Ứng phó với sự cố bức xạ và hạt nhân như thế nào?

VietTimes -- Theo Kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân cấp quốc gia vừa được Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành, tất cả thông tin liên quan đến sự cố hạt nhân có thể gây ảnh hưởng đến Việt Nam đều sẽ được Bộ Khoa học Công nghệ xác minh để đề xuất triển khai ứng phó sự cố cấp quốc gia và yêu cầu trợ giúp quốc tế.
Sự cố hạt nhân Fukushima
Sự cố hạt nhân Fukushima

Mục tiêu của Kế hoạch nhằm thiết lập hệ thống tổ chức, phân công trách nhiệm, cơ chế điều hành và phối hợp giữa các tổ chức, cá nhân tham gia ứng phó với sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân (sự cố); bảo đảm việc chuẩn bị cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị, phương tiện và nhân lực cần thiết nhằm ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu tối đa thiệt hại về con người, môi trường và tài sản khi xảy ra sự cố; bảo đảm việc chỉ đạo, điều hành và chỉ huy ứng phó sự cố tuân theo nguyên tắc thống nhất, phân công cụ thể, chủ động, kịp thời và phù hợp với diễn biến thực tế của sự cố.

Hệ thống tổ chức ứng phó sự cố cấp quốc gia bao gồm: Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn; Sở chỉ huy hiện trường; các tổ chức tham gia ứng phó sự cố cấp quốc gia; các đơn vị hỗ trợ kỹ thuật.

Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn là cơ quan phối hợp liên ngành, có chức năng chỉ đạo, tổ chức phối hợp thực hiện công tác ứng phó sự cố trong phạm vi cả nước và hợp tác khu vực, quốc tế; trực tiếp chỉ đạo Sở chỉ huy hiện trường và các tổ chức tham gia ứng phó sự cố.

Phương án ứng phó sự cố cấp quốc gia

Theo quy định, thông tin sự cố xảy ra trong lãnh thổ Việt Nam được tiếp nhận qua hệ thống tiếp nhận thông tin 24/7 đặt tại Bộ Khoa học và Công nghệ.

Thông tin sự cố xảy ra bên ngoài biên giới Việt Nam có nguy cơ tác động ảnh hưởng đến an toàn đối với con người, môi trường của Việt Nam sẽ được Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp nhận thông qua Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), kênh trao đổi song phương giữa các quốc gia hoặc từ hệ thống quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia.

Bộ Khoa học và Công nghệ sau khi tiếp nhận thông tin sự cố sẽ triển khai xác minh tính chính xác của thông tin; đánh giá tính chất, mức độ nghiêm trọng của sự cố, làm căn cứ đề xuất triển khai ứng phó sự cố cấp quốc gia và yêu cầu trợ giúp quốc tế.

Trường hợp cần thiết triển khai ứng phó sự cố cấp quốc gia hoặc yêu cầu trợ giúp quốc tế, Bộ Khoa học và Công nghệ phải báo cáo ngay Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn để quyết định.

Điều kiện chấm dứt ứng phó sự cố

Hoạt động ứng phó sự cố cấp quốc gia được chấm dứt và công bố chính thức cho công chúng khi bảo đảm được các điều kiện sau:

1- Tình trạng phóng xạ đã được kiểm soát và các dữ liệu đặc trưng cho tình trạng phóng xạ của sự cố đã được thu thập đầy đủ;

2-  Khả năng chiếu xạ hoặc gây nhiễm bẩn phóng xạ, khả năng phát triển của sự cố được đánh giá và khẳng định là ổn định;

3- Mức liều chiếu xạ đối với các nhóm công chúng có nguy cơ bị tác động được đánh giá và bảo đảm liều hiệu dụng không vượt quá mức liều quy định;

4- Kiểm soát được liều chiếu xạ nghề nghiệp đối với nhân viên khắc phục hậu quả sự cố giai đoạn sau đó trong giới hạn an toàn;

5- Các yếu tố phi phóng xạ khác như khía cạnh về tâm lý, kinh tế, công nghệ, tái định cư, khả năng nguồn lực đã được xem xét;

6- Chất thải phóng xạ sinh ra từ hoạt động ứng phó sự cố đã có giải pháp xử lý và quản lý;

7- Đã có các giải pháp bảo đảm an toàn cho công chúng sau khi chấm dứt hoạt động ứng phó sự cố.