Vì sao báo Charlie Hebdo bị tấn công?

Tuần báo trào phúng có trụ sở tại Paris này, được thành lập năm 1970, nổi tiếng với những bức biếm họa táo bạo và châm biếm liều lĩnh nhằm vào giới chính khách, người của công chúng và cả các biểu tượng tôn giáo.
Một người đang đọc tờ báo Charlie Hebdo - Ảnh chụp màn hình
Một người đang đọc tờ báo Charlie Hebdo - Ảnh chụp màn hình

Charlie Hebdo - tạp chí Pháp bị các tay súng tấn công làm ít nhất 12 người chết hôm 7/1 - không còn lạ gì các cuộc tranh cãi.

Mặc dù động cơ đằng sau vụ tấn công kinh hoàng ngày 7/1 vẫn còn chưa rõ, các bức biếm họa suồng sã chế nhạo Nhà tiên tri Mohammed trong những năm gần đây đã chọc giận không ít người Hồi giáo và từng khiến tòa soạn báo này trở thành mục tiêu bị tấn công.

"Mọi người trong làng báo đều biết họ, hãng tin CNN dẫn lời Marie Turcan, một phóng viên ở cách văn phòng của Charlie Hebdo chỉ 200m khi vụ xả súng xảy ra. "Họ đã mãi để lại dấu ấn của mình trong làng báo Pháp bằng những bức vẽ và phóng sự của họ".

Tháng 11/2011, văn phòng của Charlie Hebdo từng bị đốt phá cùng ngày tạp chí này định ra một ấn bản với trang bìa dường như chế giễu luật Hồi giáo. Bức tranh trang bìa vẽ hình biếm họa Nhà tiên tri Mohammed đầy râu với chiếc khăn vấn trên đầu kèm dòng chữ: "100 roi nếu bạn không chết cười".

Vào tháng 9/2012, bất chấp những tranh cãi nóng bỏng đang diễn ra về bộ phim bài đạo Hồi "Sự ngây thơ của người Hồi giáo", tạp chí này vẫn phát hành ấn bản có một bức biếm họa dường như mô tả một Mohammed khỏa thân, cùng một trang bìa dường như vẽ Mohammed đang bị một người Do Thái chính thống đẩy vào một xe lăn. Các quan chức Pháp và Mỹ đều bày tỏ bất bình với quyết định này, và Paris phải tạm đóng cửa các sứ quán cùng trường học ở khoảng 20 quốc gia để đề phòng.

Nhà báo Laurent Leger của Charlie Hebdo đã lên tiếng bênh vực tạp chí vào thời điểm đó, nói rằng những bức biếm họa như vậy không nhằm kích động tức giận hay bạo lực. "Mục đích chỉ để cười vui", Leger nói trên đài BFM-TV năm 2012. "Ở Pháp, chúng tôi luôn có quyền viết và vẽ. Và nếu ai đó không thích điều này thì họ có thể kiện chúng tôi và chúng tôi có thể tự bảo vệ. Đó là dân chủ".

Thông điệp mới nhất của Charlie Hebdo trên Twitter trước cuộc tấn công hôm qua có một bức biếm họa vẽ thủ lĩnh Nhà nước Hồi giáo (IS) Abu Bakr al-Baghdadi dường như đang ước nguyện năm mới với dòng chữ "Và, trên tất cả, sức khỏe".

Sau diễn biến bạo lực linh hoàng, hàng nghìn người đã bày tỏ tình đoàn kết với báo trên truyền thông xã hội, đăng tải những hình ảnh kèm dòng chữ "Je Suis Charlie" màu trắng trên nền đen, hoặc gửi lời chia buồn tới tạp chí trên Twitter.

Nhiều người Hồi giáo coi hình vẽ nhà tiên tri của đạo này là một sự báng bổ. Pháp có số dân theo đạo Hồi nhiều nhất ở Tây Âu, khoảng 4,7 triệu người.

Những phát ngôn “mạnh miệng” của Charlie Hebdo

Trong vụ ném bom năm 2011, tổng biên tập của Charlie Hebdo, ông Stephane Charbonnier, 1 trong 10 nhà báo bị thiệt mạng hôm 7.1, đã mạnh dạn tuyên bố trên AP: Muhammad không đe dọa được tôi. Tôi sống theo luật của Pháp với quyền tự do ngôn luận được tôi bày tỏ qua tranh vẽ. Tôi không sống theo luật của Hồi giáo.

Về việc chính phủ Pháp phải đóng cửa tạm thời đại sứ quán ở các nước Hồi giáo vì hành động của Charlie Hebdo năm 2012 đã khiến dư luận bức xúc, chỉ trích tờ báo.

Tuy nhiên, tuần báo vẫn kiên quyết đi theo đường lối ban đầu. Tờ Time dẫn lời nhà báo Laurent Léger thuộc Charlie Hebdo cho biết, “mục đích của chúng tôi là để gây cười”

“Chúng tôi muốn cười nhạo tất cả các tổ chức cực đoan. Họ có thể là Hồi giáo, Công giáo và Do thái giáo. Mọi người có thể trở thành con chiên ngoan đạo nhưng những hành động và suy nghĩ cực đoan từ đó là không thể chấp nhận được”, ông Laurent Léger nói.

Đối với vụ việc 12 bức ảnh năm 2006, Charlie Hebdo đã công bố một bức thư gồm chữ kí của 12 nhà báo. Trong thư, họ dõng dạc tuyên bố: “Chúng tôi, những người trí thức, những nhà báo, kêu gọi chống lại chế độ tôn giáo cực đoan, thúc đẩy tiến trình tự do và bình đẳng”, theo tờ Time.

Theo VNN, TN