Vấn đề Biển Đông phủ bóng Hội nghị hẹp Ngoại trưởng ASEAN

Các Ngoại trưởng ASEAN dự Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM Retreat) tại Vientiane (Lào) trong hai ngày 26-27.2 thảo luận các vấn đề khu vực, vấn đề Biển Đông có thể phủ bóng kỳ họp này.
Quốc kỳ các nước thành viên ASEAN - Ảnh: Reuters
Quốc kỳ các nước thành viên ASEAN - Ảnh: Reuters

Đây là kỳ họp đầu tiên trong hàng loạt kỳ họp do Lào chủ trì với tư cách Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2016, cũng là kỳ họp cấp bộ trưởng đầu tiên của ASEAN kể từ khi thiết lập Cộng đồng ASEAN ngày 31.12.2015, theo đài Channel News Asia (Singapore).

Philippines tuyên bố nước này dự định tập trung vào vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông trong hội nghị lần này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines, Charles Jose cho hay: “Chúng tôi sẽ bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông”, bao gồm thông tin tên lửa Trung Quốc đưa đến đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa chiếm của Việt Nam, theo trang tinNikkei Asian Review (Nhật Bản).

Ông Jose cho biết thêm Manila bày tỏ quan ngại về những hành động đe dọa tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.

Trong khi đó,Indonesia sẽ kêu gọi đẩy nhanh việc thiết lập Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) vốn bị trì hoãn lâu nay. “Đây không phải là việc dễ làm. Nhưng Indonesia quyết tâm tiếp tục đẩy mạnh thảo luận để sớm đưa ra COC”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia, ông Derry Aman cho biết.

Trong những kỳ Hội nghị hẹp các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN trước đây, Philippines đã nhiều lần đề nghị văn bản tuyên bố chung sau hội nghị nên đề cập đến hoạt động xây dựng đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông là một mối đe dọa đối với hòa bình và ổn định trong khu vực.

Các hình ảnh vệ tinh công bố gần đây cho thấy Trung Quốc đã đặt các trạm radar trên những đảo nhân tạo xây phi pháp ở Trường Sa. Trung Quốc còn triển khai hệ thống tên lửa đất đối không và mở rộng đường băng để phục vụ các chiến đấu cơ trên đảo Phú Lâm.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 25.2 còn ngang ngược tuyên bố Bắc Kinh “thật sự” cần những “vũ khí phòng vệ” trên Biển Đông để đối phó với tiến trình quân sự hóa do Mỹ kích ngòi.

Cũng trong ngày 25.2, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam ở Hà Nội, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khẳng định: “Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là không thể tranh cãi”, theo TTXVN.

“Bất chấp sự phản đối và quan ngại của Việt Nam cũng như của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc vẫn tiếp tục có các hành động không chỉ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, thúc đẩy quân sự hóa ở Biển Đông mà còn đe dọa hòa bình, ổn định ở khu vực và an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông”, ông Lê Hải Bình nói.

“Chúng tôi kiên quyết phản đối những hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam và yêu cầu Trung Quốc có những lời nói, hành động trách nhiệm và mang tính xây dựng trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực cũng như trên thế giới, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông”, theo ông Lê Hải Bình.

Philippines hồi năm 2013 đã đệ đơn kiện lên Tòa trọng tài thường trực (trụ sở tại The Hague, Hà Lan), phản đối tuyên bố chủ quyền phi lý “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Trung Quốc từ chối tham gia các phiên phân xử. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 25.2 còn cáo buộc Philippines “gây hấn chính trị” khi kiện Bắc Kinh ra tòa án quốc tế. Tòa trọng tài thường trực dự kiến sẽ đưa ra phán quyết vào cuối năm 2016.

Theo TTXVN