Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý để xây dựng thành phố thông minh

VietTimes -- Theo TS. Lưu Đình Hiệp, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin địa lý (Đại học Bách khoa-Đại học Quốc gia TPHCM), hệ thống thông tin địa lý tích hợp nhiều tầng lớp thông tin khác nhau cho phép người dùng nhìn thấy toàn cảnh các thông tin khác nhau cần tìm hiểu.
TP Hồ Chí Minh sẽ trở thành thành phố thông minh (ảnh minh họa)
TP Hồ Chí Minh sẽ trở thành thành phố thông minh (ảnh minh họa)

Ứng dụng hệ thống quản lý thông minh để xây dựng TPHCM văn minh, hiện đại là vấn đề được các đại biểu nêu lên tại Hội thảo về phát triển mô hình thành phố thông minh dựa trên hệ thống thông tin địa lý thông minh (GIS) do Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TPHCM phối hợp tổ chức.

Theo đó, tất cả các dữ liệu này được xây dựng thành mô hình 3D mô phỏng những dữ liệu sát thực với thực tế, tạo thuận lợi trong công tác quản lý của lãnh đạo cũng như tìm hiểu thông tin của người dân. Hệ thống thông tin địa lý giúp các nhà lãnh đạo quản lý trực quan dựa trên dữ liệu không gian (tọa độ địa lý thực), các dữ liệu được xây dựng một lần và sử dụng nhiều lần cho nhiều ứng dụng khác nhau. Từ đặc điểm này, các sở, ngành, địa phương có thể chia sẻ dữ liệu với nhau, từ đó giúp tiết kiệm chi phí trong quản lý và thực hiện.

Đặc biệt, hệ thống thông tin địa lý đóng vai trò quan trọng trong công tác quản lý đô thị như hạ tầng giao thông, các công trình ngầm bao gồm hệ thống cấp nước, thoát nước, hệ thống điện, viễn thông, kể cả ga ngầm, hệ thống metro mà TPHCM đang xây dựng.

Tổng công ty cấp nước Sài Gòn và các công ty thành viên đã ứng dụng hệ thống GIS trong quản lý hệ thống cấp nước toàn Thành phố. Qua hệ thống này, Tổng công ty nắm rõ được hệ thống cấp nước đang vận hành và kịp thời xử lý những sự cố cấp nước xảy ra.

Tổng công ty điện lực TPHCM cũng ứng dụng hệ thống GIS để xây dựng dữ liệu điện thông minh, kịp thời xử lý những sự cố về điện toàn Thành phố.

Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM đang bắt đầu ứng dụng hệ thống GIS để chuẩn hóa dữ liệu hệ thống thoát nước. Với hệ thống GIS, Trung tâm thu thập dữ liệu về hệ thống thoát nước, kênh rạch, sông hồ, từ đó xây dựng mô hình quản lý và các kịch bản xử lý sự cố ngập nước trên địa bàn Thành phố.

Cũng theo ông Lưu Đình Hiệp, thực tế hiện nay, trong quản lý quy hoạch xây dựng, cán bộ quản lý tra cứu thông tin quy hoạch qua hồ sơ giấy tờ hoặc tập tin định dạng AutoCAD, công bố thông tin quy hoạch xây dựng qua các cuộc họp, cắm pano thông báo. Người dân, nhà đầu tư muốn tìm hiểu về quy hoạch xây dựng qua thông tin công bố, các pano thông báo hoặc đến tận nơi. Thông tin quy hoạch xây dựng được lưu trữ qua hồ sơ trong kho hoặc trên các máy tính. Với ứng dụng hệ thống GIS, quy hoạch xây dựng sẽ bao gồm tất cả thông tin, hình ảnh chi tiết và đưa lên phần mềm. Qua phần mềm, cán bộ quản lý, nhà đầu tư, người dân đều tìm thấy những thông tin cần thiết.

Tại Hội thảo, các chuyên gia cho rằng phát triển mô hình thành phố thông minh dựa trên hệ thống thông tin địa lý thông minh là việc làm cần thiết, phù hợp với mục tiêu mà lãnh đạo Thành phố đang thực hiện là xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại. Việc ứng dụng hệ thống thông tin địa lý thông minh cần thực hiện từ các sở, ngành, đơn vị, địa phương, sau đó kết nối dữ liệu thành hệ thống thông tin địa lý thông minh toàn Thành phố, trở thành nguồn dữ liệu quý giá để điều hành và quản lý TPHCM phát triển theo hướng bền vững.

Hệ thống thông tin địa lý (Geographic Information Systems – GIS) là một công cụ hữu ích để tích hợp hệ thống cơ sở dữ liệu gắn kết với bản đồ, hiệu quả trong việc quản lý quy hoạch xây dựng và hạ tầng đô thị (hệ thống cấp thoát nước, các dịch vụ xã hội, phân luồng giao thông, mạng viễn thông, dự báo thời tiết – thiên tai, dịch bệnh...

Trên thế giới, GIS đã được áp dụng khá thành công tại Anh, Mỹ, Ấn Độ, Singapore… Việc áp dụng hệ thống GIS vào lĩnh vực quy hoạch xây dựng sẽ giúp đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thiết kế, là công cụ đắc lực cho các ban, ngành, địa phương trong việc quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch.