Vì sao các Đại biểu Quốc hội lại bấm “3 nút”?

VietTimes -- Đưa “bấm nút” vào biểu quyết là một bước tiến dài của hoạt động QH nhưng việc bấm “hai nút” hay “ba nút” lại là chuyện không hề đơn giản. Người góp phần không nhỏ để cuối cùng các ĐBQH bấm “ba nút” như hiện nay là TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm VPQH. 
Các đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết.
Các đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết.

Đưa “bấm nút” vào QH như thế nào?

Ông là một trong những nhân vật chủ chốt đưa công nghệ thông tin (CNTT) vào hoạt động Quốc hội (QH). Công việc đó diễn ra như thế nào, thưa ông?

- Khi tôi về làm việc tại Văn phòng Quốc hội (VPQH) thì chưa ai đặt ra việc áp dụng CNTT vào các hoạt động của QH. Tôi đã chủ động tham mưu cho lãnh đạo VPQH là đưa CNTT vào sinh hoạt QH. Rất may là Chủ nhiệm VPQH thời bấy giờ là anh Vũ Mão đã rất ủng hộ. Công việc đầu tiên của chúng tôi là thành lập Phòng ứng dụng CNTT. Tiếp theo là xin chủ trương cho phép tìm kiếm dự án hợp tác quốc tế để hỗ trợ cho việc xây dựng hệ thống CNTT.

Tổ chức Hợp tác phát triển Quốc tế Thụy Điển (Sida) đã được lựa chọn giúp xây dựng mạng nội bộ (mạng LAN). Có thể nói đây là mạng kết nối nội bộ đầu tiên trong các cơ quan nhà nước của Việt Nam. Sau đó, được sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, chúng tôi xây dựng website đầu tiên của QH. Website này được đánh giá là hiện đại nhất ở thời điểm ấy.

Cho đến sau này, khi được phân công phụ trách mảng CNTT và truyền thông của QH, tôi đã có điều kiện để xây dựng nên mạng kết nối nội bộ, rồi đưa các ứng dụng vào, tiến tới thúc đẩy hình thành nên hệ thống thông tin của QH. Trải qua những bước dài về ứng dụng CNTT, chúng tôi tiếp tục xây dựng hộp thư điện tử QH và cuối cùng là đầu tư xây dựng và phát triển Cổng thông tin điện tử của QH như ngày hôm nay.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm VPQH.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm VPQH.

Một trong những bước đột phá của quá trình “CNTT hóa” các hoạt động của QH là việc các Đại biểu (ĐB) QH biểu quyết tại hội trường bằng việc “bấm nút”. Ông có thể nói về quá trình này không?

- Đây là một quá trình không hề đơn giản. Trước đó, sinh hoạt của QH thường có sự thống nhất rất cao. Mỗi khi biểu quyết, các ĐBQH thường nhất trí rất cao. Vì vậy, việc kiểm phiếu (nếu bỏ phiếu kín), hoặc đếm (nếu giơ tay) là khá đơn giản. Tuy nhiên, theo thời gian, hoạt động của QH ngày càng trở nên dân chủ hơn, các ĐBQH, vì thế, cũng thể hiện chính kiến nhiều hơn. Khi biểu quyết, số ĐB không tán thành cũng nhiều lên, lại xuất hiện thêm những ĐB không biểu quyết. Vì vậy, việc đếm thủ công không những mất nhiều thời gian mà nhiều khi còn không chính xác.

Trong bối cảnh ấy, sau khi đi khảo sát việc ứng dụng CNTT vào các hoạt động của QH nhiều nước trên thế giới về, tôi đã chủ động tham mưu cho Chủ nhiệm VPQH trình lãnh đạo QH cho phép thực hiện “bấm nút” điện tử trong biểu quyết của các ĐBQH. Công việc này được một đơn vị quân đội đảm nhiệm và sau đó thì thiết kế hệ thống biểu quyết “bấm nút” hiện đại hơn bằng công nghệ của Philips.

Ông vừa nói việc thực hiện biểu quyết bằng “bấm nút” là quá trình hết sức khó khăn. Những khó khăn đó là gì, thưa ông?

- Khó khăn lớn nhất là thuyết phục để lãnh đạo chấp nhận “3 nút bấm”:  Đồng ý, không đồng ý và không biểu quyết. Khó khăn không phải là vì CNTT, mà là quan niệm về 3 loại biểu quyết. Lúc ấy, nhiều người cho rằng, đã là ĐB của dân hay đã là những người cộng sản thì chính kiến phải rõ ràng. Tức là đồng ý hoặc không đồng ý, chứ không thể có quan điểm “lừng khừng”. Dân bầu ra ĐBQH là để “anh” bày tỏ chính kiến rõ ràng, chứ không có chính kiến là thế nào? Đấy, thời bấy giờ quan niệm là như vậy.

“Hai nút” hay “ba nút”?

Vậy, ông giải quyết vấn đề này bằng cách nào?

- Chủ nhiệm VPQH Vũ Mão rất quyết tâm, nhưng đúng lúc ấy ông lại phải đi công tác nước ngoài. Ông giao nhiệm vụ lại cho tôi ở nhà là phải bằng mọi cách thuyết phục cho được lãnh đạo QH chấp nhận phương án “3 nút bấm”. Tôi suy nghĩ rất nhiều: nếu không khéo léo sẽ thất bại, mặc dù cả về lý thuyết lẫn thực tiễn tôi đều rất tin rằng, mình đúng.

Có 2 lý do khiến tôi tin điều đó. Một là về thực tiễn, QH của các nước trên thế giới, đa phần người ta đều làm thế. Hai là từ những quan sát và nghiên cứu nhiều năm mà tôi có được, có thể khẳng định, việc thực hiện “3 nút bấm” không chỉ thể hiện tính dân chủ hơn trong sinh hoạt QH, mà còn đúng đắn hơn.

Bởi vì, khi một ĐBQH không phản đối một chính sách nào đó, nhưng cũng chưa đủ cơ sở để ĐB đó tin rằng chính sách ấy đưa lại lợi ích cho cử tri mà ĐB đó đại diện, nên giải pháp tốt nhất đúng với lương tâm của “anh ta” là không biểu quyết. Hoặc nói cách khác, nếu chỉ có “2 nút bấm” thì vô tình đã đẩy ĐBQH ấy vào tình thế là phải “chống lại” một chính sách mang tính lập pháp, trong khi đó vì chưa đủ thông tin, nên họ không muốn “bấm nút” chống. Trong trường hợp như vậy, theo tôi, không biểu quyết là có trách nhiệm hơn việc bấm nút “bừa đi” cho xong chuyện.

Sau khi đã suy nghĩ kỹ như vậy, tôi quyết định trình thẳng lên Chủ tịch QH Lê Quang Đạo. Bởi vì, nếu trình theo đúng quy trình là lên Tổng thư ký của QH, rất có thể tờ trình sẽ bị bác. Sự việc sau đó diễn ra đúng như vậy. Nghe tôi trình bày, Chủ tịch Lê Quang Đạo đồng ý ngay.

Sau đó tôi đưa tờ trình sang Tổng thư ký. Nghe xong ông ấy bảo: “Cậu mới về QH biết gì mà nói”. Rồi ông ấy kiên quyết bác tờ trình. Lúc ấy buộc lòng tôi phải nói là đã báo cáo Chủ tịch QH và Chủ tịch đã đồng ý. Ông ấy cáu ầm lên: “Đã xin ý kiến Chủ tịch rồi còn hỏi ý kiến tôi làm gì nữa”.

Nói như vậy để thấy rằng việc đưa CNTT vào hoạt động QH là không hề đơn giản. Tuy nhiên, việc khó khăn hơn nhiều đó là xác định loại thông tin nào thì được đưa lên, loại nào không. Vấn đề bảo mật thông tin, an ninh thông tin được xử lý như thế nào. Đó là những câu chuyện dài, mất rất nhiều thời gian và công sức mới giải quyết được ổn thỏa.

Hoạt động của Quốc hội đã trải qua những bước dài về ứng dụng CNTT (ảnh minh họa)

Khi các ĐBQH “bấm nút” biểu quyết thì trên bảng điện tử chỉ hiện ra số lượng và phần trăm số ĐBQH tán thành, không tán thành, không biểu quyết. Theo ông thì có nên công bố danh sách cụ thể tên tuổi các ĐBQH tán thành, không tán thành, không biểu quyết không? Vì sao?

- Trước hết cần phải nói rằng khi các ĐBQH “bấm nút” thì hệ thống điện tử đều có ghi tên tuổi các ĐBQH tán thành, không tán thành, không biểu quyết. Tức là, đối với máy tính, ai biểu quyết thế nào đều có hết. Vấn đề còn lại là có nên công bố danh sách cụ thể này hay không mà thôi.

Cái gì cũng đều có hai mặt của nó cả. Nếu công bố toàn bộ danh sách đó ra thì tính dân chủ, tính chịu trách nhiệm của các ĐBQH sẽ cao hơn. Hơn nữa, nếu có nhầm lẫn thì có thể điều chỉnh được. Ví dụ, một ĐB nào đó “bấm nút” tán thành, nhưng máy tính lại ghi là không tán thành, khi công bố danh sách cụ thể, ĐB đó có thể yêu cầu điều chỉnh.

Ở nhiều nước người ta công khai. Có nước, nghị sĩ khi biểu quyết còn đi theo cửa tán thành hoặc chống đối để người ta còn đếm ai tán thành, ai chống đối.

Tuy nhiên đối với QH nước ta khó là ở chỗ, nếu công khai như vậy thì ĐBQH có dám thẳng thắn thể hiện chính kiến của mình hay không, nhất là khi “bấm nút” chống. Nếu công khai danh tính biểu quyết, trên thực tế, rất dễ dẫn đến hạn chế quyền tự do của ĐB. 

Gỡ băng và truyền hình trực tiếp

Việc gỡ băng phát biểu của các ĐBQH khi thảo luận tại hội trường được in ra, và sau này được đưa lên Cổng thông tin điện tử của QH đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho việc tra cứu, nghiên cứu không chỉ cho các ĐBQH, các nhà báo mà còn cho những người quan tâm đến vấn đề này. Đưa việc gỡ băng này vào sinh hoạt QH được thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Có thể nói việc gỡ băng các báo cáo, tham luận, phát biểu tại hội trường QH là bước tiến rất lớn trong hoạt động của QH.

Qua khảo sát sinh hoạt QH nước ngoài chúng tôi thấy, thường thì họ có đội ngũ tốc ký. Đội ngũ này nghe rồi đánh tốc ký. Sau đó họ về gỡ ra thành từng bài. Ở ta không có một đội ngũ như vậy và chi phí cho công việc này lại rất lớn. Vì vậy, chúng tôi đã tham mưu cho lãnh đạo QH là nên chọn cách làm của QH Đan Mạch là cho ghi âm các phát biểu của các ĐBQH và sau đó là gỡ băng. Cách làm này tuy có chậm đôi chút nhưng vẫn đảm bảo kịp thời cho công tác tra cứu. Phương án này được chấp nhận và VPQH thành lập một bộ phận ghi âm và gỡ băng.

Một bước tiến nữa trong hoạt động QH là truyền hình trực tiếp. Chuyện này chúng ta có học nước ngoài không?

- QH các nước và QH nước ta đều giống nhau trong khâu truyền hình trực tiếp (THTT) ở chỗ: Phiên họp công khai thì THTT, còn phiên họp kín thì không. Tuy nhiên việc họp kín thì QH nước ta và QH nước ngoài lại khác nhau. Phiên họp kín của QH chúng ta là những phiên họp bàn những vấn đề bí mật, cần giữ bí mật như vấn đè nhân sự,vấn đề quốc phòng, an ninh…

QH nước ngoài chỉ họp kín khi thảo luận về một vấn đề nhạy cảm nếu họp công khai ĐB sẽ không nói thẳng thắn được, không nói đúng suy nghĩ của các ĐB. Ví dụ như việc tăng lương tối thiểu cho công nhân thì được gì, mất gì đối với nền kinh tế. Nếu họp công khai thì chỉ có những ý kiến ủng hộ việc tăng lương, bảo vệ người lao động sẽ dễ dàng bày tỏ hơn. Còn những ý kiến phải giữ mức lương công nhân thấp thì nền kinh tế mới phát triển, doanh nghiệp mới hoạt động được, mới tạo ra nhiều công ăn việc làm hơn, lợi ích lớn hơn…, nếu công khai, rất dễ bị cử tri bài xích

Xin cám ơn ông!