Vận động hành lang của chứng khoán

Vận động hành lang (lobby) trong bài gói gọn phạm vi động thái của chủ thể trên thị trường chứng khoán theo Thông tư 36 Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn hoạt động tổ chức tín dụng, có hiệu lực từ ngày 01.2.2015.
Vận động hành lang của chứng khoán
“Đấu tranh” cho margin!

Thông tư 36 chưa đến ngày thực hiện và kể từ khi nó được ban hành, phản ứng của phần lớn giới ngân hàng là đồng thuận với các quy định đưa ra. Thông tư 36 trải ra một khoảng rộng 12 tháng để các ngân hàng xử lý sở hữu chéo và đấy không phải quãng thời gian ngắn. Thay vào đó họ nói đến Thông tư 02 (quy định phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động ngân hàng) áp dụng từ ngày 1-1-2015 đang làm thay đổi các con số nợ xấu, lợi nhuận, tổng tài sản, hiệu quả kinh doanh của ngân hàng. Vậy tại sao những đối tượng không trực tiếp chịu sự điều chỉnh của Thông tư 36 như chứng khoán lại lên tiếng?

Đầu tiên Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán kiến nghị NHNN xem xét lại lộ trình thực hiện Thông tư 36. Mấu chốt là quy định tỷ lệ cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán được thông tư “chốt” ở 5% vốn điều lệ ngân hàng. Sau đó cựu Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, ông Lê Xuân Nghĩa, cho rằng tỷ lệ 5% nói trên sẽ làm giảm ghê gớm dòng tiền chảy vào chứng khoán. Ông Nghĩa nhận xét các ngân hàng quốc doanh và nửa quốc doanh hầu như không cho vay chứng khoán, các ngân hàng TMCP có thể cho vay tối đa 8.000 tỉ đồng trên tổng vốn điều lệ của họ hiện khoảng 160.000 tỉ đồng.

Có rất nhiều phương thức tạo thanh khoản, tạo giao dịch sôi động cho thị trường mà bản thân các công ty chứng khoán đã nhiều lần kiến nghị, nhưng không được cơ quan quản lý chấp thuận. Đúng hơn những kiến nghị đó, nếu được thực hiện, cơ quan quản lý chưa thể quản lý nổi.

Với số tiền ký quỹ (margin) 17.000 tỉ đồng (như công bố của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước - UBCKNN), nay giảm còn 9.000 tỉ đồng, thanh khoản hai sàn sẽ sụt mạnh. Điều này sẽ khiến cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành bị ảnh hưởng. “Năm 2014, chúng ta chỉ bán được 45% tổng số cổ phiếu dự định phát hành (cả IPO, cổ phần hóa, thoái vốn...)” - ông Nghĩa nhấn mạnh - “Không có thanh khoản, các nhà đầu tư dài hạn cũng khó giải ngân. Khi mua cổ phiếu họ phải biết sẽ bán được. Thanh khoản được tạo ra chủ yếu nhờ đầu tư ngắn hạn, mà ngắn hạn là margin”.

Trả lời phỏng vấn TBKTSG trong cuộc họp báo ngày 9-1-2015 ông Lê Hải Trà, Phó tổng giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE), cho biết Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán và các thành viên đã có cuộc họp ở Hà Nội với đại diện NHNN. “Tôi được biết ban soạn thảo Thông tư 36 của NHNN đã rà soát lại những quy định của thông tư, nhưng kết luận cuối cùng ra sao, chưa rõ” - ông Trà nói - “Quan điểm của sở là những gì ảnh hưởng đến thị trường chúng tôi phản đối”.

Ông Trà băn khoăn việc lượng hóa những quy định của Thông tư 36 để đánh giá tác động đến chứng khoán khá mù mờ. Không ai biết số thực cho vay chứng khoán là bao nhiêu. Từ đây dẫn đến sự đồn thổi, phân tích khác nhau, làm nhà đầu tư nhỏ lẻ có thể bị loạn thông tin. “Tác động của chính sách, ngay cả khi nó chưa có hiệu lực, đối với hành vi của nhà đầu tư đã rõ” - ông Trà khẳng định. 

Bán khống, T cộng và những chốt chặn lỗi thời 

Từ cơ quan quản lý đến công ty chứng khoán đều tranh đấu cho margin chứng tỏ nguồn tiền ký quỹ đang đóng vai trò quan trọng đến mức nào trên thị trường. Thật đáng buồn vì chứng khoán là kênh huy động vốn dài hạn cho nền kinh tế, nay phải nhờ cậy nguồn tiền cho vay ngắn hạn của ngân hàng để “sống”! Ngân hàng mà rút bớt tiền là chứng khoán có vấn đề.

Tại sao giao dịch cổ phiếu hàng ngày của hàng trăm doanh nghiệp niêm yết, trong đó có không ít cánh chim đầu đàn của nền kinh tế, lại phải “vất vả” trông vào margin đến thế? Đó là do chứng khoán tự trói tay mình, tự lấy đá ghè vào chân mình đến chảy máu để rồi phải la lên “đau quá”!

Có rất nhiều phương thức tạo thanh khoản, tạo giao dịch sôi động cho thị trường mà bản thân các công ty chứng khoán đã nhiều lần kiến nghị, nhưng không được cơ quan quản lý chấp thuận. Đúng hơn những kiến nghị đó, nếu được thực hiện, sẽ gây khó cho cơ quan quản lý và nói trắng ra là cơ quan quản lý chưa thể quản lý nổi. Không quản được thì không cho áp dụng. UBCKNN không đủ thẩm quyền để giải quyết, còn cấp cao hơn Bộ Tài chính lại không chú ý đến.

Thứ nhất đòn bẩy tài chính đối với chứng khoán hiện hoàn toàn một chiều, giống như con đường rộng, nhưng giới hạn cho đi một chiều, làm sao giao thông nhộn nhịp được? Nhà đầu tư chỉ có thể vay tiền để mua cổ phiếu, chứ không thể vay cổ phiếu để bán. Phải có đòn bẩy hai chiều để điều hòa thị trường, tránh các cú sốc khi chỉ số biến động mạnh.

Cho đến nay Trung tâm Lưu ký vẫn giải thích việc cho vay cổ phiếu để bán (bán khống) không thể tiến hành vì công nghệ không cho phép. Ngó sang các nước lân cận, sao nhà đầu tư được bán khống, còn ta thì không? Chứng khoán của ta ra đời muộn, nay cũng đã 14 tuổi, vẫn không với tay được đến một nghiệp vụ thịnh hành toàn cầu như bán khống, thử hỏi sao thanh khoản không èo uột?   

Thứ hai là câu chuyện T cộng (T+0, T+2, T+3) vốn dĩ “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”! Đây là vấn đề cơ bản liên quan đến quyền lợi nhà đầu tư. Khi mua cổ phiếu (lệnh đã khớp), nhà đầu tư bị lock(phong tỏa) tiền trên tài khoản ngay lập tức trong khi đến ngày T+3 tiền mới được trả cho người bán. Việc này ảnh hưởng tức thì đến hiệu quả quay vòng tiền của khách hàng. Cũng thế, nhà đầu tư mua cổ phiếu rồi, song T+2 cổ phiếu mới về tài khoản, mới giao dịch được (nếu muốn bán).

Trung tâm Lưu ký bảo lưu quan điểm T+2 vì nhiều nước khác cũng thế. Đúng T+2 là chu kỳ thanh toán tồn tại ở nhiều nước, song những quy định liên quan đến giao dịch, đến cách vận hành thị trường và quản lý rủi ro của họ khác ta. Không nói gì ở Mỹ, châu Âu, ở gần ta là Singapore đây: tiêu chuẩn vẫn là T cộng, nhưng nhà đầu tư đặt lệnh mua hôm nay, đến sáng ngày T cộng mới phải nộp tiền vào tài khoản; mua cổ phiếu sau 5 giây họ được đặt lệnh bán... Một đồng của họ có thể quay vòng hàng chục, hàng trăm lần trong 2-3 ngày, còn ở Việt Nam nhà đầu tư được tạo điều kiện “nghỉ ngơi”, không cần phải lao tâm khổ tứ chi cho mệt, cứ ung dung ngồi đợi T+2 cổ phiếu về, tiền mua thì “hào phóng” trả trước hai ngày!

Cải thiện thanh khoản suy cho cùng là kỹ thuật giao dịch cần phải điều chỉnh, phá bỏ các chốt chặn lỗi thời để cho tiền chạy và khi tiền chạy, thanh khoản sẽ được nâng lên. Những nút thắt này vì sao không gỡ, lại lo nhìn vào margin? Chứng khoán có sức mạnh nội tại lớn, tư tưởng “sống nhờ”margin đã đến lúc phải thay đổi, mọi sự ỷ lại chỉ làm cho “đứa trẻ chứng khoán” còi cọc thêm!

Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn