều kiện kinh doanh thì bộ máy sống thế nào? Tôi đã không trả lời câu hỏi cốt tử đó vì tự thân nó đã phản ánh thực tế là vì ai và để làm gì mà rất nhiều điều kiện kinh doanh không cần thiết được duy trì, bảo vệ.

Theo dõi Luật Doanh nghiệp suốt từ năm 1999, tôi thấy các điều kiện kinh doanh ngày càng nảy nở như nấm sau mưa trong các văn bản chỉ đạo, trong các văn bản pháp luật, các quy hoạch ngành, sản phẩm… mà các báo cáo của CIEM và VCCI gần đây đã chỉ rõ.

Các điều kiện kinh doanh đó được đặt ra nhân danh quản lý nhà nước nhưng sự thật là mảnh đất để tạo cơ chế xin-cho, vòi vĩnh, hạn chế quyền kinh doanh của người dân, gây phiền hà cho doanh nghiệp.

Hà cớ gì mà doanh nghiệp muốn được xuất khẩu gạo, họ phải đáp ứng được những điều  kiện hết sức ngặt nghèo như có ít nhất một kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc; có ít nhất một cơ sở xay, xát thóc, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ; phải xuất khẩu gạo trong thời gian 12 tháng liên tục mới được cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu gạo? (Nghị định 109)

Vì sao lại quy định thương nhân kinh doanh khí gas phải có kho tổng dung tích các bồn chứa tối thiểu 3.000 m3 gas, có số lượng chai gas với với tổng dung tích chứa tối thiểu hơn 3,93 triệu lít; thương nhân phân phối khí có các bồn chứa với tổng dung tích tối thiểu 300 m3, có số lượng chai với tổng dung tích chứa tối thiểu 2,62 triệu lít? (Nghị định 19).

Vì lẽ gì mà những điều kiện kinh doanh có dấu hiệu của lợi ích nhóm như trên không thể bị cắt bỏ dù trái Luật Đầu tư và biết bao doanh nghiệp than khóc về chúng suốt thời gian dài?

Những điều kiện kinh doanh đó đã ngăn cản bao nhiêu doanh nghiệp khởi nghiệp chỉ trong hai lĩnh vực này, cũng như tạo biết bao rủi ro cho những doanh nghiệp đang kinh doanh mà không đáp ứng các tiêu chí đó.

Nói thế để thấy, gần 6.000 điều kiện kinh doanh chính thức, mà CIEM chỉ ra, đã và đang làm thui chột tinh thần khởi nghiệp của người dân như thế nào.

Từ tháng 4-2016 đến nay có bao nhiêu điều kiện kinh doanh được gỡ bỏ? Chắc chắn là không nhiều, và có thể khẳng định, nhiều điều kiện kinh doanh trong các thông tư đã được nâng cấp lên nghị định trong đợt rà soát chưa từng có hồi tháng 7-2016.

Ông Bùi Quang Vinh, nguyên Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, từng có sáng kiến trong Luật Đầu tư, theo đó điều kiện kinh doanh chỉ được quy định trong cấp nghị định trở lên, có nghĩa chỉ có Thủ tướng mới có quyền đặt điều kiện kinh doanh thay vì nhiều cấp từ trung ương tới địa phương.

Thật đáng tiếc, không ít luật được ban hành sau Luật Đầu tư được Quốc hội thông qua năm 2014 lại trao quyền cho các bộ trưởng quy định về điều kiện kinh doanh, tức vi phạm ngay quy định mà Quốc hội đã quyết định trong Luật đó.

Vì lẽ đó, câu chuyện cắt giảm điều kiện kinh doanh mà Thủ tướng ủng hộ trong tuần trước, sẽ còn đầy chông gai.

Song có nhiều bằng chứng trong lịch sử cho thấy, một số lĩnh vực cứ khi nào Nhà nước rút khỏi đâu thì thị trường phát triển tốt đến đấy.

Chẳng hạn, Bộ Công Thương suốt 5 năm trước luôn khăng khăng về sự cần thiết phải kiểm định formaldehyde, bỏ qua mọi kiến nghị của các doanh nghiệp dệt may. Vậy mà từ khi Bộ này, dưới thời Chính phủ mới, bỏ đi yêu cầu này mà mọi việc êm ru, không thấy bất kỳ ai trong nền kinh tế, trong xã hội phản ứng.

Điều kiện kinh doanh bắt đầu được quan tâm xử lý dưới thời Thủ tướng Phan Văn Khải. Ông Khải lúc đó đã thành lập Tổ công tác thi hành luật Doanh nghiệp, và trực tiếp nghe tổ này báo cáo định kỳ mỗi tháng một lần. Đó là tinh thần rất kiên quyết, cầu thị của Thủ tướng.

Kết quả hàng trăm điều kiện kinh doanh đã được gỡ bỏ, tạo một không khí khởi nghiệp đầy hứng khởi lúc đó.

Hiện nay, nhiều chuyên gia tư vấn, để đạt được mức tăng trưởng cao, bền vững Chính phủ nên tập trung vào các chính sách trọng cung thay vì trọng cầu. Lý do thì rất dài, nhưng ngắn gọn là Chính phủ nên tập trung vào cải thiện môi trường kinh doanh để người dân, doanh nghiệp yên tâm bỏ tiền ra đầu tư làm ăn, thay vì chỉ tập trung vào mở rộng các chính sách tài khóa và tiền tệ thì tăng trưởng mới thực sự bền vững.

Yêu cầu các bộ cắt bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết, mà danh sách của nó đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư và VCCI chuẩn bị đầy đủ, mới là lựa chọn đúng cho số đông người dân và doanh nghiệp, chứ không vì lợi ích của một vài quan chức.

Nhiều người nói với tôi, họ hi vọng Thủ tướng, người từng thành công với đề án 30 về cải cách thủ tục hành chính, sẽ thật sự quan tâm và tháo gỡ được nút thắt này để doanh nghiệp dễ thở.